• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làn gió Macron thổi bùng sức mạnh trục Pháp- Đức

Thế giới 16/05/2017 20:52

(Tổ Quốc) - Tân Tổng thống  Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 15/5 đã cam kết sẽ tạo ra một động lực mới cho châu Âu.

Tân Tổng thống  Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 15/5 đã cam kết sẽ tạo ra một động lực mới cho châu Âu, ngay cả khi cần có sự thay đổi hiệp định sau khi ông Macron vừa bổ nhiệm một Thủ tướng đến từ lực lượng bảo thủ.

Ông Macron ngay sau khi nhậm chức đã thực hiện chuyến công du đầu tiên theo truyền thống là tới Berlin, đối tác quyền lực của Paris trong trung tâm sức mạnh của châu Âu.

Hai nhà lãnh đạo Pháp - Đức trong cuộc gặp truyền thống củng cố sức mạnh liên minh. (Nguồn: AFP)

Thúc đẩy trục Pháp – Đức

Tại Đức, nhà lãnh đạo 39 tuổi của Pháp đã kêu gọi một "cuộc tái thiết lịch sử" trong châu Âu nhằm chống lại làn sóng của chủ nghĩa dân túy đang càn quét lục địa này sau thất bại của nhà lãnh đạo cánh hữu Marine Le Pen trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.

Bà Merkel, lãnh đạo nước Đức trong một thập kỷ, đã nhất trí rằng hai cường quốc chủ chốt của châu Âu muốn tạo nên một sức bật mới cho sự hợp tác của họ cũng như "động lực mới" đối với trục Pháp - Đức.

"Đã có nhận thức chung rằng chúng ta không chỉ tập trung vào việc Anh rời EU mà trước hết, chúng ta phải nghĩ đến việc làm thế nào để củng cố và kiểm soát khủng hoảng trong Liên minh châu Âu, đặc biệt là trong khu vực đồng euro", bà Merkel cho biết tại một cuộc họp báo chung.

Trước khi ông Macron thực hiện chuyến thăm này, những tuyên bố của ông về cải cách khu vực đồng euro - bao gồm việc thiết lập một ngân sách riêng, bổ nhiệm cơ quan lập pháp và bộ trưởng tài chính cho khối tiền tệ này - đã dấy lên sự hoài nghi ở Berlin.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đã cảnh báo rằng những cải cách sâu rộng như vậy sẽ đòi hỏi những thay đổi lớn trong hiệp định EU – điều "không thực tế" trong bối cảnh châu Âu đang bị phủ mờ bởi làn sóng chống euro.

Tuy nhiên, bà Merkel đã “bật đèn xanh” cho ý tưởng của ông Macron, nói rằng "theo quan điểm của Đức, có thể thay đổi hiệp định nếu hợp lý", còn ông Macron cũng nói rằng "không có điều cấm kị nào" về vấn đề này.

"Nếu chúng ta có thể nói lý do tại sao, mục đích và nội dung (của việc thay đổi hiệp định EU), thì Đức sẽ sẵn sàng." Đức và Pháp đang là hai nền kinh tế lớn nhất của khu vực đồng euro.

Lo ngại về nợ nần

Cách tiếp cận của bà Merkel nhấn mạnh quan điểm của bà rằng điều quan trọng không chỉ đối với Pháp, mà đối với Đức, là giúp ông Macron thành công – lập trường bà đã nhấn mạnh nhiều lần.

Tuy nhiên, lập trường của bà vẫn cần phải được kiểm nghiệm khi người dân Đức đang lo ngại về việc phải san sẻ gánh nặng cho các nước phía sau trong khu vực đồng euro.

Ông Macron cũng đã tìm cách xoa dịu nỗi sợ hãi của Đức về nợ nần, và nói ông phản đối việc "lẫn lộn" các khoản nợ cũ của nhiều quốc gia trong khu vực đồng euro. Tân Tổng thống Pháp cũng báo hiệu việc sẵn sàng chia sẻ gánh nặng trong tương lai.

Thể hiện những lo ngại về các đề xuất của ông Macron, nhật báo lớn nhất của Đức Bild đã cảnh báo ngay trước thềm cuộc gặp hai bên rằng, trước khi hội nhập sâu hơn vào EU, "Pháp một lần nữa phải ngang bằng với Đức về chính trị và kinh tế". "Chỉ khi đó EU mới có thể được cải cách hoặc phát triển hội nhập sâu hơn", tờ báo cho biết .

Trong khi đó, bất kỳ động thái cải tổ nào cũng phải đợi chờ cho tới tháng 9 – thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tại Đức – khi bà Merkel đang cho thấy khả năng sẽ tái đắc cử.

Củng cố sức mạnh Pháp

Trong khi đó, tại chính trường Pháp, trước khi thực hiện được những cải tổ đưa ra, ông Macron cũng phải đối mặt với một thách thức lớn trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng tới.

Đầu ngày 15/5 tại Paris, ông Macron đã chọn Edouard Philippe - nhà lập pháp trung hữu làm thủ tướng trong một nỗ lực mạnh mẽ phá vỡ truyền thống chính trị của đất nước và vẽ lại bản đồ chính trị.

Quyết định bổ nhiệm này của ông Macron được coi như một động thái chiến lược khi đang cố gắng thu hút các thành viên ủng hộ lập trường cải cách, hiện đại hóa gia nhập cùng chính đảng trung dung của ông – Phong trào tiến bước (REM) – hiện đã giành được sự ủng hộ của hàng chục nghị sĩ trung hòa của đảng Xã hội.

Kế nhiệm quyền lực từ cựu Thủ tướng Bernard Cazeneuve trong một buổi lễ ngắn gọn, Philippe cho rằng ông là "một người đàn ông của cánh hữu" và đang được định hướng bởi "những điều tốt đẹp hơn".

Philippe còn được ví là “con ngựa thành Troy” của ông Macron trong việc vận động cử tri cánh hữu.

Động thái trên của ông Macron là một cú đánh mạnh mẽ đối với đảng Cộng hòa, lực lượng đã cố gắng tập hợp lại sau cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống nhằm ngăn chặn những vụ “đào tẩu” sang phía ông Macron.

Ông Macron hiện đang hướng tới sự ủng hộ của các thành viên cả hai đảng Cộng hòa và Xã hội trong cuộc bầu cử nghị viện vào tháng tới.

(Theo AFP)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ