• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lấp “khoảng trống” thị trường vải thiều phía Nam

Kinh tế 17/06/2014 00:01

(Toquoc)-Tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước rất hạn chế. Các ngành chức năng đang tìm cách lấp “khoảng trống” này.

(Toquoc) – Hiện 50% sản lượng vải tươi xuất đi Trung Quốc, trong khi tiêu thụ tại thị trường trong nước lại rất hạn chế. Các ngành chức năng đang tìm cách lấp “khoảng trống” này.



>>Vải thiều tìm đường đi Nhật, châu Âu



Chiều 16/6, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và chính quyền các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và TP.HCM đã phối hợp tổ chức Hội nghị “Tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ quả vải vùng Đông – Tây Nam Bộ 2014”.

Tại Hội nghị, ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho rằng, nếu thị trường trong nước không làm “chỗ dựa” cho nhà nông thì kênh phân phối trên sân nhà của chúng ta đang có vấn đề nghiêm trọng.



Vải thiều đang tìm cách khẳng định vị thế tại thị trường nội địa (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Giữ giá 15.000 đồng/kg tại vườn

Theo Bộ NN&PTNT, diện tích trồng vải hiện nay tập trung tại hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương với tổng diện tích khoảng 43.000 ha và sản lượng đạt khoảng 190.000 tấn. Trong đó, Bắc Giang có diện tích khoảng 32.000 ha, sản lượng khoảng 140.000 tấn; Hải Dương có diện tích khoảng 11.000 ha, sản lượng khoảng 50.000 tấn.

Ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện giá bán trung bình tại Bắc Giang khoảng 13.000 đồng/kg, giá xuất khẩu (chủ yếu sang Trung Quốc) khoảng 21.000 đồng/kg, vận chuyển tiêu thụ tại thị trường phía Nam khoảng 25.000 đồng/kg.

Theo ông Hạnh, mùa vải năm nay tại Bắc Giang được mùa, tổng giá trị của mặt hàng nông sản này lên tới khoảng 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề giá cả cũng như thị trường tiêu thụ hiện là bài toán khá nan giải.

Theo các doanh nghiệp, để đưa được vải xuống phía Nam chủ yếu thông qua con đường vận chuyển bằng container, vì vậy mức hao hụt lên tới từ 5.000 – 7.000 đồng/kg. Trong khi đó, khâu bảo quản sau thu hoạch lại rất yếu kém, khiến cho chất lượng quả vải giảm sút.

Từ đầu vụ, dù giá bán tương đối cao nhưng cũng không ổn định, có sự dao động tùy vào loại vải, thời điểm cũng như tại các địa phương khác nhau. Ghi nhận cho thấy mức giá thấp nhất chỉ có 5.000 đồng/kg, cao nhất khoảng 32.000 đồng/kg. Đầu vụ và cuối vụ giá thường cao hơn ở giữa vụ.

Ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, đối với sản phẩm vải, hiện năng lực chế biến trong nước chỉ đạt hơn 10%. Vì vậy, gần 90% sản lượng vải hiện phải trông chờ vào kênh phân phối sản phẩm tươi.

Tuy nhiên, cái khó lớn nhất hiện nay là khâu bảo quản sau thu hoạch đối với các sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm vải nói riêng còn rất yếu kém, trong khi quả vải lại rất dễ hư hỏng và sụt giảm phẩm chất nếu không bảo quản tốt. Đây được xem là nút thắt khiến cho việc xuất khẩu, tiêu thụ vải hết sức khó khăn.

Là tỉnh có diện tích trồng vải lớn nhất cả nước, ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh sẽ cố gắng giữ giá bán tại vườn trung bình khoảng 15.000 đồng/kg cho mùa vụ năm nay.

Đẩy mạnh tiêu thụ tại phía Nam

Tại Hội nghị, ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định sẽ ưu tiên tiêu thụ sản phẩm vải tươi tại thị trường trong nước, đặc biệt là khu vực phía Nam.

“Vào đây, khảo sát một vài nơi tôi thấy giá vải khá cao, nếu có kênh phân phối tốt, giá bán có thể giảm hơn nhưng vẫn giữ giá thu mua tại vườn ở mức chấp nhận được”, ông Hạnh chia sẻ.

Tuy vậy, thực tế cho thấy, thị trường Nam Bộ vẫn còn khá xa lạ với vải thiều. Tại hai chợ đầu mối nông sản lớn nhất tại TP.HCM là Thủ Đức và Bình Điền lượng tiêu thụ vẫn không nhiều. Đại diện Ban Quản lý chợ đầu mối Bình Điền cho biết, chợ có khoảng 200 thương nhân nhưng hiện chỉ có khoảng 7 hoặc 8 thương nhân kinh doanh vải thiều.

Vị này còn cho biết, đây là mặt hàng trái cây mang tính thời vụ, giá cả không ổn định nên thương nhân có tâm lý ngần ngại kinh doanh. Đầu vụ giá tại chợ lên 50.000 đồng/kg, đến nay chỉ còn khoảng 25.000 đồng/kg.

“Phải làm sao sản lượng tương đối đều vào thời điểm thu hoạch rộ mới có thể giữ giá được, và cũng giúp thương nhân mạnh dạn kinh doanh mặt hàng này”, đại diện Ban Quản lý chợ đầu mối Bình Điền nhấn mạnh.

Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức cho biết lượng vải về chợ tại thời điểm này không nhiều. “Chúng tôi đang vận động thương nhân, tiểu thương thu mua, phân phối sản phẩm này, đồng thời khuyến khích tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn…”, bà Hà khẳng định.

Với vai trò là thành phố kết nối các kênh tiêu thụ, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, vấn đề trước mắt là làm sao giải quyết được cân đối cung – cầu, trong khi nguồn cung ngày càng cao.

Theo bà Hồng, thị trường trong nước và ngoài nước đều quan trọng như nhau, vấn đề là làm sao tìm được thị trường và giữ được thị trường đó. “Nếu hàng hóa vào hệ thống phân phối của TP.HCM thì dễ dàng có mặt ở thị trường các tỉnh thành lân cận, kể cả đi nước ngoài. TP.HCM sẵn sàng tạo mọi điều kiện để kết nối cung – cầu”, bà Hồng cho hay.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, thị trường nội địa có tầm quan trọng đặc biệt đối với ngành nông sản nhưng đến nay vẫn chưa được khai thác triệt để. Với việc xúc tiến đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều tại các tỉnh phía Nam là một bước đi nhằm chủ động đầu ra đối với mặt hàng nông sản này.

Lê Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ