Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch COVID-19.

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là lời hiệu triệu, tiếng trống thúc giục mỗi người dân với trách nhiệm và ý thức công dân của mình, thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để vượt qua chiến thắng đại dịch Covid-19

Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch COVID-19.

Sự lãnh đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng

Lần đầu tiên kể từ khi đất nước thống nhất, non sông liền một dải, người đứng đầu Đảng, Nhà nước ra lời kêu gọi đoàn kết, thống nhất để chống dịch. Đó là lời hiệu triệu, tiếng trống thúc giục mỗi người dân với trách nhiệm và ý thức công dân của mình, thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ để cuộc chiến của chúng ta mau chóng giành thắng lợi- Đó là chia sẻ của PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc- Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) với chúng tôi trong cuộc trò chuyện về ý nghĩa của Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bối cảnh hiện nay.

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thể hiện sự chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu trước đất nước, nhân dân - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (ảnh Nam Nguyễn)

+ Thưa PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, trong "cuộc chiến" chống dịch Covid-19, không chỉ người dân cả trong nước mà bạn bè quốc tế đều đánh giá cao Việt Nam là một trong số ít quốc gia chủ động và chống dịch hiệu quả. Ông đánh giá như thế nào về sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong cuộc chiến này?

- Khi nói tới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với cuộc chiến chống Covid-19 phải nói là chúng ta đã chủ động vào cuộc từ rất sớm. Ngay khi mới có tín hiệu đầu tiên của dịch Covid-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào nửa cuối tháng 12 âm lịch năm 2019, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương đối phó kịp thời. Đó là điều rất nhanh nhạy của các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Ngành Y tế cũng rất kịp thời tham mưu, dự báo được tình hình. Nên sau này, khi xảy ra dịch bệnh lan truyền, từ tháng Giêng, Trung ương và Chính phủ đã có những chủ trương cụ thể để đối phó.

Sau đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Thủ tướng Chính phủ liên tục có những chỉ đạo. Ngay từ rất sớm chúng ta đã lập ra Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng ban. Đó lại là dịp trùng với Tết Nguyên đán nên rất nhiều người không để ý chứ thực chất chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã rất khẩn trương.

Phát huy tinh thần đó cho nên, chúng ta mới có những thắng lợi bước đầu trước dịch bệnh.

Đất nước bước vào giai đoạn quan trọng của cuộc chiến chống dịch (ảnh Nam Nguyễn)

"Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội. Thời gian qua, toàn dân ta đã đồng lòng, cùng chung sức với Đảng, Nhà nước ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh bước đầu có hiệu quả. Thời gian tới đây, chúng ta có thể sẽ còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn gấp nhiều lần, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa, kiên quyết hơn nữa".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

+ Chủ tịch nước, Tổng Bí thư đã ra Lời kêu gọi toàn dân, toàn quân đoàn kết chống dịch. Lời kêu gọi có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc?

- Sau Thông báo của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho thấy tính chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu trước đất nước, nhân dân. Thể hiện những quyết sách kịp thời, quyết liệt của người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta.

Thời kỳ đất nước chống giặc ngoại xâm, Bác Hồ có hai lời kêu gọi nổi tiếng là Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 và Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước ngày 17/7/1966. Lời kêu gọi của Người có ý nghĩa và tác động rất lớn, để tập hợp lực lượng, đoàn kết dân tộc, chỉ ra những đường hướng, giải pháp để thực hiện mục tiêu giành độc lập dân tộc.

Trong cuộc đấu tranh chống dịch, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng có ý nghĩa và tầm chiến lược như vậy! Để tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc!

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thể hiện sự chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu trước đất nước, nhân dân - Ảnh 4.

PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc- Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) (ảnh Minh Khánh)

Nhưng ở thời kỳ này, chúng ta có khó khăn, phức tạp hơn vì kẻ thù của chúng ta là virus, là kẻ thù mà chúng ta không nhìn thấy được và cực kỳ nguy hiểm. Nó phá hủy toàn cầu chứ không chỉ riêng đất nước nào. Những nước siêu cường cũng bị virus này tấn công và chịu tổn thất nặng nề. Như vậy, chúng ta không thể chủ quan, coi thường trong trận chiến này!

Sau Bác Hồ, chúng ta cũng có Lời kêu gọi của Trung ương Đảng, khi xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc và Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký Lệnh Tổng động viên. Đây là lần đầu tiên chúng ta có lời kêu gọi của người đứng đầu Đảng, Nhà nước.

+ Điều đó có thể cho thấy Đảng đã coi nhiệm vụ chống dịch là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng và nên chăng, mỗi người dân phải ý thức về tình huống khẩn cấp của đất nước không, thưa ông?

- Đúng vậy, đây là vấn đề quan trọng, rằng đất nước đang đối mặt với nhiều thử thách, chống dịch là vấn đề khẩn cấp, vấn đề chiến lược, sống còn của người dân. Và Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn coi tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết.

Chúng ta chống giặc, xây dựng đất nước Việt Nam chủ nghĩa xã hội cũng là vì sự sống còn của đất nước, cuộc sống của dân. Bây giờ, chống dịch bệnh cũng là vì nhân dân.

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thể hiện sự chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu trước đất nước, nhân dân - Ảnh 5.

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của các cán bộ y tế Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất, Hà Nội tại khu cách ly tập trung Trường Đại học FPT (ảnh: thegioitiepthi.vn)

Mỗi công dân hãy ý thức về trách nhiệm của mình

Nhìn vào những quyết sách để ứng phó với dịch bệnh của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chúng ta thấy nổi bật là sự phối hợp của các địa phương với quân đội trong cách ly rất tốt, bài bản. Việc cách ly, ngăn chặn nguồn lây rất thành công.

Hiện nay, theo Chỉ thị của Thủ tướng, từ 0 giờ ngày 1/4 cách ly toàn xã hội, nếu thực hiện được thì tôi tin chúng ta sẽ thành công.

Điều kiện cần: sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, lực lượng quân đội, công an, y tế… đó đã thể hiện trách nhiệm trước đất nước, nhân dân rất cao rồi. Các giải pháp cũng đã có hiệu quả. Bây giờ, điều kiện đủ để cuộc chiến đi đến thành công, chính là trách nhiệm mỗi công dân.

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thể hiện sự chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu trước đất nước, nhân dân - Ảnh 6.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (ảnh Minh Khánh)

+ Vậy, theo ông, mỗi người dân phải làm gì để đáp lại Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, để thể hiện tình yêu đất nước, nghĩa vụ công dân của mình?

- Mỗi người dân phải ý thức được, toàn dân, toàn quân phải ý thức được rằng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không phải lời tổng động viên bình thường. Phải thấy tầm quan trọng của cuộc chiến đấu rất khó khăn, phức tạp này.

Từng cán bộ Đảng viên, từng tổ chức phải vào cuộc, Tổng Bí thư kêu gọi toàn hệ thống chính trị, toàn dân vào cuộc. Và quả thật, quân đội, công an, y tế đã vào cuộc. Chúng ta đã ghi nhận những vất vả, hy sinh của đội ngũ ở tuyến đầu chống dịch. Họ chấp nhận bị phơi nhiễm, chấp nhận không trở về nhà sau mỗi ngày tan làm để chặn đứng dịch bệnh, vì cuộc sống bình yên của người dân.

Trách nhiệm công dân đòi hỏi mỗi người phải hợp tác và thể hiện: bảo vệ mình cũng chính là bảo vệ cộng đồng.

Hưởng ứng thiết thực lời kêu gọi, mỗi người phải thể hiện bằng hành động cụ thể. Giống như ngày xưa chúng ta đánh giặc, mỗi người dân là một chiến sĩ, đánh giặc bằng bất cứ thứ gì chúng ta có trong tay, thì hiện nay cộng đồng, người dân cũng đã đóng góp vật chất ủng việc chống dịch rồi. Bây giờ, chỉ cần ở nhà thôi cũng là yêu nước, cũng là góp phần chống dịch. Khai báo y tế trung thực, chủ động cách ly khi tiếp xúc với đối tượng nghi nhiễm dịch bệnh... Ít tiếp xúc, không tụ tập đông người, đó là những điều chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Nếu mọi người, từng người, từng nhà, từng tổ dân phố, từng làng xã đều đề cao trách nhiệm công dân thì tôi tin, chúng ta sẽ vượt qua được cuộc chiến này!

+ Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc!

Hồng Hà (thực hiện)