• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Liên minh "đơn độc" Mỹ, Saudi loay hoay tìm ủng hộ trả đũa Iran

Thế giới 18/09/2019 10:15

(Tổ Quốc) - Ông Trump đang đánh mất các đồng minh truyền thống vì nhiều lý do khác nhau.

Vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu đã để lại những ảnh hưởng lớn lên nền công nghiệp dầu mỏ Arab Saudi. Tuy nhiên, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper viết trên Twitter rằng, Washington đang "làm việc với các đối tác để giải quyết vụ việc chưa từng có trong tiền lệ này", thì Tổng thống Donald Trump đã "kịp" loại bỏ các đồng minh chủ chốt bằng việc đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran và tái áp dụng trừng phạt. Trước đó, một chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực do Mỹ khởi xướng trước đó đã không nhận được đủ sự ủng hộ của các đồng minh như kỳ vọng.

"Với một chính quyền bình thường, chúng ta có thể kêu gọi 40 hoặc 50 nước tham gia trong một vấn đề như vậy, nhưng giờ đây chúng ta không thể làm thế vì mọi người nghĩ chúng ta đang dẫn họ tới chiến tranh", ông Ilan Goldenberg, một cựu nhân viên an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Obama nhận xét về sáng kiến "an ninh hải dương" của Mỹ.

Còn ông Michael Knights từ Viện Chính sách cận đông Washington khẳng định: "Hiện không có một liên minh tấn công nào chống lai Iran trên thế giới".

trumpsaudi

Liên minh chống Iran hậu tấn công nhà máy dầu Saudi mới chỉ có Washington và Riyadh (ảnh: getty)

Ngay cả các nghị sỹ Cộng hòa tại Mỹ cũng cho rằng, ông Trump chỉ nên hành động với sự hỗ trợ từ các đồng minh. "Cách tốt nhất để đối phó với Iran là làm việc cùng và thông qua các đối tác khu vực, bao gồm việc đảm bảo họ có những gì cần thiết để tự bảo vệ bản thân và các lợi ích chia sẻ với nước Mỹ", Thượng nghị sỹ Jim Inhofe phát biểu hôm 16/9.

Các chính quyền Mỹ trước đây đã sử dụng liên minh để gia tăng tính pháp lý cho các hành động quân sự và giảm bớt áp lực lên chính quân đội Mỹ. Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức, ông Trump thường xuyên bày tỏ sự không hài lòng với việc chia sẻ gánh nặng với các đồng minh, đồng thời không ngừng thúc đẩy những đối tác từ châu Âu, châu Á tới Trung Đông phải gánh chịu các chi phí tài chính và thực tiễn lớn hơn ngay cả trong những khu vực được Mỹ đảm bảo an ninh.

Hồi tháng 7, sau vụ một tàu Anh bị Iran bắt giữ và một máy bay không người lái Mỹ bị bắn hạ, Lầu Năm góc hy vọng với sự tham gia của các đối tác quốc tế vào kế hoạch hộ tống các tàu thương mại đi qua Vịnh Ba Tư, Mỹ có thể giảm bớt lực lượng dành cho việc bảo hộ an ninh tại các vùng lãnh hải có sự hiện diện của quân đội Iran. Đây được coi là một ưu tiên trọng tâm trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng di chuyển binh lính, máy bay, tàu chiến và các thiết bị khác ra khỏi Trung Đông để chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc xung đột tiềm tàng với Nga hoặc Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia đồng minh – bao gồm cả Pháp và Đức, đều từ chối chia sẻ quan điểm trên với Washington với lý do sợ bị Mỹ kéo vào một cuộc đối đầu với Iran.

Hiện tại, chỉ có Anh, Australia và Bahrain đồng ý tham gia vào liên minh hàng hải của Mỹ. Tuy nhiên, theo trang Politico, với những gì mà các đối tác và cả Mỹ "đóng góp" cho tới thời điểm này, liên minh chưa đủ sức cho bất kỳ đáp trả quân sự nào trong vụ tấn công nhà máy dầu Saudi Aramco – một sứ mệnh sẽ vượt quá xa so với ý định thành lập ban đầu.

"Ý tưởng là liên minh có thể được sử dụng để phản ứng ít hay nhiều trước Iran, là điều không thực tiễn", ông Goldenberg chỉ ra.

Còn theo ông Eric Edelman, một cựu quan chức dưới chính quyền Georgeo W. Bush, trong trường hợp tấn công trên không hoặc từ biển trước các tên lửa và thiết bị bay không người lái của Iran, một liên minh lại có thể gây trở ngại hơn là thuận lợi. "Nếu Tổng thống quyết định đáp trả quân sự, tôi cho rằng, anh sẽ muốn nó diễn ra nhanh và không muốn dùng quá nhiều thời gian để điều phối với các bên khác ngoại trừ Arab Saudi", ông Edelman nói.

Mặc dù vậy, ông Jack Keane, một cựu tướng Mỹ đưa ra lời khuyên, việc xây dựng được sự đồng thuận quốc tế trước khi thực hiện hành động quân sự, có thể giúp phá hủy những nỗ lực của Iran nhằm cô lập Mỹ về mặt ngoại giao.

"Điều Mỹ cần làm bây giờ là, một khi thu thập được các bằng chứng, họ phải trình diện chúng lên một phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo An", ông Keane đề xuất và coi đó là "một phương tiện để có thể sự ủng hộ ngăn chặn các hành vi hiếu chiến khác của Iran trong tương lai".

Các chuyên gia e ngại rằng, những nỗ lực xây dựng một liên minh quy mô của Tổng thống Trump để trả đũa Iran sau vụ tấn công Saudi Aramco, gần như chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng giống như với liên minh hàng hải.

"Các đồng minh quốc tế không biết ông Trump định làm gì", bà Kelly Magsament, một cựu quan chức Lầu Năm góc dưới thời Obama nhận xét. "Họ nhìn vào ông ấy và nghĩ một phút trước ông ấy muốn thành lập một liên minh hàng hải và sau đó ông ấy viết trên Twitter muốn gặp Tổng thống Iran Rouhani".

Bà cũng cảnh báo thêm, tách rời khỏi các đồng minh truyền thống như Đức và Pháp khiến chính quyền Trump hầu như "không còn lá bài nào ở thời điểm hiện tại".

Ngoài ra, theo ông Goldenberg, thói quen công khai các quyết định ngoại giao trên Twitter hoặc các thể thức tùy hứng của Tổng thống Trump và các cộng sự, cũng là một lý do ảnh hưởng tới sự sẵn sàng của đồng minh "chung vai" với Mỹ trong một số vấn đề lớn như hành động quân sự.

Phương Đỗ

NỔI BẬT TRANG CHỦ