• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lạm phát kinh tế dưới 4%: Hoàn toàn khả thi

Kinh tế 29/06/2018 15:10

(Tổ Quốc) - GDP quý 2 tăng trưởng khá, nhưng chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng cao. Tuy nhiên, theo lãnh đạo của Tổng cục Thống kê thì mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2018 dưới 4% là hoàn toàn có khả thi.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê. Ảnh Vi Phong 

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước (Quý I tăng 7,45%; quý II tăng 6,79%), là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong việc Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018. 

Xung quanh vấn đề này, Phóng viên báo Tổ Quốc đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê.

PV: GDP quý 2 tăng trưởng khá, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng cao. Đây có phải là thách thức cho vấn đề quản lý kinh tế 6 tháng cuối năm?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Chỉ số CPI 6 tháng đầu năm tăng cao là có lý do của nó. Thứ nhất là do xăng dầu thế giới tăng cao. Giá xăng dầu thế giới 6 tháng đầu năm đã tăng trên 13,9%. Thứ hai là, do giá một số mặt hàng lương thực tăng lên do xuất khẩu gạo của Việt Nam ra nước ngoài được giá. Thứ ba là, giá một số các mặt hàng dịch vụ điều chỉnh theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Hiện nay Chính phủ luôn luôn quan tâm tới các giải pháp để kiểm soát lạm phát, đạt được mục tiêu của Quốc hội là dưới 4%. Chính phủ có giải pháp điều hành chỉ số giá, luôn có kịch bản đề điều chính, áp dụng theo hàng tháng. Trên cơ sở đó, tháng nào chỉ số giá không tăng cao có thể điều chỉnh giá một số giá dịch vụ. Ngược lại, nếu tháng nào chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, Chính phủ sẽ không tiến hành điều chỉnh giá dịch vụ. Tôi tin tưởng rằng với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ thì mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2018 dưới 4% là hoàn toàn có khả thi.

PV: Mục tiêu đạt được tăng trưởng GDP 6,7% năm 2018 này có khả quan thưa ông?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Mục tiêu tăng trưởng 6,7 % hoàn toàn khả quan. Bức tranh tăng trưởng kinh tế năm 2018 khác với các năm trước. Tăng trưởng quý sau vẫn tăng nhưng không tăng cao hơn quý trước như các năm trước.  Theo tôi, mục tiêu tăng trưởng 6,7%  sẽ đạt được bởi các lý do sau:

Ngay từ đầu năm Chính phủ có Nghị quyết 01 với từng nội dung, từng chương trình hành động cụ thể để điều hành các bộ ngành, địa phương.

Thứ hai là, Tổng Cục Thống kê đã xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế theo từng quý, dựa trên kết quả tống kết của các quý.

Thứ ba là, thời gian gần đây Chính phủ đã rất quan tâm tới việc tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư,mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ trong thời gian qua, mặc dù số lượng đầu tư vào Việt Nam không tăng nhưng giá trị đầu tư, giá trị giải ngân của các nhà đầu tư thì đã tăng, cụ thể tăng hơn 6 tháng đầu năm 2017. Sáu tháng đầu năm nay, đã có 64 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, cùng với đó là sự trở lại hoạt động của các doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp lên 81 nghìn. Bên cạnh đó, cũng có tới 34 nghìn doanh nghiệp đang tạm dừng sản xuất và chờ giải thể, tuy nhiên điều này không có gì đáng lo ngại. Bởi đó là sự vận động theo đúng quy luật thị trường, cạnh tranh, có thành lập thì có giải thể.

PV: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có ảnh hưởng gì tới nền kinh tế Việt Nam? Đồng thời nền kinh tế của nước ta có bị ảnh hưởng bởi chu kỳ suy giảm kinh tế 10 năm của thế giới không thưa ông?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Theo tôi đây chỉ là những hành động mang tính chính trị, còn thực tế cả Mỹ và Trung Quốc đều không để xảy ra cuộc chiến này.  Còn nếu nó xảy ra thì sẽ có tác động với nền kinh tế Việt Nam theo cả hai chiều là thời cơ và thách thức.  Thời cơ là việc chúng ta có thể tận dụng cơ hội này để cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc mà tiếp cận với thị trường Mỹ. Còn thách thức là nguy cơ hàng Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam, đặc biệt nguy hiểm hơn đó là sẽ tìm cách thành hàng Việt Nam rồi xuất khẩu trở lại qua Mỹ.  Điều này đòi hỏi các nhà quản lý, các cơ quan chức năng, bộ, ngành cần phải có những chính sách linh hoạt, những biện pháp ứng phó kịp thời. Tuy nhiên tôi tin rằng cuộc chiến này sẽ không diễn ra.

Về ảnh hưởng của chu kỳ suy giảm kinh tế 10 năm của thế giới đến Việt Nam. Tôi cho rằng cũng không có ảnh hưởng nhiều. Hơn nữa, hiện nay, các nước trên thế giới đều đang tập trung vào phục hồi, phát triển kinh tế, vốn đầu tư tăng, thương mại toàn cầu tăng, các tổ chức thương mại thế giới đều nhận định rằng năm 2018 và 2019, kinh tế thế giới vẫn sẽ tăng cao, dự đoán khoảng 3,9%...Bức tranh kinh tế thế giới vẫn đang rất khởi sắc, nên có lẽ trước mắt chu kỳ suy giảm kinh tế thế giới sẽ chưa diễn ra./.

 PV: Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

 Vi Phong

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ