• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Loay hoay dự án cải tạo kênh chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất

Thời sự 06/12/2018 14:29

(Tổ Quốc) - Kênh Hi vọng chống ngập cho quận Tân Bình và sân bay Tân Sơn Nhất bị ngưng cải tạo từ khi Ngân hàng Thế giới dừng tài trợ dự án nạo vét.

Sáng 6/12, kỳ họp thứ 12 HĐND TP HCM khóa IX tiếp tục với phiên chất vấn. Dự phiên chất vấn có ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch HĐND TP, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP cùng nhiều lãnh đạo các sở ngành, quận huyện.

ĐB Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho rằng qua tiếp xúc cử tri quận Tân Bình, người dân phản ánh kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) thực hiện từ năm 2015, nhưng đến năm 2016 tài trợ dự án của Ngân hàng thế giới không thực hiện được nữa.

"Kênh Hy Vọng không chỉ giải quyết chống ngập cho Tân Bình mà còn cho sân bay Tân Sơn Nhất" – ông Quang nói và đề nghị chính quyền TP cho biết hướng xử lý trong thời gian tới.

Loay hoay dự án cải tạo kênh chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh 1.

Kênh Hy Vọng ở quận Tân Bình, TP HCM luôn ngập ngụa rác thải

Trả lời chất vấn, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho rằng, kênh Hy Vọng trước đây để giải quyết thoát nước thì có ba tuyến mương, trong đó có mương Nhật Bản. Chính quyền TP đã đưa ngân sách đầu tư giải quyết thoát nước thông thoáng cho tuyến mương Nhật bản đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Ông Dũng cũng cho biết, TP đã làm việc với WB để đầu tư thoát nước cho sân bay qua kênh Hi Vọng và kênh A41.

"Kênh Hy Vọng nằm trong nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới. TP đang đưa dự án này vào ngân sách TP để giải quyết ngập nước và giao quận Tân Bình làm công tác giải phóng mặt bằng" – ông Dũng nói và cho biết kênh này dài 1,8km và rộng 9-11m. Tổng kinh phí khoảng 150 tỷ đồng.

Loay hoay dự án cải tạo kênh chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh 2.

Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM Nguyễn Hoàng Anh Dũng

Ông Dũng cho biết, thời gian tới, TP sẽ cùng quận Tân Bình thực hiện đẩy nhanh bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trung tâm chống ngập định kỳ có tổ chức nạo vét, đảm bảo dòng chảy cho tuyến kênh Hi Vọng.

"Hiện nay rác là vấn nạn ảnh hưởng đến thoát nước, thậm chí có cả nệm, cây cối người dân vứt xuống kênh" – ông Dũng nói.

Cải tạo kênh Hy Vọng trước đây là một thành phần của dự án tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (giai đoạn 2) đã được chính quyền TP HCM đồng ý thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách thành phố từ đầu năm 2013.

Năm 2014, trong quá trình thực hiện công tác đầu tư dự án, Ngân hàng Thế giới đưa hạng mục này vào trong dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP để đầu tư. UBND thành phố sau đó cũng đồng ý với phương án này.

Trong đó, hạng mục cải tạo kênh Hy Vọng dài hơn 1,8 km với tổng kinh phí 110 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 5 năm (2016 đến 2021).

Tuy nhiên, sau đó Ngân hàng Thế giới dừng tài trợ vốn cho dự án quản lý rủi ro chống ngập, dự án cải tạo kênh Hy Vọng phải dừng lại, chờ tìm nguồn vốn khác.

Theo đánh giá của Trung tâm chống ngập, dự án cải tạo kênh Hy Vọng để giải quyết thoát nước, chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất và lưu vực dọc hai bên kênh thuộc phường 15, quận Tân Bình là rất cấp bách và quan trọng. Số vốn xây dựng chỉ khoảng 150 tỷ đồng là không lớn so với hiệu quả dự án mang lại.

Kênh Hy Vọng cùng A41 và Nhật Bản là 3 hướng thoát nước của sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngoài kênh Nhật Bản đã được cải tạo thì 2 kênh còn lại đang bị lấn chiếm, thu hẹp lòng kênh khiến sân bay bị ngập mỗi lần mưa lớn do nước không thể thoát kịp.

Cách đây 2 năm, UBND quận Tân Bình từng kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo Trung tâm chống ngập thành phố (chủ đầu tư) nghiên cứu phương án cải tạo kênh Hy Vọng (phường 15) thành cống hộp thay cho phương án cống hở đã chọn.

Nguyên nhân là do ý thức người dân sống xung quanh kênh chưa cao, dù chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền không xả rác, vứt rác xuống lòng kênh. Tình trạng ô nhiễm môi trường đang rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Mỗi khi mưa lớn là ngập úng.

Đức Duy

NỔI BẬT TRANG CHỦ