Lãnh đạo các ngân hàng nói gì về việc cắt giảm nhân sự, giảm lương thưởng trong năm nay?

Ngọc Bích | 06-06-2020 - 12:53 PM

(Tổ Quốc) - Câu chuyện về kế hoạch chi cho nhân viên đã được đề cập tại ĐHĐCĐ thường niên của nhiều ngân hàng trong năm nay. Việc cắt giảm lao động hay giảm lương, thưởng nhân viên đều là những quyết định khó khăn với lãnh đạo các nhà băng.

Một số ngân hàng đã tiến hành phương án cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí hoạt động, đảm bảo kết quả kinh doanh trong giai đoạn khó khăn vì Covid-19. Trong khi đó, nhiều ngân hàng khẳng định không có định hướng cắt giảm lao động hay giảm lương nhân viên. 

Câu chuyện về kế hoạch chi cho nhân viên đã được đề cập tại ĐHĐCĐ thường niên của nhiều ngân hàng trong năm nay. Bởi trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo, đề nghị các ngân hàng rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng; đồng thời không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế và có nguồn lực để xử lý nợ xấu. 

Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều ngân hàng, việc cắt giảm lương thưởng hay cắt giảm nhân sự là điều rất khó thực hiện dù cần thiết tiết giảm chi phí hoạt động. 

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank khẳng định, ngân hàng không định hướng cắt giảm nhân viên, do cần xây dựng cán bộ đảm bảo cho tăng trưởng trong tương lai. Thay vào đó, ngân hàng sẽ cơ cấu lại, bố trí cán bộ theo hướng phù hợp với năng lực, nâng cao năng suất của từng bộ phận.

"VietinBank là một trong số những ngân hàng đi đầu đổi mới tổ chức bộ máy, hàng năm bình chọn các CBNV tiêu biểu để đào tạo cán bộ nguồn. Việc tuyển dụng tại trụ sở chính vẫn được thực hiện, vì sự phát triển lâu dài quy mô, hiệu quả và cơ cấu chất lượng nhân sự", lãnh đạo VietinBank chia sẻ. 

Trên thực tế, trong 3 tháng đầu năm 2020, quy mô nhân sự của VietinBank đã có sự sụt giảm đáng kể (giảm 421 người, tương đương 1,9%) xuống 21.910 lao động. Theo đó, trong tháng 5, ngân hàng đã thông báo tuyển dụng 431 chỉ tiêu tại 70 chi nhánh trên toàn hệ thống. 

Trong khi đó, Tổng Giám đốc một ngân hàng lớn khác là SCB - ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, mặc dù nền kinh tế rơi vào khó khăn khi hơn 80% ngân hàng phải giảm lương nhân viên để duy trì hoạt động tuy nhiên SCB đã không giảm lương cán bộ nhân viên.

Còn tại TPBank, ngân hàng cũng xác định năm nay là một năm khó khăn, Tổng Giám đốc ngân hàng ông Nguyễn Hưng cho biết, để tiết giảm chi phí hoạt động, trong năm nay, ngân hàng xác định sẽ dừng tuyển mới và không tăng lương cho người lao động.

"Trong thời gian qua, để duy trì hoạt động trong thời gian khó khăn do dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các giải pháp tạm thời như cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc không lương, giảm lương nhưng TPBank vẫn cố gắng duy trì đãi ngộ cho nhân viên đó là giữ nguyên lương và không cắt giảm nhân sự", ông Hưng chia sẻ. 

Ở trong hoàn cảnh dường như khó khăn so với những ngân hàng nói trên, Sacombank vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và phải tập trung xử lý nợ xấu tồn đọng, lãnh đạo Sacombank cho biết ngân hàng đang tinh giảm biên chế lao động.

Cụ thể, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, TGĐ Sacombank cho biết tại ĐHĐCĐ thường niên, về tình hình nhân sự của Sacombank và làm sao tăng năng suất lao động, tính đến 31/5/2020, số nhân sự tại Sacombank là 18.753 người, giảm 2,5% so với đầu năm. Ngân hàng đã tinh giảm biên chế và tái cấu trúc bộ máy. Về công tác phát triển mạng lưới tại miền Nam, Sacombank cũng đang đẩy mạnh giao dịch online và tái cơ cấu những điểm giao dịch không hiệu quả.

Một số ngân hàng cũng đã quyết định "thắt lưng buộc bụng" bằng cách cắt giảm lương, thưởng của nhân sự trong năm nay, tuy nhiên mới chỉ giảm tại nhóm nhân sự cấp cao hoặc nhóm lao động có thu nhập cao hơn. 

Tại SHB, ngân hàng này cho biết sẽ giảm chi phí hoạt động tối thiểu 10%. Theo đó, lãnh đạo Hội đồng Quản trị, Ban điều hành và cán bộ quản lý cấp cao đã tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch. Các cấp quản lý từ phó phòng trở lên giảm từ 10-30% tùy theo mức thu nhập.

Hay tại HDBank, từ tháng 4/2020 đã thực hiện giảm lương kinh doanh 10-25% để đối phó với tình hình phức tạp của đại dịch, áp dụng cho những nhân viên có tổng lương từ 10 triệu trở lên. Mức giảm lớn nhất (25%) được áp dụng cho người có tổng lương cao hơn 80 triệu đồng. 

Trên thực tế, quan sát trên thị trường cho thấy, hoạt động tuyển dụng của các ngân hàng kém sôi động hơn hẳn năm ngoái. Chỉ có 3 ngân hàng lớn là Vietcombank, BIDV, VietinBank là có đợt tuyển dụng tập trung với quy mô khá lớn. Tuy nhiên, trong đó, BIDV, VietinBank cũng đã bị giảm nhân sự trong 3 tháng đầu năm nên việc tuyển thêm gần như chỉ bù đắp lại số nhân sự nghỉ việc. Cụ thể, hồi tháng 5, Vietcombank thông báo tuyển dụng với 250 chỉ tiêu, VietinBank hơn 430 chỉ tiêu, BIDV là hơn 700 chỉ tiêu. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM