• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam nơi gắn kết cộng đồng các dân tộc

Văn hoá 21/11/2017 06:28

(Tổ Quốc) -Sau hơn 7 năm vừa xây dựng vừa khai thác, Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam có tên trong bản đồ du lịch Thủ đô.

Hơn 7 năm kể từ ngày khai trương (19/9/2010) ngôi nhà chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội từ một mô hình lạ lẫm, ít người biết đến, giờ đây, Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam có tên trong bản đồ du lịch Thủ đô. Các hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức định kỳ tại Làng đã góp phần gìn giữ, phát huy di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trên mọi miền tổ quốc đồng thời trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Nơi chủ thể văn hoá tự giới thiệu về mình

Trên thế giới, các mô hình làng văn hóa nơi hội tụ bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong một quốc gia không còn xa lạ, thậm chí đã đi vào hoạt động từ rất lâu. Ở nước ta, chưa có một mô hình nào tương tự mang tầm quốc gia, thể hiện được đầy đủ những đặc trưng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, Quyết định số 667/1997/QĐ-TTg ngày 21/8/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt. Một trung tâm hoạt động văn hoá mang tính quốc gia, nhằm tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em, giới thiệu với nhân dân trong nước và khách quốc tế, đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh, hoạt động thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ.

Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam với sứ mệnh là nơi lưu giữ, bảo tồn, giới thiệu những di sản văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam

Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam với sứ mệnh là nơi lưu giữ bảo tồn và giới thiệu những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam. Đây là nơi tái hiện, gìn giữ, phát huy các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam; tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc Việt Nam, giáo dục lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước của công dân Việt Nam. Ở đó còn thể hiện tình hữu nghị, hợp tác và trao đổi văn hóa với các dân tộc trên thế giới. Với sứ mệnh và vai trò như vậy nhưng Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam là mô hình mới mẻ. Bởi vậy, trong những ngày đầu, không ít người nghi ngại về hiệu quả của mô hình này.

Luôn quán triệt phương thức thực hiện “Để chủ thể văn hoá tự giới thiệu về mình”, nhiều hoạt động, lễ hội đặc sắc, hấp dẫn sự được tổ chức thường xuyên và định kỳ tại Làng đã thu hút đông đảo du khách đến khám phá và trải nghiệm. Với nỗ lực của mình, Ban Quản lý Làng tiếp tục mạnh dạn chuyển đổi phương thức, quy mô tổ chức sự kiện, hoạt động, từ các sự kiện lớn hàng năm, đến việc tổ chức các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, hàng tháng với các chuyên đề, chủ đề về văn hóa dân tộc các vùng miền, trong đó, chú trọng đến việc gắn các hoạt động của Làng với các địa phương, với sự tham gia của chủ thể văn hóa và các công ty lữ hành nhằm thu hút du khách đến với Làng.

Cho đến nay, các hoạt động tại Làng Văn hóa- Du lịch Việt Nam đã được đông đảo bạn bè quốc tế, du khách trong và ngoài nước biết đến. Cùng với đó là nhiều hoạt động đã tạo được thói quen tham quan, tìm hiểu cho du khách mỗi khi Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức các sự kiện, điển hình là Chợ vùng cao phía Bắc, các lễ hội, nghi lễ nhân dịp Tết Nguyên Đán, dịp kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, dịp Tuần lễ di sản-Đại đoàn kết dân tộc...

Nỗi lực tìm mô hình mới

Nỗ lực tìm những mô hình khai thác phù hợp với từng giai đoạn đã được BQL Làng thực hiện. Sự nỗ lực ấy đã được Chính phủ, Quốc hội ghi nhận.

Phương thức hoạt động của Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam được khẳng định là đúng đắn

Trong chuyến làm việc tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày 21/10 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã khẳng định: “Phương thức hoạt động của Làng là đúng hướng và đã được khẳng định thông qua việc Chủ tịch Quốc hội các nước và đại diện 180 quốc gia tham dự lễ hội tại Làng, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã được phát động chính tại Làng và trở thành thông điệp đoàn kết 54 dân tộc, chung tay bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc, cơ hội để cộng đồng các dân tộc được giao lưu, học hỏi, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Bởi vậy, việc xây dựng và phát triển Làng còn có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, ngoại giao”.

Có thể nói, mô hình quản lý và tổ chức hoạt động Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn vừa qua là hoàn toàn phù hợp và có hiệu quả nhất định. Làng đã làm tốt vai trò của mình, đồng thời thu hút được lượng khách thăm quan ngày càng tăng hằng năm. Tuy nhiên, trước tình hình mới, đòi hỏi tìm một mô hình mới, tăng cường sự đầu tư của xã hội vào Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam là cần thiết đúng như chỉ đạo của Chính Phủ.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cũng chỉ rõ công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc là chủ trương của Đảng - Nhà nước và là trách nhiệm của toàn xã hội. Nhưng hiện nay, việc huy động và tổ chức hoạt động của đồng bào tại Làng lại chưa có cơ chế riêng để thực hiện, vẫn đang thực hiện thông qua sự phối hợp giữa Ban Quản lý Làng với Sở VHTTDL các địa phương, trong khi chưa có cơ chế xác định trách nhiệm các Bộ, ngành liên quan, các địa phương. Vì vậy, chưa huy động được nguồn lực của xã hội trong thực hiện nhiệm vụ này.

Các dân tộc-chủ thể văn hóa tự thể hiện bản sắc của dân tộc mình

Trong thời gian tới, theo ông Lâm Văn Khang- Quyền Trưởng ban BQL Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Làng sẽ tiếp tục nâng cao vai trò và vị thế của một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia, nâng cao chất lượng công tác phục vụ du khách. Đồng thời rà soát, điều chỉnh các dự án cho phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài nguồn vồn ngân sách theo dự kiến kế hoạch, tiếp tục tăng cường kêu gọi xã hội hóa, thu hút các nguồn vốn khác vào đầu tư xây dựng. Giai đoạn tiếp theo, Làng sẽ có những điều chỉnh để phát huy hơn nữa hiệu quả đạt được. Hiện, Bộ VHTTDL đang nghiên cứu, đề xuất phương án mô hình phù hợp cho giai đoạn 2020 trở đi để trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Để nâng cao hiệu quả tổ chức các sự kiện, đưa Làng thành điểm du lịch có thể phục vụ một lượng khách lưu trú đông đảo, cần tạo không gian, môi trường văn hóa phù hợp cho các hoạt động và cần thêm nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa được tổ chức, đặc biệt là sự đầu tư về cơ sở hạ tầng…Có như vậy, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam mới hoàn thành kế hoạch đã đặt ra, trở thành Điểm du lịch quốc gia theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030./.

Hoàng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ