• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Le lói" cơ hội cho Nga xích gần lại phương Tây từ hỗn loạn Brexit

Thế giới 05/09/2019 11:22

(Tổ Quốc) - Sự rời đi của Anh có thể mở ra cơ hội cho Nga cải thiện quan hệ với phần còn lại của châu Âu.

Giới đầu tư và các nhà làm chính sách trên khắp thế giới đang dõi theo những hỗn loạn chính trị tại London cũng như chờ đợi những ảnh hưởng mà chúng có thể đem lại.

Trang Forbes nhận định, trong bối cảnh chính trường quốc tế khó đoán định như hiện tại, có thể có một cơ hội dành cho Nga. Những dấu hiệu gần đây, mặc dù có khá nhỏ lẻ nhưng cũng cho thấy, việc Anh rời bỏ Liên minh châu Âu gần như chắc chắn sẽ dẫn tới những thay đổi chính sách và nhiều khả năng đem lại lợi ích cho Moscow.

960x0

Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto hôm 21/8/2019, tại Helsinki, Phần Lan (Photo by MikhailGETTY IMAGES)

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 mới kết thúc tại Biarritz, Pháp, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất mời Nga tới tham dự cuộc họp tiếp theo của nhóm các siêu cường – theo kế hoạch sẽ diễn ra tại Miami, Mỹ vào năm sau. Ý tưởng này đã vấp phải sự phản đối, thậm chí là gây ra tranh cãi tại bữa ăn tối có sự tham gia của các nhà lãnh đạo G7 lúc đó.

Phản ứng của Điện Kremlin khá bình tĩnh. Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Dmitry Peskov nhận xét, gần như không có khả năng Nga có thể quay trở lại G7 chỉ dựa trên lời mời của một thành viên trong nhóm.

Cơ hội của Nga đang được cải thiện?

Mặc dù vậy, mong muốn của Tổng thống Trump vẫn được một số quan chức Mỹ cân nhắc một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, có nhiều tín hiệu chứng tỏ triển vọng của nước Nga có thể sẽ cải thiện trong thời gian sắp tới.

Năm 2014, sau quyết định sáp nhập Crimea, Nga đã bị "gạch tên" khỏi nhóm G8.

Tuy nhiên, sự thay đổi giới lãnh đạo thường được coi là chất xúc tác dẫn tới sự thay đổi trong quan hệ. Giờ đây, Phần Lan – hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, từng đề nghị rằng, việc ông Volodimyr Zelensky được bầu làm Tổng thống Ukraine vào đầu năm nay – có thể là một cơ hội để Kiev cải thiện quan hệ với láng giềng Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto đã bày tỏ hy vọng, Kiev và Moscow có thể "sẽ tiến lại gần nhau hơn một chút trong một vài vấn đề".

Nếu đứng riêng rẽ, những tham vọng như trên có thể sẽ không mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh Liên minh châu Âu giờ đây sẽ mất đi nước Anh, thì mọi chuyện sẽ trở nên khả thi hơn ít nhiều.

Thậm chí ngay cả khi kế hoạch rời đi của Anh tiếp tục bị trì hoãn, những vấn đề nội bộ của nước này đồng nghĩa với việc, nước Anh và cả Liên minh châu Âu đang bị phân tán tư tưởng. Ông Nicholas Soames, cháu nội của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill và là một trong số những nhà lập pháp Đảng Bảo thủ đã bị sa thải vì bỏ phiếu chống lại một Brexit "không thỏa thuận" đưa ra nhận định với Reuters rằng, Brexit đang đẩy vị thế của Anh vào tình trạng "rơi tự do".

Những điều trên sẽ có lợi gì cho Nga? Theo Forbes, Một khi quá trình Anh rời Liên minh châu Âu hoàn tất, một trong những quốc gia chỉ trích Moscow nhiều nhất, sẽ không còn có ảnh hưởng tới chính sách của liên minh. Đây chính là một cơ hội để Moscow có thể cải thiện quan hệ với phần còn lại của châu Âu.

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, các doanh nhân người Anh đổ xô tới Nga tìm kiếm cơ hội làm ăn; còn giới nhà giàu Nga cũng không kém cạnh khi thường xuyên có mặt tại London để tận hưởng các dịch vụ và bất động sản xa xỉ. Mặc dù vậy, quan hệ giữa Moscow và London lại liên tục xấu đi đáng kể trong thời gian gần đây.

Đáng chú ý nhất phải kể tới hai sự kiện – vụ ám sát cựu điệp viên Nga Alexander Litvinvenko tại London vào năm 2006 và vụ cựu nhân viên tình báo Nga Sergei Skripal và con gái Yulia bị đầu độc tại thành phố Anh Salisbury năm 2018. Anh đều cáo buộc Nga đứng phía sau cả hai vụ việc này.

Tuy nhiên, ngay cả khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, vẫn còn lại rất nhiều trở ngại cho Nga trên con đường cải thiện quan hệ với các nước phương Tây. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times, ông Haavisto từng nhắc lại lập trường của Liên minh châu Âu rằng, quân đội Nga phải rời Ukraine. Nhiều các nước từng thuộc khối Đông Âu trước đây giờ là thành viên của Liên minh, lại nhìn về phía Nga với sự nghi ngờ, đặc biệt là sau vụ sáp nhập Crimea.

Cho dù vậy, tựu trung lại, ý tưởng của Tổng thống Trump mời Moscow tới thượng đỉnh G7 năm sau và những nhận định "lạc quan" của Phần Lan, chắc chắn sẽ được Moscow lưu ý cẩn trọng. Trong những năm gần đây, Nga đã chứng tỏ được họ khá giỏi trong việc tìm kiếm và tận dụng các cơ hội trong chính trị toàn cầu: sự hiện diện quân sự của họ tại Syria có lẽ là ví dụ mạnh mẽ nhất.

Những nỗ lực tại Syria cho thấy, Nga khẳng định được mình là một thế lực chủ chốt tại Trung Đông. Từ đây, thông điệp có thể nhận thấy là, cho dù thái độ mà Nga phải đối mặt từ một số nước và tại một số khu vực của phương Tây có khác nhau như thế nào, thì Moscow vẫn là một thực thể không thể bị làm ngơ trên trường quốc tế.

Phương Đỗ

NỔI BẬT TRANG CHỦ