Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Ngày 19/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ mừng thọ của người M’nông”.
Lễ mừng thọ người M'nông cần phải gắn với du lịch để bảo tồn và phát triển - Ảnh 1.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Lại Đức Đại cho biết, tỉnh Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em từ các vùng miền về sinh cơ lập nghiệp, đã đoàn kết một lòng chung tay, góp sức xây dựng quê hương Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh, tạo nên những nét đẹp văn hóa Cao nguyên Đắk Lắk độc đáo, phong phú, đa dạng, thống nhất và giàu bản sắc.

Lễ mừng thọ người M'nông cần phải gắn với du lịch để bảo tồn và phát triển - Ảnh 2.

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Lại Đức Đại phát biểu tại hội thảo

Trong những năm qua, song song với việc chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo tồn, giữ gìn những đét đẹp văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được Đảng bộ quan tâm đặc biệt. Đến nay, tỉnh đã cấp 169 bộ chiêng, 723 bộ trang phục truyền thống cho các buôn đồng bào; tổ chức được 128 lớp truyền dạy đánh chiêng; phục dựng được trên 140 nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với cồng chiêng; tổ chức biểu diễn định kỳ một tháng hai chương trình văn hóa cồng chiêng phục vụ Nhân dân và du khách tại trung tâm văn hóa tỉnh và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa liên quan đến công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, hiện nay không gian văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk, trong đó lễ hội truyền thống nói chung và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M'nông nói riêng cũng còn đối mặt với khó khăn, thách thức nhất định, do quá trình chuyển biến về kinh tế, xã hội, tín ngưỡng, công nghệ; những người am hiểu về di sản văn hóa dân tộc ngày càng ít dần, lớp trẻ không mặn mà với bảo tồn văn hóa dân tộc...

Lễ mừng thọ người M'nông cần phải gắn với du lịch để bảo tồn và phát triển - Ảnh 3.

"Chính vì thế, chúng tôi kỳ vọng qua hội thảo này, các tư liệu, luận cứ khoa học sẽ được thảo luận, phân tích để làm sáng tỏ thêm về vai trò, giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M'nông ở Tây Nguyên nói chung và ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng; đồng thời khuyến nghị những định hướng và giải pháp hiệu quả để khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M'nông gắn với phát triển du lịch của địa phương trong bối cảnh hội nhập toàn cầu" - ông Lại Đức Đại nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk Niê Thanh Mai chia sẻ, đây là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống của người M'nông, là một truyền thống tốt đẹp của cộng đồng cần được bảo tồn, phát huy và lưu truyền. Lễ mừng thọ của người M'nông ở huyện Lắk là một trong hai di sản của tỉnh Đắk Lắk được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2022. Lễ mừng thọ của người M'nông thường tổ chức vào tháng 1 - 2 dương lịch hằng năm, sau khi đã kết thúc mùa nương rẫy.

Lễ mừng thọ người M'nông cần phải gắn với du lịch để bảo tồn và phát triển - Ảnh 4.

Theo phong tục truyền thống của người M'nông, khi cha mẹ đã hơn 60 tuổi, con cái trong gia đình sẽ tổ chức Lễ mừng thọ nhằm thể hiện sự biết ơn công lao đã sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ. Theo thời gian, tuổi càng cao, lễ mừng càng lớn. Lớn nhất là lễ mừng thọ khi cha mẹ được 70 tuổi. Lễ mừng thọ của người M'nông được tổ chức đơn giản nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa, đặc biệt là như sợi dây chắc chắn mà mềm dẻo để kết nối các thành viên, các thế trong gia đình, dòng họ. Sự kết nối không chỉ trong các thế hệ của một gia đình, dòng tộc mà còn tăng sự đoàn kết trong cộng đồng hơn nữa.

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Triệu Văn Thịnh – Trường Đại học Tây Nguyên cho biết: Thời gian gần đây, hệ thống các nghi lễ và lễ hội của người M'nông ngày càng bị mai một và dần biến mất khỏi cuộc sống cộng đồng, hoặc bị biến thể, phá tạp, trong đó Lễ mừng thọ cũng bị ảnh hưởng. Các nghi lễ truyền thống không còn được duy trì như những gì vốn có của nó, chúng đã được đơn giản hóa đi rất nhiều. Người M'nông không còn tổ chức các nghi lễ và lễ hội theo đúng nghĩa của nó nữa. Nếu có thì đó chỉ là những nghi lễ, lễ hội do ngành văn hóa hay chính địa phương đứng ra tổ chức nhằm để quay phim, chụp ảnh lấy tư liệu. Các nghi lễ, lễ hỗi đã bị biến thể và thường không xuất phát từ nhu cầu tự thân của công đồng người M'nông, đây chỉ là những hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ mang tính chất mô phỏng nhân một sự kiện chính trị hay một lễ kỷ niệm nào đó. 

"Trong những năm qua, Nhà nước đã đầu tư, hỗ trợ cho công tác bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa của người M'nông, kết quả đạt được đáng khích lệ tuy nhiên đó mới chỉ là những kết quả ban đầu mang tính chất khai phá. Chính vì thế, trong thời gian tới, cần phải có những giải pháp quyết liệt và động bộ hơn thì chúng ta mới có thể bảo tồn và lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội mừng thọ nói riêng và văn hóa truyền thống của dân tộc M'nông nói chung" - TS. Triệu Văn Thịnh nhấn mạnh. 

Lễ mừng thọ người M'nông cần phải gắn với du lịch để bảo tồn và phát triển - Ảnh 5.

Tại hội thảo nhận được sự tham gia đóng góp ý kiến của trên 20 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, cán bộ làm công tác văn hóa, nghệ nhân... ở các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, địa phương. 

Lễ mừng thọ người M'nông cần phải gắn với du lịch để bảo tồn và phát triển - Ảnh 6.

Toàn cảnh hội thảo

Theo các đại biểu, việc nghiên cứu, phát triển Lễ mừng thọ thành một sản phẩm du lịch cộng đồng là điều cần được quan tâm. Trong chương trình tour du lịch cộng đồng cần có nội dung trải nghiệm văn hóa truyền thống người M'nông. Phần đầu phục dựng trình diễn giới thiệu nguyên bản của lễ mừng thọ, phần sau có thể phát triển thêm nghi thức cầu chức sức khỏe cho du khách. Đưa Lễ mừng thọ thành một sản phẩm du lịch cộng đồng không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị của Lễ mừng thọ mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa khác của người M'nông như ẩm thực, cồng chiêng, cải thiện cuộc sống của người dân.

Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk Niê Thanh Mai cũng cho rằng, với sự đặc biệt và giá trị về văn hoá dân tộc như trên, lễ mừng thọ của người M'nông có tiềm năng để phát triển du lịch văn hoá rất rõ nét. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch đòi hỏi sự không trùng lặp ở các vùng miền, tức là đảm bảo nét riêng, sự thu hút và ấn tượng. Đặc biệt là sự tham gia trực tiếp, hợp tác của người dân địa phương. 

Lễ mừng thọ người M'nông cần phải gắn với du lịch để bảo tồn và phát triển - Ảnh 7.

"Chúng ta cần phải kết nối với các công ty lữ hành, công ty du lịch tổ chức các tour tìm hiểu và trải nghiệm tái hiện lễ mừng thọ; kết hợp với âm nhạc và ẩm thực của địa phương huyện Lắk… Du khách được tham gia trực tiếp, hưởng thụ không gian văn hóa kết hợp với ẩm thực, từ đó sẽ giúp du khách có nhiều thời gian hơn để trò chuyện với người dân, cùng ăn cùng uống với buôn làng để cảm nhận rõ ý nghĩa, giá trị của lễ mừng thọ. Đồng thời, cần phải tổ chức các chuyến đi trải nghiệm dành cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số, dân tộc M'nông. Điều này sẽ cung cấp kiến thức về văn hóa dân tộc truyền thống cho thế hệ trẻ, hun đúc trong các em sự tự hào và tinh thần muốn giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc" - Bà Niê Thanh Mai nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm trên, Trưởng phòng Văn hóa và Tuyên truyền huyện Lắk H'Loan Bdăp chia sẻ: "Cần phải nâng cao nhận thức cho chủ thể văn hóa người M'nông để thấy được vẻ đẹp của văn hóa mình. Chúng ta có thể tổ chức một số hoạt động giáo dục, đào tạo cho lớp trẻ như: tuyên truyền cho lớp trẻ về giá trị ý nghĩa của nghi lễ này để có thể hiểu và nhận ra giá trị của nó. Đưa các giá trị văn hóa của Lễ mừng thọ vào tài liệu giáo dục địa phương trong trường học để có thể tuyên truyền đến với cả học sinh của dân tộc khác. Bên cạnh đó, những người già làng nên xin phép chính quyền địa phương ở lớp học theo tập quán tộc người để dạy cho lớp trẻ về các giá trị trong tín ngưỡng của dân tộc mình, về các bài cúng lễ, trình tự diễn trình lễ Mừng thọ…".

Lễ mừng thọ người M'nông cần phải gắn với du lịch để bảo tồn và phát triển - Ảnh 8.

Để bảo tồn và phát triển Lễ mừng thọ hơn nữa trong thời gian tới, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk TS. Đặng Văn Bình cũng đề xuất: Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Lễ mừng thọ trên các phương tiện thông tin đại chúng; giao lưu, hội nhập ngoại giao nhân dân thông qua hoạt động văn hóa, du lịch trong tỉnh, khu vực toàn quốc và nước ngoài. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chuyên môn quản lý các hoạt động về di sản văn hóa phi vật thể, xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản, số hóa các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ứng dụng khoa học công nghệ sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thực hành, trải nghiệm của khách tham quan.".