Câu chuyện buồn của 18 triệu người già Trung Quốc trôi dạt thập phương vì gia đình hoặc miếng cơm manh áo

(Tổ Quốc) - "Lão Phiêu" là cách người Trung Quốc miêu tả những kẻ già nua "du mục" khắp đất nước, phải rời bỏ quê hương vì nặng gánh trách nhiệm với gia đình.

Dù đã ở bên kia dốc đời, nhiều triệu người Trung Quốc vẫn buộc phải di cư đi kiếm cái ăn.

Người phụ nữ 60 tuổi bỏ quê lên phố làm "người hầu không công"

Kể từ khi chuyển đến Bắc Kinh, bà Phàn luôn cảm thấy lạc lõng, ngay cả khi được ở cạnh con cháu.

5 năm trước, bà Phàn rời quê nhà ở phía Bắc thành phố Thiên Tân để giúp con trai, con dâu chăm cháu. Bà chuyển vào ở chung cư, cả ngày chỉ cắm đầu vào nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, thay tã... cho đến khi bố mẹ thằng bé đi làm về.

Vất vả là thế nhưng người phụ nữ U60 cảm thấy bà không được tôn trọng. Cặp vợ chồng kia đã thường xuyên về khuya còn hay bắt bà "báo cáo" về việc đã làm gì, chăm cháu ra sao chứ chẳng hỏi han gì mẹ.

"Lão Phiêu" là gì và câu chuyện buồn của 18 triệu người già Trung Quốc trôi dạt thập phương vì gia đình hoặc miếng cơm manh áo - Ảnh 1.

Bà Phàn bảo cảm giác đó rất cay đắng.

"Con trai, con dâu chẳng mấy khi trò chuyện với tôi, trừ những gì liên quan đến cháu trai", bà nói trong khi đưa tay quệt nước mắt. "Lắm lúc không khác gì người hầu không công".

Lão Phiêu: Những người già trôi dạt thập phương vì gia đình hoặc miếng cơm manh áo

Theo S.T, đây là tình trạng diễn ra với nhiều triệu người cao tuổi ở Trung Quốc.

Trên phim ảnh, sách báo, tuổi già của người châu Á thường hiện lên bằng việc nghỉ hưu, an nhàn bên con cháu thì sự thật ở Trung Quốc hơi trái ngược: Chuyện già cả vẫn phiêu dạt đi khắp mọi miền để kiếm ăn, chăm nom con cháu là rất bình thường.

S.T dẫn số liệu của Ủy ban Dân số Trung Quốc: Theo ước tính, có khoảng 18 triệu "lão phiêu" - những kẻ du mục già nua của thời hiện đại, tỏa ra khắp quốc gia tỷ dân để tìm kiếm việc làm hoặc giúp gia đình chăm sóc con cháu.

Với nhiều người đã lên tuổi ông bà, cuộc sống xa quê thật đơn độc, buồn tủi.

"Bố mẹ nó mải làm ăn quá, tôi phải lên đây trông nom dạy dỗ cháu không hỏng mất".

Trước khi chuyển tới Bắc Kinh, bà Phàn cùng lúc chạy 2 shop quần áo ở quê ngót 20 năm. Phải từ bỏ công việc kinh doanh tự do để thích ứng với nội trợ 24/7 khiến bà Phàn suy sụp về cả thể xác lẫn tinh thần, thậm chí còn trầm cảm nhẹ một thời gian.

Theo CGTN, với thời giá hiện tại - để thuê 1 bảo mẫu có "chức năng" tương tự bà Phàn ở thành phố lớn như Bắc Kinh, cặp vợ chồng trẻ sẽ phải bỏ ra ít nhất 5000 tệ/tháng (hơn 13 triệu đồng).

Chưa kể, không phải gia đình nào cũng có đủ niềm tin cho kẻ lạ mặt sống chung nhà, gần gũi con em như người thân như vậy. Tóm lại, phương án "gô cổ" bà nội lên thành phố là kinh tế và hợp lý nhất.

"Lão Phiêu" là gì và câu chuyện buồn của 18 triệu người già Trung Quốc trôi dạt thập phương vì gia đình hoặc miếng cơm manh áo - Ảnh 2.

Gần 60 tuổi vẫn đi làm điều dưỡng trả nợ cho con

- Bà có tiểu nữa không?

- Có...

Bà Văn nhẹ nhàng lật người cụ bà liệt giường để lau rửa tay chân, tiện thể cho đi vệ sinh luôn.

"Người ta bảo đến 60, ai rồi cũng được nghỉ ngơi, thích sống sao thì sống, làm gì thì làm. Còn tôi vẫn dạt khắp nơi, đâu có việc là làm", bà Văn, 56 tuổi nói với S.T.

"Lão Phiêu" là gì và câu chuyện buồn của 18 triệu người già Trung Quốc trôi dạt thập phương vì gia đình hoặc miếng cơm manh áo - Ảnh 3.

So với bà Phàn, câu chuyện của bà Văn hoàn toàn trái ngược: Phải dạt khỏi quê để kiếm tiền.

Sau nhiều công việc, giờ bà Văn đang làm điều dưỡng tại nhà ở Thiên Tân, cách quê ở Sơn Đông hơn 200 cây số. Công việc của Văn là chăm một cụ bà liệt giường, hằng ngày cũng phải nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa...

Với mức lương 5000 tệ/tháng (17,3 triệu đồng), bà Văn hi vọng sẽ giúp con trai trả hết nợ nần.

"Lão Phiêu" là gì và câu chuyện buồn của 18 triệu người già Trung Quốc trôi dạt thập phương vì gia đình hoặc miếng cơm manh áo - Ảnh 4.

Nhiều năm trước, cuộc sống của gia đình bà Văn ở Sơn Đông không hề tệ. Nhưng sau khi cậu con trai làm ăn thua lỗ trắng tay, bà Văn bảo làm mẹ mà không giúp con thì nặng lòng. Và thế là bà đi khắp nơi, ở đâu nhận là làm.

"Lão Phiêu" là gì và câu chuyện buồn của 18 triệu người già Trung Quốc trôi dạt thập phương vì gia đình hoặc miếng cơm manh áo - Ảnh 5.

Bà mong mình sẽ sớm giúp con trai trả hết "món nợ nhiều số 0", kịp về quê báo hiếu người cha già đang phải sống một mình sau khi cụ bà qua đời.

"Cuộc sống ở Thiên Tân rất khác", bà nói. "Tôi luôn có cảm giác mất mát và bất an, càng già đi cảm giác đó càng khiến tim tôi se sắt".

Nhiều Lão Phiêu học được cách thích ứng - nhưng đau ốm vẫn phải về quê chữa chạy vì viện phí thành phố quá đắt

"Lão Phiêu" là gì và câu chuyện buồn của 18 triệu người già Trung Quốc trôi dạt thập phương vì gia đình hoặc miếng cơm manh áo - Ảnh 6.

Theo CGTN, các Lão Phiêu ở những siêu đô thị Trung Quốc đang phải chống chọi với sự cô đơn, trầm uất.

Ở Bắc Kinh, Thượng Hải... dễ dàng bắt gặp hàng đoàn người già tại các khu chung cư, cổng trường học hoặc siêu thị, nếu không ra trông cháu thì là làm thêm kiếm tiền gửi về quê.

Theo số liệu của Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Y tế Quốc gia Trung Quốc, 18 triệu Lão Phiêu của quốc gia tỷ dân đông gần gấp đôi dân số New York, với 68% trong đó tình nguyện sống với con cháu vì trách nhiệm và "để có người trông nom mình khi tay chậm, mắt mờ".

"Lão Phiêu" là gì và câu chuyện buồn của 18 triệu người già Trung Quốc trôi dạt thập phương vì gia đình hoặc miếng cơm manh áo - Ảnh 7.

5 năm trước, bà Trương, 50 tuổi, rời quê nhà Hắc Long Giang chuyển đến Bắc Kinh ở với con gái.

Không giống các Lão Phiêu khác, bà Trương chủ động tìm đọc lịch sử thành phố, ghé thăm các địa danh nổi tiếng để không bị lạc lõng.

Giờ bà Trương biết nói giọng Bắc Kinh, nói về Bắc Kinh cứ như người bản địa. Tuy sự năng động giúp bà thích ứng, thử thách mới luôn xuất hiện mỗi ngày. Chuyện mệt nhất là bảo hiểm y tế và viện phí.

Đây cũng là khó khăn chung cho tất cả các Lão Phiêu, khiến họ chẳng bao giờ cảm thấy mình thực sự được sống ở những thành phố lớn.

Với bà Trương, mỗi lần đau ốm lại phải lặn lội đi vài trăm, có khi tới hơn 1000 cây số để thực hiện thủ tục thanh toán bảo hiểm đầy rắc rối.

Lý do là hệ thống này dựa trên hộ khẩu, có nghĩa chi phí y tế phát sinh chỉ có thể được hoàn trả ở nơi đăng ký hộ khẩu của bệnh nhân, thường là quê hương của họ.

Ngoài ra, chi phí điều trị y tế ở thành phố lớn quá đắt đỏ, theo bà Trương, thuốc thang chữa cảm lạnh ở Bắc Kinh hết 300 tệ (1 triệu đồng), còn về quê chưa hết đến 30 tệ (100.000 đồng).

Thi thoảng, bà vẫn cắn răng chi tiền nhưng một khi mắc bệnh gì đó nghiêm trọng là buộc phải về Hắc Long Giang.

Mỗi khi trở lại, bà Trương sẽ đem theo nhiều sản vật địa phương và 1 túi lớn thuốc men.

"Người ta nhìn tôi như thể kẻ buôn thuốc lậu vậy, cũng tại trên tàu điện không quá rộng rãi".

Sau vài lần như thế, bà Trương dự tính sẽ sớm về quê ở hẳn vì "tôi đang ở độ tuổi mà bệnh tật ập đến, tôi không thể bắt con gái chịu gánh nặng này".

Là bà Trương mạnh dạn, nhiều Lão Phiêu quả thật không có lựa chọn nào khác.

Theo S.T/CGTN

LAN HƯƠNG

Tin mới