• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc 2018: Cơ hội tỏa sáng các tài năng nghệ thuật

09/07/2018 20:16

(Cinet) - Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc 2018 (đợt 1) tại Cao Bằng đã khép lại thành công trên cả phương diện tổ chức và chất lượng nghệ thuật. 

(Cinet) - Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc 2018 (đợt 1) tại Cao Bằng đã khép lại thành công trên cả phương diện tổ chức và chất lượng nghệ thuật. 

Trong bối cảnh khó khăn của nghệ thuật biểu diễn nước nhà, sự thành công của Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc 2018 một lần nữa khẳng định vị thế của một sân chơi nghệ thuật uy tín cấp quốc gia, nơi tài năng nghệ thuật được tôn vinh một cách xứng đáng.

Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc 2018 diễn ra tại Cao Bằng từ ngày 29/6 – 07/7 với sự tham gia của 12 đơn vị, 12 chương trình nghệ thuật với hơn 600 nghệ sỹ và hàng trăm tác phẩm nghệ thuật Ca Múa Nhạc. Tiết mục trong chương trình Khúc tự tình Fansifan” của Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Lào Cai. Ảnh: Thanh Tâm

Bức tranh văn hóa đa sắc màu

Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc 2018 diễn ra tại Cao Bằng từ ngày 29/6 – 07/7 với sự tham gia của 12 đơn vị, 12 chương trình nghệ thuật với hơn 600 nghệ sỹ và hàng trăm tác phẩm nghệ thuật Ca Múa Nhạc trước sự cổ vũ nhiệt thành của khán giả yêu nghệ thuật tỉnh Cao Bằng.

Tổng kết Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc 2018, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên nhận định: “600 nghệ sỹ ca múa nhạc từ các tỉnh phía Bắc đã hội tụ về Cao Bằng và cùng tỏa sáng tài năng nghệ thuật tại Liên hoan lần này. Mỗi tác phẩm nghệ thuật thể hiện những sắc thái, diện mạo riêng của từng vùng văn hóa, từng đơn vị nghệ thuật, tác giả, nghệ sỹ biểu diễn“.

12 đơn vị nghệ thuật các tỉnh phía Bắc đã mang đến Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2018 (đợt 1) hàng trăm tiết mục nghệ thuật loại hát múa, đơn ca, tốp ca, song ca, tam ca, tứ ca, múa, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ... cùng với các nghệ sĩ mang đầy sự đam mê nghệ thuật, cháy hết mình trên sân khấu để cống hiến cho khán giả những tinh hoa được chắt chiu trong cuộc sống đời thường. Điểm đặc biệt của các tiết mục trong liên hoan năm nay là sự đầu tư kỹ lưỡng của các đơn vị nghệ thuật, qua đó góp phần tạo nên thành công của Liên hoan.

Các chương trình không chỉ vẽ nên bức tranh văn hóa đa màu sắc địa phương, mà còn đưa những yếu tố văn hóa bản địa nhuần nhuyễn vào từng tiết mục, chương trình. Ảnh: Thanh Tâm

“Các nghệ sỹ đã trình diễn những tác phẩm nghệ thuật đầy cá tính, sáng tạo nhưng vẫn mang đậm cái hồn, cái tinh túy của vùng đất, con người nơi các bạn đang sống và làm việc. Sự đa dạng trong phong cách trình diễn nghệ thuật với nội dung phản ánh phong phú là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên thành công của Liên hoan“ – Thứ trưởng cho biết.

Đánh giá về chất lượng của liên hoan năm nay, NSƯT Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật nhận định: "So với các lần tổ chức trước, liên hoan lần này đã có những chương trình đạt chất lượng nghệ thuật cao, có những đoàn đã mạnh dạn tìm tòi, sáng tạo cả nghệ thuật biểu diễn lẫn hình thức thể hiện để vươn lên. Đã có những chương trình mới, độc, lạ được dàn dựng công phu, chi tiết đồng bộ từ nghệ thuật biểu diễn đến âm thanh, ánh sáng, thiết kế mỹ thuật, sân khấu, có thể nói không ngoa chuẩn đến từng nốt nhạc, đây chính là điểm sáng của liên hoan“.

Trong đó, nổi bật là các chương trình như “Dòng sông đời người” (Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La), “Khúc tự tình Fansifan” (Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Lào Cai),  “Sắc chàm miền non nước” (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng), “Nơi cội nguồn đất thiêng” (Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Tuyên Quang), “Điện Biên – tình đất tình người”, “Mỵ” của Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc...

NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan lên trao Giải cho các cá nhân nghệ sĩ xuất sắc. Ảnh: Thanh Tâm

Tỏa sáng tài năng

Các chương trình không chỉ vẽ nên bức tranh văn hóa đa màu sắc địa phương, mà còn đưa những yếu tố văn hóa bản địa nhuần nhuyễn vào chương trình để tạo sự hấp dẫn cho các tiết mục, chương trình nghệ thuật, qua đó phát lộ nhiều tài năng trong lĩnh vực.  Đối với âm nhạc, NSƯT Nguyễn Đức Trịnh cho biết đã xuất hiện những dàn nhạc điện tử và dân tộc có trình độ chuyên môn cao được phối khí, dàn dựng mới, lạ. 

Kết quả Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc 2018 (đợt 1) tại Cao Bằng: 

 - 02 chương trình giành Huy chương Vàng: “Dòng sông đời người” (Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La) và “Khúc tự tình Fansifan” (Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Lào Cai); 03 chương trình đạt Huy chương Bạc: “Sắc chàm miền non nước” (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng); “Nơi cội nguồn đất thiêng” (Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Tuyên Quang); “Điện Biên – tình đất tình người” (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên)

- 22 tiết mục đạt Huy chương Vàng và 34 tiết mục đạt Huy chương Bạc 

- Giải Chương trình ấn tượng: chương trình “Mỵ” của Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc

-  02 giải Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc cho nghệ sĩ Nguyễn Việt Phong (Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Lào Cai) với chương trình “Khúc tự tình Fansifan ”, Ma Thị Hương Lan (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng) với chương trình “Sắc chàm miền non nước”

- 02 giải Đạo diễn xuất sắc: NSƯT Điêu Khánh Thực (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên) với chương trình “Điện Biên - tình đất tình người”, NSƯT Phạm Hồng Thu (Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La) với chương trình “Dòng sông đời người”; 

- Giải Biên đạo múa xuất sắc: Nguyễn Thị Tuyết Minh (chương trình “Mỵ” của Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc);

- Giải Nhạc sĩ xuất sắc: nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến; Giải Thiết kế mỹ thuật xuất sắc: Họa sĩ Hà Huy Mười; Giải Nhạc sỹ trẻ triển vọng: nhạc sỹ Đinh Văn Đức; Biên đạo múa triển vọng: biên đạo Nguyễn Thị Thanh Hằng đều đến từ Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La với chương trình “Dòng sông đời người”.

- Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam tặng Bằng khen của Hội cho 05 tập thể múa xuất sắc: Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc, Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Lào Cai, Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng; 01 biên đạo tham gia có hiệu quả tại Liên hoan: biên đạo múa Nguyễn Xuân Hạnh (Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Lào Cai); 06 diễn viên trình diễn tác phẩm xuất sắc: Trần Thu Trang, Triệu Văn Được, Nguyễn Công Phương (Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc), Vũ Nguyên, Hà Tứ Thiên (Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La), Thái Tiểu Định (Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Lào Cai)

- Hội Nhạc sỹ Việt Nam tặng Bằng khen của Hội cho các tập thể: dàn nhạc Đoàn Ca Múa Hải Phòng, dàn nhạc Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, dàn nhạc Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên; tiết mục độc tấu Lạc cầm trống: “Hội Xuân đất mẫu” do nghệ sĩ Thanh Nhã biểu diễn cùng dàn nhạc Đoàn Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc; nhạc sĩ Nguyễn Thế Việt, nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Giang (Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn; Chương trình có nhiều sáng tạo độc đáo: chương trình “Sắc màu hội tụ” (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Yên Bái); nghệ sĩ Nguyễn Thị Thu Hồng - chỉ đạo nghệ thuật chương trình “Nơi cội nguồn đất thiêng” (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang)

Bên cạnh những nhạc sĩ dày dặn kinh nghiệm sáng tác như Huỳnh Tú, Mạnh Tiến, Vũ Duy Cương, Hồ Trọng Tuấn còn có sự xuất hiện những nhạc sĩ trẻ đầy tài năng như: Minh Đức, Quang Thuỷ, Lê Anh Thuỷ, Lê Xuân Thủy, Nguyễn Trường Giang... đã đóng góp cho liên hoan những tác phẩm âm nhạc độc đáo, hiện đại nhưng vẫn rất dân tộc. 

Đối với lĩnh vực múa, Hội đồng nghệ thuật nhận định trình độ của các diễn viên múa tại các đoàn không chênh lệch nhiều, kỹ năng múa và cảm xúc của diễn viên đã có những bước tiến đáng kể. Đặc biệt có những diễn viên múa nổi bật và trở thành những điểm sáng, những solist trẻ có tiềm năng, các tập thể diễn viên múa đồng đều hơn, tính kỷ luật và chuyên nghiệp cao hơn.

Đội ngũ đạo diễn chương trình và chỉ đạo nghệ thuật như NSƯT Điêu Khánh Thực, NSƯT Phạm Hồng Thu, Nguyễn Việt Phong, Ma Thị Hương Lan... đã tìm tòi và tạo ra những điểm nhấn cho chương trình, mang lại hiệu quả đặc biệt khiến người xem và Hội đồng nghệ thuật hoàn toàn bị chinh phục.

Sự thành công của Liên hoan còn đến từ sự nỗ lực, lòng yêu nghề của hơn 600 nghệ sỹ. Đặc biệt, trong bối cảnh các đoàn nghệ thuật đang đứng trước thách thức sống còn và đòi hỏi sự đổi mới toàn diện.

Bên cạnh những thành công, Hội đồng nghệ thuật cũng chỉ ra một số hạn chế của Liên hoan năm nay như: có ít tác phẩm mới; những sáng tác âm nhạc hầu như còn thiếu để các ca sĩ thể hiện hết kỹ thuật, tình cảm; có những đơn vị lạm dụng sự ồn ào của phần đệm nhạc, thiếu sự tinh tế nên chưa thực sự hỗ trợ cho tác phẩm đạt hiệu quả chất lượng và cuốn hút người xem...  

Khép lại Liên hoan Ca, Múa Nhạc toàn quốc (đợt 1) năm  2018 có thành công, có ưu điểm, có hạn chế, nhưng tin rằng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật, hoạt động nghệ thuật biểu diễn nước nhà sẽ ngày càng khởi sắc.

Trích lại nhận định của Thứ trưởng Vương Duy Biên thay cho lời kết: "Dù biết rằng trước mắt các nghệ sỹ sẽ là chặng đường nghệ thuật và đời sống nhiều thử thách chông gai. Nhưng qua những gì các bạn thể hiện trong Liên hoan lần này, tôi có thể khẳng định rằng nghệ thuật biểu diễn Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới, bảo đảm cho tương lai sáng lạn của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà”./.

Gia Linh

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ