• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Liệu có thể tin lời nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng các cây bút trẻ xứng đáng là người phát ngôn của thế hệ mình?

Văn hoá 01/12/2018 13:00

(Tổ Quốc) - Việc ra mắt cuốn sách phần lớn có sự hiện diện các cây bút trẻ để lắng nghe những nhận xét từ những "cây đa, cây đề" có ý nghĩa, thu hút sự quan tâm của độc giả và giới văn chương.

Những lời khen có cánh dành cho các cây bút trẻ

Phải nói rằng, đã khá lâu rồi văn học trẻ mới có một sự kiện quy tụ được nhiều cây bút hội ngộ như sự kiện ra mắt hai sách của báo Thời Nay (ấn phẩm của báo Nhân Dân): Giấc mơ trên những cánh rừng (truyện ngắn) và tập tản văn Nơi ta đã qua, người ta đã gặp. Không những thế, sự kiện này còn quy tụ những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, có tiếng nói quan trọng và uy tín trong giới văn chương đương đại như nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, hai Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ngoài ra còn có nhà văn Nguyễn Bình Phương Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội kiêm trưởng ban nhà văn trẻ của Hội Nhà văn, cùng nhiều nhà văn tên tuổi khác như: Chu Lai, Phong Điệp, Nguyễn Xuân Thủy…

Vì vậy, việc ra mắt cuốn sách phần lớn có sự hiện diện các cây bút trẻ để lắng nghe những nhận xét từ những "cây đa, cây đề" có ý nghĩa, thu hút sự quan tâm của độc giả và giới văn chương.

Liệu có thể tin lời nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng các cây bút trẻ xứng đáng là người phát ngôn của thế hệ mình? - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi ra mắt sách

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng chưa bao giờ các cây bút trẻ có một không gian rộng rãi thể hiện tài năng như ngày hôm nay. Các tản văn sáng sủa, biết rung động với cuộc sống và đầy mới mẻ. Còn các tác giả truyện ngắn thì viết rất hấp dẫn. Điều đáng chú ý là chỉ với dung lượng khoảng 2.000 chữ nhưng rất cô đọng, sâu sắc và tác phẩm có triết lý đời sống, có khả năng tiếp cận đời sống đương đại.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra so sánh thế hệ của ông với thế hệ các nhà văn trẻ hiện nay, rằng thế hệ của ông có lẽ sẽ khó khăn và bắt nhịp để viết được những tác phẩm như các tác giả trẻ đương đại, sẽ có lúc phải "nhường bước" cho các cây bút trẻ. Và các cây bút trẻ xứng đáng là người phát ngôn cho thế hệ mình. Ông cũng vui mừng khi thấy đội ngũ trẻ đang trưởng thành, có khát vọng, có chuẩn bị đang vững bước kế thừa thế hệ đi trước. Ông hi vọng không xa, đội ngũ tác giả trẻ nhất định sẽ bật lên thành những tác giả vững vàng, tin cậy, có độc giả đông đảo, sẽ gánh vác văn học trong tương lai.

Liệu có thể tin lời nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng các cây bút trẻ xứng đáng là người phát ngôn của thế hệ mình? - Ảnh 2.

Tập truyện ngắn có sự góp mặt của 39 tác giả đến từ mọi miền từng xuất hiện trên báo Thời Nay gần 9 năm qua

Còn nhà văn Chu Lai dù đã có một bài viết khá dài, đầy trang trọng,tỉ mỉ, kỹ lưỡng cho lời giới thiệu cuốn truyện ngắn nhưng dường như vẫn "chưa hết" nhận xét, nên tại buổi gặp gỡ với các nhà văn trẻ ông tiếp tục đưa ra nhận định: Các cây bút trẻ và các cây bút thế hệ nhà văn chống Mỹ đã có cự ly xa nhau lắm rồi. Thế hệ trẻ thông minh, phá cách, đáo để. Họ viết kiệm lời và tạo ra một năng lượng văn chương thòm thèm, thi pháp thòm thèm và có thể tạo ra một nền văn học gây sự thòm thèm.

Theo ý nhà văn Chu Lai, chữ "thòm thèm" ở đây là viết chữ ngắn, ý nhiều, khiến người ta đọc xong còn bâng khuâng, muốn đọc nữa. Ông cho rằng không gì chán bằng thứ văn chương nhạt nhẽo. Với việc ấn phẩm Thời nay quy tụ được nhiều cây bút trẻ có chất lượng, nên tác giả "Ăn mày dĩ vãng" cũng không ngần ngại đề nghị báo Nhân dân là một chi nhánh của Ban nhà văn trẻ.

Chỉ khen thôi chưa đủ

Như đã nói ở trên, phần lớn báo giới và tác giả đến tham dự cuộc ra mắt sách để lắng nghe tiếng nói của thế hệ trước với thế hệ cây bút trẻ đương đại. Với những lời khen có cánh như ở trên, hẳn nhiên các cây bút vui mừng và ít nhiều vững tin hơn ở con đường văn chương đầy xa vời và chông gai phía trước.

Tuy nhiên, thành thực mà nói, chỉ khen thôi chưa đủ. Bởi vốn dĩ xưa nay "văn mình vợ người", chưa cần lời khen của người khác thì bản thân tác giả cũng "thấy mình là nhất". Vậy nhưng, nói gì thì nói, lời nhận xét khách quan, lại từ các cây bút đàn anh, đã thành danh, có những đánh giá, quyết định văn chương quan trọng như ông Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì lại càng có ý nghĩa và được chú ý.

Liệu có thể tin lời nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng các cây bút trẻ xứng đáng là người phát ngôn của thế hệ mình? - Ảnh 4.

Nhà văn Chu Lai mong muốn các cây bút trẻ trong tương lai tạo ra một nền văn học gây sự thòm thèm

Song những lời khen đầy sự khích lệ và động viên mà không có nhận xét hạn chế, thiếu sót … liệu có dễ khiến tác giả trẻ đã thấy mình hoàn hảo, cứ đi tiếp, đi mãi, đi mòn vẹt cái con đường đang đi mà không điều chỉnh hay giật mình thay đổi?.

Có thể các cây bút trẻ đương đại đủ sự tỉnh táo để nhận ra những cái bẫy từ lời khen, nhưng e rằng không phải tất cả đều tỉnh táo. Trước nay, trong làng văn vẫn râm ran câu chuyện "khen cho nó chết", vì khen chẳng mất lòng ai, khen còn được cho là khích lệ, là nhìn thấy mặt tốt của nhau, là sự nâng đỡ… nhưng rất có thể khiến người được khen "chết chìm" trong lời khen. Bởi vậy, giá như, bên cạnh lời khen từ các cây đa cây đề của làng văn, các cây bút trẻ được lắng nghe nhiều hơn những lời nhận xét thẳng thắn về hạn chế, về cái chưa được thì có lẽ sẽ trọn vẹn hơn.

Còn nhớ, cách đây 11 năm đã có một cuộc tọa đàm văn xuôi 8x của Ban công tác nhà văn trẻ với hai tập truyện ngắn Vũ điệu thân gầy và truyện ngắn 198x cũng gây sự chú ý của dư luận. Ở cuộc đó thì ngược lại, phần lớn là lời chê, chê không thương tiếc, khiến một tác giả tham dự cuộc đó phải thốt lên "Các bạn phê bình nhưng chưa chỉ ra chính xác cái không hay của chúng tôi. Tôi mong sự khen chê phải rõ ràng".

Thế mới biết, với văn chương cả khen và chê đều cũng rất khó. Nhưng người viết bài này vẫn tin và cho rằng, nhiều nhà văn trẻ hôm nay đã không còn ngại lời chê cũng như không dễ bị ảo tưởng bởi lời khen.

Ngày 28/11, tại trụ sở Báo Nhân dân đã diễn ra buổi ra mắt 2 cuốn sách văn xuôi: Giấc mơ trên những cánh rừng (truyện ngắn) và Nơi ta đã qua, người ta đã gặp (tập tản văn). Sự kiện do báo Nhân dân và Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, đã thu hút sự tham dự đông đảo các nhà văn.

Hiền Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ