• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lo tốn phí, thủ tục rắc rối, hộ kinh doanh ngại “lên đời” doanh nghiệp

Kinh tế 18/07/2017 21:46

(Tổ Quốc) - Tâm lý e ngại rắc rối, phiền hà và sợ chi phí phát sinh... là những nguyên nhân khiến các hộ kinh doanh cá thể không muốn được “nâng cấp” thành doanh nghiệp.

Hiện cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó khoảng 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế và 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. Đây được đánh giá là khu vực có nhiều tiềm năng cho phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng chục triệu lao động và đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Đa số các hộ kinh doanh cá thể đều ngại "nâng cấp" lên thành doanh nghiệp. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp là tạo điều kiện, hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này lại đang gặp không ít khó khăn do các hộ kinh doanh không muốn “lên đời” doanh nghiệp.

Phóng viên Báo Điện tử Tổ Quốc đã khảo sát một số hộ kinh doanh ở các lĩnh vực khác nhau

Bà Liên, chủ cửa hàng sản xuất, kinh doanh giò chả nổi tiếng tại phố Trần Xuân Soạn (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, cửa hàng của bà đã tồn tại cách đây hàng chục năm và mỗi ngày đều sản xuất, bán ra thị trường hàng trăm kg giò, chả, bánh chưng... Tuy nhiên, khi được đặt vấn đề về việc chuyển đổi lên thành doanh nghiệp, bà Liên phân vân:

“Cửa hàng của tôi tuy đông khách nhưng lượng hàng sản xuất ra không ổn định, đôi khi còn phụ thuộc vào thời tiết nên thu nhập cũng bấp bênh. Hơn nữa, nghe nói nếu thành doanh nghiệp thì phải đóng nhiều loại thuế, thủ tục hành chính phức tạp nên tôi cũng chưa nghĩ đến. Ví như bình thường khách đến nhận hàng chẳng bao giờ lấy hoá đơn đỏ, giao dịch vô cùng đơn giản... Nhưng tôi nghe nói nếu trở thành doanh nghiệp thì không đơn giản như vậy”.

Cùng tâm lý trên, anh Nam (khu đô thị Times City, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội), chủ một cửa hàng in ấn chia sẻ: “Cửa hàng của tôi có 2 vợ chồng quản lý. Nếu giờ mà chuyển đổi thành doanh nghiệp thì tôi thành Giám đốc, vợ tôi là Phó Giám đốc, xem ra tôi thấy cứ ngại ngại... Rồi còn bao nhiêu vấn đề nảy sinh khi thành doanh nghiệp nữa!”.

Tương tự, anh Tuấn - một chủ hộ sản xuất, kinh doanh đồ dùng từ mây, tre, đan tại xã Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội chia sẻ, là hộ sản xuất, kinh doanh cá thể như của gia đình anh thì chỉ phải đóng mức thuế môn bài chưa đến 1 triệu đồng/năm. Về sổ sách kế toán thì chủ hộ có thể tự làm. Tuy nhiên, nếu thành doanh nghiệp thì chi phí sẽ phải tăng lên rất nhiều.

“Nếu thành doanh nghiệp tôi sẽ phải đi làm các thủ tục, rồi phải có bộ phận kế toán nghiêm chỉnh, sau này lại còn bị thanh tra, kiểm tra rất mất thời gian...”, anh Tuấn nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, có vô vàn lý do khác nhau khiến hộ kinh doanh không muốn trở thành doanh nghiệp mà trong đó, phần lớn là do vấn đề tâm lý.

Bên cạnh lý do sợ phải nộp thêm thuế, phí, thủ tục phiền hà.... thì các hộ kinh doanh cá thể còn ngại bị trùng tên. Hiện tại, khi đang hoạt động ở hình thức hộ kinh doanh, tên hiệu chỉ thuộc phạm vi quận, huyện nên hiếm khi xảy ra trùng tên, nhưng nếu trong phạm vi cả nước thì trùng tên không phải là chuyện hiếm.

Hơn nữa, theo quy định của cơ quan thuế, các hộ kinh doanh phải làm thủ tục giải thể, ngưng kinh doanh mới được xác nhận chuyển đổi lên thành doanh nghiệp. Điều này khiến các hộ kinh doanh cá thể lo ngại.

“Các hộ kinh doanh như chúng tôi vốn chỉ làm ăn “bé”, mỗi ngày thu nhập chút tiền, khách hàng cũng toàn người quen lâu năm. Giờ muốn “lên đời” doanh nghiệp lại phải đóng cửa một thời gian, điều này sẽ làm gián đoạn công việc và ảnh hưởng đến khách hàng.

Thậm chí, chúng tôi có thể mất các mối làm ăn do trong thời gian tạm đóng cửa thì khách hàng sẽ tìm đến cửa hàng mới”, chủ một cửa hàng sản xuất và kinh doanh khung tranh trên phố Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ./.

(Còn tiếp)

Hà Giang

 

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ