• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Lạy xin”... doanh nghiệp giảm cước

Kinh tế 22/02/2016 17:25

(Tổ Quốc)- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho biết “nhiều khi phải ‘lạy, xin’ các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước”

(Tổ Quốc)- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho biết “nhiều khi phải ‘lạy, xin’ các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước”



>>Bất chấp hối thúc, cước vận tải vẫn dậm chân tại chỗ

>>Bộ Tài chính ‘thúc’ giảm cước vận tải theo giá xăng dầu

>>Xử nghiêm, doanh nghiệp khỏi “móc ví” “thượng đế”

>>Xăng tiếp tục giảm sâu gần 1.000 đồng/lít

Sợ thay đổi giá

Tại buổi họp về giá cước vận tải ngày 22/2 do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, các doanh nghiệp, hiệp hội đã nêu nhiều khó khăn để lý giải cho việc cước vận tải chưa thể giảm ngay khi giá xăng giảm liên tiếp. 

Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM, doanh nghiệp phải chịu phí kiểm định đồng hồ khi điều chỉnh giá là 105.000 đồng mỗi xe. Đơn cử như một doanh nghiệp có 6.000 xe, họ sẽ mất chi phí gần 700 triệu đồng. “Do đó, doanh nghiệp rất sợ thay đổi giá”.

Hơn nữa, theo ông Hỷ, các hãng taxi hầu hết áp dụng phương thức khoán nhiên liệu cho tài xế, khi tăng giá thì lái xe taxi không muốn chạy, khi xăng giảm thì tài xế bỏ túi nên doanh nghiệp không được lợi nhuận.

“Song, chúng tôi vẫn cam kết các hãng taxi sẽ giảm giá, doanh nghiệp không dại gì ôm giá vì khách hàng tẩy chay", ông Hỷ khẳng định.

“Hiệp hội địa phương nhiều khi phải ‘lạy, xin’ các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước”, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết

Đưa ra một loạt khó khăn về phí đường còn cao hơn phí nhiên liệu, đầu tư ban đầu cho xe, việc kê khai giá rất phức tạp, nhiêu khê..., ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, cho rằng ngay từ phía doanh nghiệp, phải thay đổi cách quản lý, không thể khoán trắng cho lái xe, áp dụng công nghệ để xe không chạy rỗng nhiều và đổi mới dịch vụ để thu hút khách hàng. 

Ông Thanh cũng cho rằng, làm phục vụ, không thể để người ta nói mình chây ì, nói vậy “tôi thấy nhục lắm”. Thế nhưng “Hiệp hội địa phương nhiều khi phải ‘lạy, xin’ các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước”

Phải có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp vi phạm, xử bằng pháp luật, có căn cứ rõ ràng chứ không phải “chỉ đạo mãi mà không giảm giá”, nhưng chắc chắn phải có độ trễ, không thể mỗi lần xăng giảm giá thì doanh nghiệp vận tải lại phải giảm giá cước, hay nếu xăng dầu tăng chưa tới 20% mà doanh nghiệp đã tăng cước thì hậu kiểm, phạt nặng, ông Thanh nêu quan điểm.

Theo ông Thanh, Bộ Tài chính và Giao thông Vận tải phải điều tiết bằng tài chính chứ không phải điều hành bằng mệnh lệnh hành chính, để làm sao doanh nghiệp chân chính yên tâm, mở rộng đầu tư” .

Tại cuộc họp, đại diện nhiều doanh nghiệp tải cũng nêu lý do phải chịu nhiều loại phí như: phí đường, phí đăng kiểm… nên ngoài lý do thủ tục rườm rà thì trong tính toán thấy chưa thể giảm giá cước.

Xây dựng công thức tính giá hợp lý

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng phụ trách Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, cả nước có trên 4.000 tuyến vận tải cố định nhưng các Sở, ngành địa phương thống kê lên mới có khoảng 1.000 doanh nghiệp tham gia vào việc giảm giá.

“Các doanh nghiệp vận tải vẫn còn nhiều lý do khác nhau để giảm giá trong đó có lý do về trạm thu phí BOT, nhưng chỉ cần giá xăng tăng một cái là tăng cước vận tải ngay. Hai cái này phải tách bạch, không thể lấy cái này bù cái kia. Cần phân tích rõ nguyên nhân nào mà doanh nghiệp vận tải chậm giảm giá cước theo giá xăng”.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Cần phải xây dựng công thức tính giá cước cho hợp lý. Như giá xăng dầu giảm 10% thì tác động giá cước vận tải 2 - 3%. Bộ Tài chính cần ban hành quy trình triển khai, kê khai giá cước một cách đơn giản để không gây mất thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp”.

Theo đại diện Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, cước vận tải đang vận hành theo cơ chế thị trường, cơ quan quản lý cũng không can thiệp, nhưng do tính chất nên Nhà nước vẫn tham gia điều tiết. Việc kê khai giá cước đã làm thường xuyên, thủ tục không có gì nhiêu khê. Bộ Giao thông Vận tải tập hợp ý kiến doanh nghiệp, Hiệp hội Vận tải để liên Bộ xem xét và sớm ban hành Thông tư 152 sửa đổi giúp công tác quản lý giá cước vận tải có hiệu quả, tôn trọng thị trường.

Đại diện các cơ quan chức năng cũng thống nhất, trong tháng Hai này, công khai việc giảm giá cước vận tải ở tất cả các thành phố trên địa bàn cả nước./.

L.Thanh

NỔI BẬT TRANG CHỦ