• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lời hứa của người Nghệ sỹ và lẵng hoa của vị tư lệnh quân khu với Bác Hồ kính yêu

27/11/2017 18:00

(Tổ Quốc) - Trong hồi ký của mình, NSƯT Tân Nhân viết: “Lớp diễn viên chúng tôi thường có vinh dự được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên sau khi tiếp quản Thủ đô, văn công lập nhiều thành tích nên được khen ngợi...

Tôi nhớ hôm đó có mặt các giọng hát hay tên tuổi: Lệ Thi, Châu Loan, Ngọc Dậu… và nhiều diễn viên múa, nhạc. Khi Bác Hồ xuất hiện, chúng tôi mừng rỡ quá ùa tới vây quanh. Bác thăm hỏi từng người. Các chị cảm động quá cứ khóc lây lan nhau. Bác Hồ cho chúng tôi xem phim, khi ra về lại cho kẹo. Tôi được ngồi gần Bác, thỉnh thoảng Bác lại ho khan, tôi áy náy lắm. Có lúc không đừng được, tôi ghé gần hỏi: “Bác ơi! Bác ốm rồi!”. Bác bấm nhẹ tay tôi ra hiệu đừng làm mất tập trung mọi người. Thế là sau này tôi nhớ lại là ngày từ nước ngoài về Việt Bắc, rồi về Hà Nội, Bác đã chịu đựng bao nhiêu lao khổ để đưa cuộc kháng chiến tới thành công. Bác luôn giấu đi những khó khăn đau đớn của mình”.

Người về quê ta, tấm áo chàm tình thương quê nhà (ảnh: giadinh)

Năm 1960, nhạc sỹ trẻ Nguyễn Tài Tuệ hoàn thành bài hát Tiếng hát giữa rừng Pắc bó nhân sinh nhật lần thứ 70 của Bác Hồ. Nhạc sỹ tin yêu gửi hai ca sỹ vốn rất thân thiết với mình cùng ở Đoàn ca múa Trung ương là nghệ sỹ Quốc Hương và nghệ sỹ Tân Nhân. Đây cũng lại là bài hát đoàn phân công nghệ sỹ Tân Nhân biểu diễn (như sau này với bài hát Xa khơi cũng của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ, ban đầu do đoàn phân công Tân Nhân hát). Để hát hay bài hát, một lần được Bác mời vào ăn cơm, nghệ sỹ Tân Nhân hỏi Bác: “Bác ơi, Pắc bó ngày Bác về lãnh đạo cách mạng như thế nào ạ? Bác kể cho cháu nghe với nhé”. Lặng nhìn người nghệ sỹ Bác hằng coi như con cháu, Bác nói: “Cháu có dịp lên Pắc bó quan sát là hay nhất”. Tân Nhân hăng hái: “Vâng, nhất định cháu sẽ lên Pắc bó thăm núi rừng và nơi Bác ở năm xưa một chuyến Bác ạ”. Rồi chị khẽ lẩm nhẩm câu hát mở đầu của bài hát: “Trông vời lưng núi Khuổi Nậm rì rào núi cao từng mây”. Trầm ngâm một lúc như để tìm “phương án” giúp cô cháu gái, Bác bảo: “Bây giờ đường xá đi lại vẫn còn khó khăn lắm. Bác mới lên thăm bà con trên ấy… Tới đây có dịp trở lại thăm cao Bằng, thăm Pắc bó, Bác sẽ cho cháu cùng đi”. Tân Nhân mừng rỡ quá, nắm lấy tay Bác: “Bác nhớ Bác nhé. Nhất định cháu sẽ lên thăm Pắc bó...”

Sau lần vào thăm Bác ấy, như có một ngọn lửa sáng bừng lên trong tiếng hát của mình, ca sỹ Tân Nhân, cũng như ca sỹ Quốc Hương đã trình diễn rất hay bài hát Tiếng hát giữa rừng Pắc bó. Bà còn là nghệ sỹ vinh dự hát trong “Akabenla”- hợp xướng không dành nhạc đệm với hơn 100 ca sỹ bài hát Tiếng hát giữa rừng Pắc bó giữa Nhà hát lớn Hà Nội lay động lòng người. Có chuyến đi vào tuyến lửa Vĩnh Linh, không ít bà con đã đề nghị Tân Nhân hát đi hát lại hàng chục lần bài này và càng nghe mọi người như cùng thấy yêu Bác hơn, vững vàng trên con đường cách mạng hơn...

Chỉ đáng tiếc lời hứa với Bác sẽ lên thăm Pắc bó của người nghệ sỹ đã không thể thực hiện. Sau lần gặp Bác ấy, bà vào biểu diễn ở tuyến lửa khu Tư, Vĩnh Linh, mặt trận Lào, những đơn vị bộ đội tuyến lửa... Và năm 1977 bà được cử đi thực tập âm nhạc ở Bun-ga-ri. Trước ngày đi, Tân Nhân vào chào Bác như hồi ký bà kể lại: “Thoạt đầu Bác hỏi: “- Cứ theo cách hát dân tộc mà hát không được ư?” Do đang say mê với phương pháp ca hát mới nên tôi hứng khởi trình bày phương pháp cộng minh khiến cho người hát dùng sức ít mà tiếng vang xa, kéo dài tuổi thọ nghề ca sĩ… và kết luận: “Mình cũng là người như họ, chắc chắn mình cũng sẽ học được cách điều khiển âm thanh như họ, không thể để thua…” Có lẽ cũng vui vì tinh thần hăng hái của tôi, Bác cười: “Ừ! Thế thì đi học để mà tiến bộ”...

Đáng tiếc ba năm sau khi đi thực tập về, Bác kính yêu đã không còn nữa. Và lời hứa lên thăm quê hương cách mạng, nơi buổi đầu Bác đặt chân về lãnh đạo cách mạng, chỉ còn là một ao ước khát bỏng trong nghệ sỹ Tân Nhân...

Nghệ sĩ Tân Nhân

Nhưng ao ước này, lời hứa này của người nghệ sỹ Với Bác Hồ kính yêu sau 55 năm đã được những con cháu của người nghệ sỹ thực hiện, dù bà cũng không còn nữa. Trong một ngày hội trường Yên Dũng 2 (Bắc Giang) gần đây, khi các em học sinh đã học từ 40 năm trước (1977) với cô giáo Thanh Tùng, là con dâu của nghệ sỹ Tân Nhân: “Thưa cô, mong ước lớn nhất của cô chuyến ra Bắc này là gì?”, người con dâu của nghệ sỹ Tân Nhân tâm sự: “Muốn lên thăm Pác bó để thực hiện lời hứa của Mẹ cô năm xưa với Bác Hồ”. Các em rất xúc động, đã phân chia nhau người cho xe con, người tháp tùng gia đình cô giáo từ Bắc Giang lên thẳng Pắc bó. Một học sinh của lớp, Ngô Minh Tiến, nay là Thiếu tướng Tư Lệnh quân khu Một, địa bàn có tỉnh Cao Bằng đã gửi cho cô giáo một lẵng hoa rất đẹp, mang tình cảm của người nghệ sỹ nổi tiếng năm xưa, mang tình cảm của gia đình nghệ sỹ và cũng là tình của Tư lệnh quân khu để lên Pắc bó dâng lên Bác Hồ kính yêu...

Bước lên 169 bậc thang dẫn lên Đền thờ Bác Hồ tại Pắc bó, người con dâu của nghệ sỹ Tân Nhân cùng đại úy Bế Văn Sơn thay mặt Tư lệnh quân khu Ngô Minh Tiến dâng hoa lên bàn thờ của Bác. Mọi người đều hết sức xúc động, nước mắt cùng dàn ra trên má khi nghe vang lên giọng đọc của cô gái người Tày trong khói hương từ điện bay vào huyền ảo: “Thưa Bác, hôm nay đoàn đại biểu của Tư lệnh quân khu một và gia đình cố nghệ sỹ Tân Nhân- người nhệ sỹ thường được vào hát cho Bác nghe năm xưa, đến dâng hương hoa lên Bác, thực hiện lời hứa của nhệ sỹ Tân Nhân với Bác năm xưa là sẽ lên thăm Pắc bó, nơi buổi đầu Bác trở về đất nước lãnh đạo cách mạng...” Mọi người như cùng thấy trên Bàn thờ, có nụ cười nhân ái của Bác đang nhìn xuống cháu con, như Bác đang thấu hiểu những tình cảm vô bờ bến của cháu con nhiều thế hệ với Bác...

Và đặc biệt, khi đoàn được theo người hướng dẫn đưa vào thăm khu di tích, chỉ mới đến dòng Khuổi Nậm, những con cháu của nghệ sỹ Tân Nhân đã nghẹn ngào nước mắt bởi dây chính là câu hát mẹ mình đã thường hát năm xưa cho quân và dân ca nước cùng nghe: “Trông vời lưng núi/ Khuổi Nậm rì rào núi cao tầng mây/ Chiều nay tiếng ai đang “lượn” về trên đèo/ Kể rằng Người về đây, nhà in lưng đá/ Người về quê ta tấm áo chàm tình thương quê nhà”.

Như nghe trong tiếng rừng, tiếng suối, không chỉ tiếng hát của nữ nghệ sỹ Tân Nhân, mà còn của các nghệ sỹ Quốc Hương, Mai Khanh, Anh Đào, Huyền Mi, Tuyết Nhung, của hàng trăm nghệ sỹ Nhà hát giao hưởng hợp xướng và đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, của nghệ sỹ nhiều thế hệ đã hát “Tiếng hát giữa rừng Pắc bó” với tiếng hát dào dạt một tình yêu vô bờ bến và bất chấp mọi thời gian về một tình yêu thiêng liêng và vĩnh cửu với Bác Hồ kính yêu ...

Trương Nguyên Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ