• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lí giải Nga "quay lưng" với Mỹ về con đường kiềm chế hạt nhân Trung Quốc

Thế giới 20/02/2020 10:00

(Tổ Quốc) - Trong năm qua, Tổng thống Donald Trump và các quan chức chính quyền Mỹ đã nói rõ tầm quan trọng của họ trong việc đưa Trung Quốc vào đối thoại về kiểm soát vũ khí hạt nhân cùng với Nga. Trung Quốc đã nói rõ rằng họ không quan tâm đến việc tham gia.

Trong khi đó, Moscow đã xa rời lập trường trước đó của họ rằng vòng hạn chế vũ khí hạt nhân tiếp theo sẽ là đa phương chứ không phải là sự tiếp tục của quá trình song phương tạo ra Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) vào năm 2010. Các nhà lãnh đạo Nga vốn không phản đối việc đưa Trung Quốc gia nhập quá trình này nhưng Moscow dường như chuẩn bị thay đổi điều đó.

Trung Quốc không muốn tham gia

Nhiều thông tin năm ngoái chỉ ra rằng ông Trump đã bày tỏ sự quan tâm đến việc kiểm soát vũ khí nhiều hơn là gia hạn New START. Tổng thống Mỹ vào tháng Tư được cho là đã đề cập tới cách tiếp cận đưa cả Trung Quốc và Nga vào cuộc đàm phán mới nhằm bao quát không chỉ các vũ khí hạt nhân chiến lược (bị giới hạn bởi New START) mà cả các vũ khí hạt nhân khác.

Việc đưa Trung Quốc vào một cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân là không thực tế. Các kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga đều lớn hơn Trung Quốc. Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ đặt kho vũ khí của Mỹ và Nga ở mức 3.800 và 4.490 vũ khí hạt nhân, trái ngược với Trung Quốc là 290. Bắc Kinh từ lâu đã đưa ra quan điểm rằng họ sẽ không tham gia đàm phán cho đến khi khoảng cách đó thu hẹp.

Chính quyền Mỹ có thể tăng triển vọng thành công bằng cách thay vào đó, trong bối cảnh Nga-Mỹ cắt giảm hạt nhân thì Trung Quốc tăng cường sự minh bạch về tổng quy mô kho vũ khí của mình và cam kết không đơn phương phát triển chừng nào Hoa Kỳ và Nga tiếp tục giảm kho hạt nhân. Yêu cầu Trung Quốc làm được điều đó đã là một nỗ lực phi thường.

Nga không hỗ trợ

Các quan chức Nga hiện đang bác bỏ ý tưởng đưa Trung Quốc vào quá trình kiểm soát vũ khí hạt nhân. Tháng 12 năm ngoái, Ngoại trưởng Sergey Lavrov nói với truyền hình Nga:

Nga đã tham vấn ý kiến của Trung Quốc [về nhu cầu tham gia đàm phán vũ khí hạt nhân], họ nói rằng lực lượng hạt nhân chiến lược của họ không thể so sánh với Nga và Hoa Kỳ, và họ không thấy có lý do gì để tham gia vào các cuộc đàm phán như vậy. Chúng tôi nói với người Mỹ rằng người Trung Quốc đã xác định lập trường của họ và chúng tôi tôn trọng điều đó.

Lí giải Nga "quay lưng" với Mỹ về con đường kiềm chế hạt nhân Trung Quốc - Ảnh 1.

Quan hệ Mỹ - Nga rạn nứt cũng có thể là một yếu tố tác động đến lập trường của Nga về kiểm soát hạt nhân toàn cầu.

Một tháng trước, ông Lavrov đã nói với một hội nghị về không phổ biến hạt nhân ở Moscow rằng: Việc kiên quyết đẩy Trung Quốc trong quá trình này, như một điều kiện tiên quyết, là một sự leo thang mở, bất chấp Bắc Kinh đã tuyên bố rõ ràng và nhiều lần lập trường về điều này.

Mới tuần trước, Ngoại trưởng Nga nói: Người Mỹ liên tục cố gắng áp đặt một lựa chọn liên quan đến việc Trung Quốc gia nhập [vào đàm phán vũ khí]. Nhưng Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố trước công chúng rằng họ sẽ không tham gia các cuộc đàm phán này. Nếu Trung Quốc đột nhiên thay đổi quyết định, chúng tôi sẽ vui lòng tham gia các cuộc đàm phán đa phương. Nhưng chúng tôi sẽ không cố gắng thuyết phục Trung Quốc.

Lập trường của ông Lavrov lúc này có phần nào không tương đồng với điều ông nói vào tháng 6 năm 2013, ông tuyên bố: Chúng ta cũng phải nhớ rằng các bước tiếp theo có thể được đề xuất về việc giảm vũ khí tấn công chiến lược sẽ phải được xem xét ở dạng đa phương, bởi vì việc cắt giảm thêm sẽ đưa chúng ta đến mức tương đương với kho vũ khí hạt nhân của các quốc gia khác ngoài Nga và Nga Mỹ

Không rõ làm thế nào Ngoại trưởng Nga tính toán rằng việc cắt giảm thêm của Mỹ và Nga sẽ đưa kho vũ khí của họ xuống cấp độ của các nước thứ ba (Pháp, Trung Quốc và Anh, mỗi quốc gia đều ở mức hoặc dưới 300 vũ khí hạt nhân, như các quốc gia vũ trang hạt nhân khác). Tuy nhiên, ý định của Lavrov liên quan đến việc đưa các nước thứ ba vào một cuộc đàm phán đa phương là rõ ràng.

Vào tháng 5 năm 2016, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết:

Chúng tôi tin rằng việc thực thi Hiệp ước New START sẽ làm giảm khả năng của chúng tôi liên quan đến việc cắt giảm lẫn nhau với Hoa Kỳ. Cần phải tìm mọi cách để các quốc gia khác sở hữu tiềm năng hạt nhân quân sự tham gia vào quá trình giải trừ hạt nhân, trước hết là các đồng minh của Washington trong NATO.

Điện Kremlin chắc chắn muốn thấy Trung Quốc tham gia đàm phán vũ khí hạt nhân. Trong khi các quan chức Nga không tuyên bố công khai, kho dự trữ vũ khí hạt nhân phi chiến lược lớn của họ được tăng cường phần lớn do lo ngại về sức mạnh vũ khí thông thường ngày càng tăng của Trung Quốc - một điều mà các chuyên gia hạt nhân Nga thừa nhận trong các cuộc trò chuyện riêng tư. Và người ta có thể thấy lý do tại sao: quân đội Nga hiện có tổng cộng 900.000 người, trong khi lực lượng mặt đất Trung Quốc đã có tới 975.000 người.

Tại sao Nga thay đổi lập trường?

Nga và Trung Quốc đã liên kết chặt chẽ hơn trong thập kỷ qua (mặc dù giới hạn cho mối quan hệ đó vẫn còn). Moscow có dường như muốn thích nghi với một đối tác lớn mạnh, đang phát triển năng động và tránh đưa ra những câu hỏi không mong muốn đối với Bắc Kinh. Do đó, Moscow đã lui bước sau nhiều năm kêu gọi đa phương hóa kiểm soát vũ khí hạt nhân - ít nhất là đối với Trung Quốc - và đã làm như vậy khi ông Trump bắt đầu nêu ra vấn đề đưa Trung Quốc vào.

Người Nga không muốn căng thẳng với Bắc Kinh, nhưng nếu ông Trump và người Mỹ bằng cách nào đó có thể đưa Trung Quốc vào cuộc, điều đó phù hợp với lợi ích của Nga, và họ sẽ không nói không. Trong khi Moscow có thể là một đối tác trong tiến trình này tại nhiều thời điểm trước đây, thì lúc này Nga sẽ để Washington hành động một mình.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ