• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làm thế nào người Việt có thể tự tin rằng bước chân của mình đến đâu cũng được chào đón

Du lịch 03/04/2019 14:25

(Tổ Quốc) - Theo thống kê từ Hiệp hội Du lịch, lượng khách outbound (người Việt Nam đi du lịch nước ngoài) của Việt Nam tăng 10-12%/năm. Với số lượng nhiều như vậy nhưng hệ thống văn bản pháp luật cũng như quy định của các cơ quan chức năng nhà nước cho hoạt động này chưa rõ ràng cho nên hoạt động outbound của Việt Nam chưa được đánh giá tương xứng với tiềm năng.

Làm thế nào người Việt có thể tự tin rằng bước chân của mình đến đâu cũng được chào đón - Ảnh 1.

Đông đảo du khách tới tìm hiểu thông tin và mua tour du lịch nước ngoài tại VITM Việt Nam 2019

Du lịch outbound không chỉ là một hoạt động kinh tế đơn thuần

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển về mặt kinh tế thì nhu cầu đi du lịch trong nước và quốc tế của người dân cũng tăng theo. Đặc biệt là nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người dân đang ngày càng phổ biến khi mà giá các tour du lịch nước ngoài như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... thậm chí là Mỹ cũng đang có xu hướng giảm bởi ngày càng xuất hiện nhiều công ty lữ hành trong và ngoài nước quan tâm và đầu tư vào mảng du lịch này.

Theo thống kê từ Hiệp hội Du lịch, lượng khách outbound của Việt Nam tăng 10-12%/năm và đạt con số 10 triệu vào năm 2018. Cụ thể, từ năm 2015 người Việt Nam đi du lịch Trung Quốc là 1 triệu 980 nghìn người thì đến năm 2018 con số đã xấp xỉ 4 triệu. Năm 2015 khách Việt Nam sang du lịch tại Nhật Bản đạt 185.400 khách thì tới năm 2018 con số này đã đạt xấp xỉ 400.000 khách. Năm 2018, khách Việt Nam sang du lịch tại Hàn Quốc đạt 450.000 khách (tăng gấp 3 lần so với 2015). Đặc biệt đã có hơn 1 triệu người Việt Nam đi du lịch Thái Lan vào năm 2018…

Những con số này đã cho thấy hoạt động du lịch outbound của Việt Nam trên thực tế hoạt động khá mạnh mẽ và là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp lữ hành trong nước cũng như quốc tế. Thị trường khách du lịch Việt Nam là "miếng bánh" mà nhiều doanh nghiệp lữ hành trong khu vực và quốc tế khao khát chiếm lĩnh. Tại thị trường Nhật Bản, khách du lịch Việt Nam được xếp vào nhóm chi tiêu cao ( Năm 2017, theo thống kê của Cơ quan Du lịch Quốc gia Nhật Bản, khách du lịch Việt Nam đến Nhật hiện có mức chi tiêu cao nhất, đạt khoảng 237.000 yên/ người/ chuyến đi). Điều này cũng xảy ra tương tự tại các thị trường như Hàn Quốc hay Singapore, Thái Lan…

Ông Hoàng Hậu Dương, Giám đốc công ty du lịch Continental Travel Services (Du lịch Đại Lục Việt Nam), một đơn vị lữ hành chuyên cung cấp tour du lịch Hong Kong cho biết "người Việt Nam thường kết hợp du lịch và mua sắm. Vì thế khi đi du lịch tại các nước, người ta đều sẵn sàng chi nhiều tiền để mua sắm. Có nhiều khách hàng của chúng tôi khi đi du lịch tại Hong Kong, số tiền họ bỏ ra để mua sắm có khi còn nhiều gấp 2 – 3 lần số tiền của tour du lịch".

Mặc dù xu hướng người Việt Nam đi du lịch ngày một tăng và thực tế đã chứng minh điều này. Nhưng, theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì hoạt động du lịch outbound vẫn còn nhiều vấn đề nảy sinh, bất cập. "Với số lượng nhiều như vậy nhưng hệ thống văn bản pháp luật cũng như quy định của các cơ quan chức năng nhà nước cho hoạt động outbound chưa rõ ràng cho nên hoạt động outbound của Việt Nam chưa được đánh giá tương xứng với tiềm năng".

Cũng theo ông Vũ Thế Bình một đất nước mà mỗi năm có số người đi du lịch nước ngoài trên tổng số dân lớn bao nhiêu thì thể hiện tốc độ phát triển tốt bấy nhiêu, nền kinh tế mạnh, xã hội mở cửa giao lưu rộng rãi.

Vì thế, để đạt được sự bình đẳng giữa các loại hình du lịch (inbound, outbound, nội địa), thúc đẩy nhiều hơn hoạt động outbound và tạo hình ảnh ngày càng tốt hơn của người Việt Nam ở nước ngoài, để du lịch outbound không phải chỉ là một hoạt động kinh tế đơn thuần mà còn mang lại giá trị về tình hữu nghị giữa các dân tộc, giao lưu văn hóa và nâng cao hình ảnh của người dân Việt Nam thì cần phải coi hoạt động outbound là vấn đề cấp thiết của ngành du lịch.

Làm thế nào người Việt có thể tự tin rằng bước chân của mình đến đâu cũng được chào đón - Ảnh 3.

Khách du lịch Việt Nam tại Triều Tiên - Ảnh HanoiRedtours

Điều chỉnh ứng xử của người Việt khi đi ra nước ngoài

Nhấn mạnh về vai trò của du lịch outbound, ông Vũ Thế Bình cho rằng cần khẳng định outbound là hoạt động cần thiết của du lịch, outbound cũng đóng góp một phần quan trọng trong hoạt động kinh tế của đất nước.

Du lịch tạo nên sự bình đẳng giữa các dân tộc, bởi nhờ nó mà người dân các nước xích lại gần nhau hơn, hội nhập từ đó mang lại vị thế cho đất nước. Về mặt kinh tế, tất cả những chuyến đi của người dân ra nước ngoài không phải chỉ là mua hàng hóa về mà họ học được phương thức kinh doanh, tìm được nguồn vốn đầu tư, phương thức giáo dục con cái… ,ông Bình phân tích.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc HanoiRedtours, thì du lịch outbound ở Việt Nam cần phải được thừa nhận trong thống kê của ngành du lịch. Có như vậy thì mới có được những nhận thức đầy đủ từ xã hội và nhà quản lý. "Có thừa nhận và nhìn nhận tích cực thì công tác quản lý sẽ chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để người du lịch Việt Nam mua được những tour du lịch đúng chất lượng, đảm bảo an ninh an toàn trong quá trình đi tour. Đồng thời cũng sẽ chính danh đóng góp vào nguồn thu của đất nước, đảm bảo cho các doanh nghiệp lữ hành trong nước không lo bị thua ngay trên sân nhà khi mà đang có rất nhiều doanh nghiệp, lữ hành quốc tế để ý tới thị trường khách du lịch người Việt Nam".

Ông Hoàng Hậu Dương, Giám đốc công ty du lịch Continental Travel Services (Du lịch Đại Lục Việt Nam) cũng cho rằng, thời gian qua sở dĩ hoạt động du lịch outbound còn phát sinh những vấn đề như du khách bỏ trốn, bị bỏ rơi hay bị lừa tiền mua tour giá rẻ…một phần cũng bởi chưa có chế tài xử phạt đủ mạnh và các vụ việc cũng chưa được giải quyết đến nơi đến chốn, chưa tạo ra sự công bằng hay môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp lữ hành. Chính vì thế, hoạt động du lịch outbound cần phải được xem xét và nhìn nhận ở đúng vị trí của mình. Có như vậy hoạt động này mới đảm bảo tuân thủ theo các quy định chung, để tuyệt đối coi trọng và bảo vệ quyền lợi của khách hàng - người Việt Nam khi đi du lịch ở nước ngoài. Đồng thời quản lý chặt chẽ và ngăn chặn được những vụ việc đáng tiếc đã xảy ra trong thời gian qua.

"Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi đến thăm các gian hàng ở Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2019 có nói với chúng tôi rằng Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần phải làm mạnh outbound, cần phải phát động phong trào nâng cao hình ảnh du khách Việt, làm sao để điều chỉnh ứng xử của người Việt khi đi ra nước ngoài….Những hình ảnh xấu xí về khách du lịch Việt Nam ở khắp các nơi cũng đã báo động rồi. Vì thế, không thể chần chừ thêm nữa mà cần có những cuộc khảo sát, đánh giá lại toàn diện hoạt động outbound để có những giải pháp quản lý kịp thời. Khi có được môi trường du lịch outbound lành mạnh... thì chắc chắn người Việt có thể tự tin rằng bước chân của mình đến đâu cũng được chào đón, hình ảnh người Việt được tôn trọng ở khắp nơi trên thế giới…Có như thế du lịch Việt Nam mới trở thành nền kinh tế mũi nhọn của đất nước", ông Vũ Thế Bình nói.

“Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Tổng cục Du lịch đang triển khai xây dựng dự thảo bộ quy tắc ứng xử cho người Việt Nam đi nước ngoài, sau khi được phê duyệt sẽ triển khai in ấn và phát hành trên các hãng hàng không để du khách Việt Nam tham khảo và có cách ứng xử phù hợp”

Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng Cục trưởng TCDL

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ