• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lạng Sơn: Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng tại địa bàn thí điểm về công tác gia đình

Văn hoá 01/06/2020 10:41

(Tổ Quốc) - Lạng Sơn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng tại địa bàn thí điểm về công tác gia đình; Các thiết chế văn hóa cơ sở ở Hà Giang ngày càng phát triển về bề rộng lẫn chiều sâu; Các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã được triển khai sâu rộng là những thông tin văn hóa đáng chú ý.

Lạng Sơn: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng tại địa bàn thí điểm về công tác gia đình

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã xây dựng Kế hoạch tổ chức Lễ phát động và đăng ký thực hiện "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" năm 2020.

Kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng tại địa bàn thí điểm về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình văn hóa với những giá trị đạo đức chuẩn mực qua cách ứng xử của các thành viên trong gia đình.

Thông qua Lễ phát động sẽ đẩy mạnh chiến dịch truyền thông, trao đổi kinh nghiệm và thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Lạng Sơn: Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng tại địa bàn thí điểm về công tác gia đình - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/Nguồn: afamily.vn

Lễ phát động và đăng ký thực hiện "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" năm 2020 sẽ được tổ chức tại huyện Bắc Sơn vào ngày 16/6/2020 và tại huyện Chi Lăng vào ngày 18/6/2020.

Lễ phát động phải đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, thiết thực, đầy đủ nội dung, phù hợp với thực tế địa phương và mang lại hiệu quả tuyên truyền cao; đồng thời huy động sự tham gia đông đủ của cán bộ, tầng lớp nhân dân đặc biệt là các hộ gia đình tham gia triển khai thí điểm Bộ tiêu chí.

Các thiết chế văn hóa cơ sở ở Hà Giang ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu

Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang đã có báo cáo kết quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở từ tháng 10/2017 đến tháng 5/2020.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng dân dân, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, thể chế để phát triển sự nghiệp văn hóa, trong đó có việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo lãnh đạo của cấp ủy Đảng chính quyền và sự đồng tình ủng hộ của toàn thể quần chúng nhân dân, các thiết chế văn hóa cơ sở ở Hà Giang nói chung ngày càng phát triển về bề rộng lẫn chiều sâu.

Trung tâm Văn hóa tỉnh đã phát huy vai trò là một tổ chức hoạt động Văn hóa - Thông tin tổng hợp phục vụ các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, giải trí, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật và thu nhận thông tin của quần chúng trên địa bàn tỉnh như: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, đất nước; tập luyện các chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh; tổ chức các lớp năng khiếu, sinh hoạt câu lạc bộ; dạy đàn, dạy khiêu vũ…trong đó, hoạt động của các Câu lạc bộ được duy trì thường xuyên với hình thức xã hội hóa tư nhân đầu tư trang thiết bị và hướng dẫn tập luyện, Trung tâm Văn hóa hỗ trợ địa điểm và quản lý con người đảm bảo theo đúng nội quy quy chế của các Câu lạc bộ đề ra. Hàng năm các Câu lạc bộ duy trì hoạt động từ 250 - 300 buổi/năm.

Mặc dù cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, chưa được đầu tư đồng bộ nhưng với nỗ lực khắc phục khó khăn, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại Hà Giang đã phát huy được hiệu quả trong tổ chức hoạt động khai thác và sử dụng. Đồng thời thiết chế văn hóa, thể thao đã tổ chức thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, là công cụ tích cực tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi hưởng thụ sáng tạo văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, thiết chế văn hóa, thể thao đã thực sự trở thành địa điểm công cộng thu hút mọi tầng lớp nhân dân đến tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, tập luyện thể dục thể thao và các sinh hoạt xã hội khác, góp phần củng cố tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Lai Châu: Các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số đã được triển khai sâu rộng

Theo Báo cáo Kết quả triển khai Quyết định số 4685/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2013 về phê duyệt Đề án "Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2020" của Sở VHTTDL tỉnh Lai Châu, các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được triển khai sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh cả về hình thức, quy mô và nội dung thực hiện, thực hiện tốt công tác tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tuyên truyền bằng băng zôn, khẩu hiệu, pa nô và trên các phương tiện thông tin đại chúng, đội tuyên truyền lưu động.

Nhờ tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đến với đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đến nay toàn tỉnh có 35% dân số toàn tỉnh, 30% dân số ở nông thôn tham gia thường xuyên các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở.

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số, ngành VHTTDL chủ trì phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các cấp tổ chức hàng trăm hội thi hội diễn, hàng ngàn chương trình/buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ các cấp; 143 giải thi đấu thể thao cấp tỉnh; gần 700 giải thi đấu thể thao cấp huyện; gần 2.000 chương trình giao lưu thể thao quần chúng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm và đạt được những kết quả đáng khích lệ, ý thức tự bảo tồn của nhân dân được nâng lên, người dân tự hào và trân trọng hơn văn hóa của dân tộc mình. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển sâu rộng, nhiều câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở được thành lập và hoạt động hiệu quả. Số lượng và chất lượng tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật được nâng lên thể hiện ở các chương trình nghệ thuật được xây dựng, kết quả tham gia các liên hoan, hội thi, hội diễn khu vực và toàn quốc. Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên đề được tổ chức trên cơ sở nhu cầu, thị hiếu và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Thực hiện tốt việc lồng ghép và phát huy nguồn lực tại chỗ với các chương trình, dự án của Trung ương thực hiện tại tỉnh, do vậy nhân dân các dân tộc tích cực tham gia xây dựng, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của vùng dân tộc thiểu số góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần, phát huy hiệu quả phong trào văn hóa nghệ thuật, giảm khoảng cách chênh lệch mức hưởng thụ các loại hình và sản phẩm văn hóa, nghệ thuật cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số.

Hằng Đinh (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ