Làn sóng công ty Trung Quốc trở về nhà, Thượng Hải đang chiếm ngôi vương về IPO trên toàn cầu

(Tổ Quốc) - Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải dẫn đầu thế giới về số tiền mặt huy động được thông qua các đợt phát hành lần đầu ra công chúng trong 9 tháng đầu năm nay, nhờ làn sóng các công ty công nghệ Trung Quốc chọn niêm yết tại thị trường quê hương.

Niêm yết trên sàn chứng khoán đã đem lại 279 tỷ Nhân dân tệ (NDT), tương đương 41,7 tỷ USD trong giai đoạn này, gấp ba lần của cả năm trước.

Và với đợt IPO khổng lồ của Ant Group (hậu thuẫn bởi Alibaba) diễn ra vào tháng tới, Thượng Hải đã sẵn sàng chiếm lấy vị trí số một toàn cầu lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Sự gia tăng cho thấy những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc thuyết phục các doanh nghiệp niêm yết ở quê nhà thay vì các thị trường nước ngoài như New York đang mang lại hiệu quả. Các nhà đầu tư cá nhân đã đổ xô vào các công ty công nghệ, như trường hợp của Ant Group là một ví dụ. Thậm chí điều này cũng đã khiến giá một số cổ phiếu tăng lên mức quá nóng.

Truyền thông Trung Quốc đã xôn xao trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tuần lễ vàng, thông tin rằng 5 quỹ tương hỗ nhận phân bổ độc quyền cổ phiếu Ant Group bán hết chỉ trong hai tuần, thu về 60 tỷ NDT. Thỏa thuận này đã bị chỉ trích vì thực hiện bán hàng thông qua nền tảng thanh toán di động Alipay của riêng Ant Group. Các nhà đầu tư cá nhân bị hấp dẫn bởi phiên IPO của Ant Group với hơn 10 triệu lượt đăng ký mua.

Thị trường STAR theo định hướng công nghệ, là nơi Ant Group dự định niêm yết bên cạnh việc ra mắt cổ phiếu tại Hồng Kông. Hồng Kông cũng cực kì tất bật với việc đã huy động được hơn 187 tỷ NDT trong 9 tháng đầu năm.

Hoạt động trên sàn giao dịch, mà đặc biệt là thị trường STAR được sử dụng như một công cụ chính sách của chính phủ Trung Quốc.

Semiconductor Manufacturing International Corp ra mắt tại Thượng Hải chỉ sau hai tháng công bố kế hoạch. Việc chào bán diễn ra nhanh chóng trong bối cảnh lo ngại Mỹ áp các biện pháp trừng phạt đối với các nhà sản xuất chip Trung Quốc, huy động về 46,2 tỷ NDT.

Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi các công ty nổi tiếng về nước để niêm yết tại đại lục và Hồng Kông. Cambricon Technologies, một nhà sản xuất chip trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại Bắc Kinh từng được kỳ vọng niêm yết tại nước ngoài; hay JD Digits, một nhánh fintech của nhà bán lẻ điện tử JD.com đều đã chọn niêm yết trên STAR.

Quá trình sàng lọc IPO cho các thị trường đại lục thường mất từ một năm rưỡi đến hai năm và đã có một quy tắc ngầm giới hạn giá chào bán ở mức 23 lần thu nhập trên mỗi cổ phiếu (P/E) của một công ty.

Những ràng buộc như vậy đã được nới lỏng gần đây, trong khi chương trình kết nối chứng khoán Thượng Hải - Hồng Kông cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận gián tiếp vào thị trường chứng khoán Thượng Hải. Việc này thu hút thêm dòng vốn từ nước ngoài.

Bản thân thị trường Hồng Kông cũng đang phát triển mạnh mẽ. Các công ty đã huy động được 211 tỷ đô la Hồng Kông (27,3 tỷ USD) trong 9 tháng đầu năm, tăng 58% so với một năm trước đó. Mặc dù tốc độ đã chậm lại phần nào trong bối cảnh đại dịch COVID-19, niêm yết kép Mỹ - Hồng Kông của JD.com và nhà phát triển trò chơi Netase đã giúp tăng về tổng số.

Hồng Kông dẫn đầu thế giới về IPO trong năm thứ hai liên tiếp vào năm 2019 với 314 tỷ đô la Hồng Kông huy động. Deloitte dự kiến con số trong năm nay sẽ tăng lên 400 tỷ đô la Hồng Kông. Thị trường này đang chứng kiến loạt công ty niêm yết có trụ sở tại Trung Quốc đại lục khi chính phủ nước này tìm cách trấn an nhà đầu tư rằng luật an ninh quốc gia mới sẽ không ảnh hưởng đến việc Hồng Kông là một trung tâm tài chính.

Nhưng sự cam thiệp của nhà nước đã dẫn đến sự biến đổi sâu sắc trên thị trường niêm yết cổ phiếu mới. Thị trường STAR đặc biệt sôi sục, có thời điểm P/E lên tới 100 lần, trong khi SMIC đã giảm 40% so với mức đỉnh trong ngày niêm yết.

Đông A

Tin mới