• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Leo thang căng thẳng Mỹ-Trung đối mặt nguy cơ mới với Đài Loan trở thành tâm điểm nóng

Thế giới 21/05/2020 22:24

(Tổ Quốc) - Theo tờ Washington Post, hôm thứ tư (20/5), leo thang xung đột trong quan hệ Mỹ-Trung có diễn biến mới khi cuộc tranh cãi về trách nhiệm cho đại dịch COVID-19 tiếp tục "lôi kéo" thêm các bên liên quan mới, cụ thể là Đài Loan.

Chỉ trong vài giờ, căng thẳng lan từ Đài Bắc tới Bắc Kinh và… lên Internet. Trang Twitter của đài truyền hình Trung Quốc CGTN đăng tải một đoạn phim hoạt hình chế giễu về độ tin cậy trong những phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Sau đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho những ca tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu – một phần trong những thông điệp sẽ trở thành luận điểm chính của cuộc bầu cử tổng thống.

Leo thang căng thẳng Mỹ-Trung đối mặt nguy cơ mới với Đài Loan trở thành tâm điểm nóng - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh: getty)

Nhà Trắng đang tìm cách giữ cho sự chú ý dồn vào những phản ứng ban đầu của chính phủ Trung Quốc trước virus và điều mà Tổng thống Trump gọi là "sự ngăn chặn trước Trung Quốc" tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đáp trả, Bắc Kinh đề cao vai trò của mình như một công dân toàn cầu, sẵn sàng hợp tác với Liên Hợp Quốc và các nước khác để đánh bại đại dịch.

Tuy nhiên, mục tiêu cho chiến lược dài hơi hơn của ông Trump được đánh giá là làm chệch hướng sự chú ý của dư luận khỏi cách Mỹ đối phó với dịch bệnh, bao gồm cả những thông điệp đôi khi trái ngược nhau giữa chính quyền và các chuyên gia y tế, cũng như tỷ lệ người tử vong vì virus cao nhất thế giới.

Nói một cách công tâm, ông Trump cũng có những cơ sở cho sự chỉ trích của mình – đặc biệt là thái độ im lặng và nhận định của Trung Quốc rằng COVID-19 không lây từ người sang người khi virus mới xuất hiện ở Vũ Hán từ năm ngoái. Tuy nhiên lá thư dài 4 trang mà tổng thống Mỹ gửi tới WHO đầu tuần này lại là sự kết hợp của những công kích hợp lý và cả sự không chính xác về khung thời gian cho các hành động của Trung Quốc và WHO. Ông cũng bỏ qua thực tế là mình từng khen ngợi cả Bắc Kinh và WHO.

Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo Mỹ cho thấy, ông đang định hình chiến dịch tái tranh cử tổng thống của mình với những ngôn từ phản ánh lập trường chống Trung Quốc như đã từng làm trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng 4 năm trước.

"Đại dịch một lần nữa chỉ ra tầm quan trọng chủ chốt của độc lập về kinh tế và đưa các chuỗi cung cấp từ Trung Quốc và các nước khác quay trở về Mỹ", ông Trump phát biểu hôm thứ ba (19/5).


Một ngày sau đó, Ngoại trưởng Pompeo mở đầu một cuộc họp báo bằng danh sách dài những lời phàn nàn về Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng, trọng tâm dồn vào đại dịch đã che khuất một bức tranh lớn hơn về nguy cơ mà nước Mỹ đang phải gánh chịu từ Bắc Kinh.

"Chúng ta đang đánh giá thấp mức độ của thái độ thù địch và mang tính ý thức hệ của Trung Quốc đối với các quốc gia tự do", ông Pompeo nói với báo giới. "Cả thế giới đang thức tỉnh trước thực tế đó".

Đương nhiên, Bắc Kinh cũng có những hồi đáp theo cách riêng của mình.

Ngày 19/5 – sau khi ông Trump đưa ra thời hạn 30 ngày để WHO tiến hành cải cách, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Chao Lijian gọi lá thư của tổng thống Mỹ là một nỗ lực "khiến công luận hiểu lầm, bôi nhọ các cố gắng của Trung Quốc và thay đổi cáo buộc về sự yếu kém của Mỹ".

Cùng lúc, tại Đài Loan – một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, cuộc khẩu chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm lu mờ ngày đầu tiên (19/5) trong nhiệm kỳ thứ hai của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn.

Ngay lập tức sau khi các quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm cả Ngoại trưởng Pompeo và phó cố vấn an ninh quốc gia Matt Pottinger gửi thông điệp chúc mừng bà Thái, Trung Quốc đã đưa ra loạt cảnh báo đầy giận giữ.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc gọi thông điệp của ông Pompeo là "gây ra nguy cơ nghiêm trọng giữa hai quốc gia và quân đội hai nước cũng như đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan".

Những tuần gần đây, phi cơ chiến đấu và tàu sân bay của Trung Quốc nhiều lần xuất hiện tại eo biển trong khi quân đội Mỹ tiến hành các chiến dịch giám sát quy mô lớn bên ngoài bờ biển Trung Quốc.

Cũng trong tháng 5, một số nhà bình luận tại Trung Quốc đã thảo luận về sự cần thiết phải mở rộng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố một báo cáo về lắp đặt các đầu đạn hạt nhân công suất thấp lên các tên lửa phóng đi từ tàu ngầm.

Leo thang căng thẳng Mỹ-Trung đối mặt nguy cơ mới với Đài Loan trở thành tâm điểm nóng - Ảnh 3.

Bà Thái Anh Văn tuyên thệ trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai hôm 20/5 (ảnh: getty)

Trong bài phát biểu phát biểu nhậm chức hôm 19/5, bà Thái Anh Văn nhấn mạnh mong muốn cùng tồn tại hòa bình với Trung Quốc. Tuy nhiên, bà khẳng định sẽ không chấp nhận đề nghị của Bắc Kinh về một khung làm việc sẽ đưa Đài Loan trở thành lãnh thổ bán tự trị có điều kiện.

"Chúng tôi sẽ không chấp nhận việc chính quyền Bắc Kinh sử dụng 'một đất nước, hai chế độ' để hạ thấp vị thế của Đài Loan và phá hoại tình trạng hiện tại dọc hai bờ eo biển", bà Thái tuyên bố.

Theo trợ lý giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Missouri Sheena Greitens, leo thang căng thẳng Mỹ-Trung là "một cơn bão hoàn hảo" của nhiều yếu tố, bao gồm chiến dịch "cứng rắn với Trung Quốc" trước thềm cuộc bầu cử Mỹ và đại dịch COVID-19 đã làm lộ ra một số vấn đề về tính minh bạch trong chính phủ quốc gia đông dân nhất thế giới.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ