• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Lợi thế" so với Mỹ, châu Âu có được thể hiện trong Kế hoạch 5 năm tiếp theo của Trung Quốc?

Thế giới 26/10/2020 16:45

(Tổ Quốc) - CNN đăng tải, hôm thứ Hai (26/10), các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu phiên họp kín tại Bắc Kinh nhằm đề ra chương trình nghị sự chính trị và kinh tế cho 5 năm tiếp theo.

Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ cùng với các thành viên của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (UBTW) vạch ra Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 – bộ khung chính sách trọng yếu sẽ được chính phủ Trung Quốc triển khai từ năm 2021 tới 2025.

Trong một động thái được đánh giá là bất thường, Ủy ban cũng sẽ thiết lập một "tầm nhìn" cho năm 2035. Đây là một kế hoạch dài hạn cho thời điểm được ông Tập coi là hạn cuối để Trung Quốc "về cơ bản đạt được hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội".

Phiên họp dự kiến kéo dài trong 4 ngày và hầu như sẽ không có thông tin gì được tiết lộ cho tới khi nó chính thức kết thúc vào thứ Năm (29/10).

Sự kiện diễn ra vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden đang gấp rút triển khai những nỗ lực cuối cùng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và đã trở thành một chủ đề "thống trị" cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

"Lợi thế" so với Mỹ, châu Âu có được thể hiện trong Kế hoạch 5 năm tiếp theo của Trung Quốc? - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Lý Khắc Cường trong một sự kiện ngày 30/9/2020 (ảnh: AFP)

Theo học giả cấp cao của Viện Lowy, Sydney là Richard McGregor, bất kỳ ai giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc bầu cử Mỹ cũng sẽ phải đối mặt "với một nhiệm vụ khổng lồ là khôi phục nền kinh tế" vào năm 2021. Trong khi đó, tại Bắc Kinh, công cuộc tái thiết nền kinh tế đã bắt đầu được tiến hành.

"So sánh với Mỹ và châu Âu, Trung Quốc đang có một nền tảng tuyệt vời để xây dựng khung chính sách mới bởi vì họ đã kiểm soát được COVID-19. Điều này đem tới cho họ lợi thế to lớn", ông McGregor chỉ ra.

Phiên họp toàn thể thứ 5 của UBTW Đảng Cộng sản Trung Quốc được coi là cơ hội để thảo luận về kế hoạch 5 năm tiếp theo của đất nước. Tuy nhiên, phiên họp năm nay được tổ chức trong bầu không khí bất ổn chung của toàn cầu với nhiều quốc gia đang đứng trước loạt thách thức về cả kinh tế và xã hội.

Ngày 13/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2021 xuống còn 5,2% bất chấp những kỳ vọng về sự phục hồi hậu dịch bệnh. Kể từ đó, Mỹ và châu Âu liên tục chứng kiến những ổ dịch mới bùng phát, khiến các chính phủ phải tái áp dụng những quy định hạn chế ở nhiều quy mô khác nhau.

Trong khi đó, Trung Quốc được cho là đã gần như kiểm soát thành công dịch bệnh nhờ vào các biện pháp phong tỏa quyết liệt và xét nghiệm rộng rãi. Phần lớn cuộc sống của người dân đã quay trở lại với nhịp độ bình thường. Mới đây nhất, ngày 18/10, chính phủ Trung Quốc công bố, nền kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng là 4,9% trong khoảng thời gian từ tháng Bảy đến tháng Chín.

Theo ông McGregor, Kế hoạch 5 năm tiếp theo của Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ tập trung đẩy mạnh hơn nữa lời kêu gọi "tự lực" của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào Mỹ và các nước khác.

Trong một chuyến thăm tới Quảng Đông hồi tháng Mười, ông Tập lưu ý, Trung Quốc "phải đặt phát triển đất nước và quốc gia dựa trên nền tảng sức mạnh của mình, giữ vững tự tôn dân tộc, lòng tự tin và kiên định với con đường đã chọn".

Còn Bloomberg đánh giá, kế hoạch lần thứ 14 được kỳ vọng xoay quanh cải tiến công nghệ, tự lực kinh tế và một môi trường trong sạch hơn. Nếu nền kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng của những năm gần đây, nó sẽ vượt qua Mỹ trong thập kỷ tới.

"Tự lực có nghĩa là phát triển một số năng lực nội địa nhất định thông qua đầu tư vào Nghiên cứu và Phát triển (R&D), cải tiến – một phản ứng cần thiết và khôn khéo trước những bất ổn bên ngoài. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ từ bỏ chính sách 'mở cửa' của mình", Chủ tịch quỹ đầu tư Primavera Capital Ltd. Fred Hu nhận định.

Giới chức Trung Quốc từng khẳng định nền kinh tế sẽ tiếp tục mở cửa cho vốn và cạnh tranh nước ngoài. Trong một bài phát biểu tại Thâm Quyến, ông Tập đã bày tỏ quyết tâm thúc đẩy đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cố tình làm thông điệp trở nên "mềm mại" hơn khi nhấn mạnh, ông muốn "một hệ thống kinh tế mở mới".

"Việc nhấn mạnh vào khuyến khích sản xuất nội địa không phải là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang đóng cửa với thế giới. Chúng tôi hy vọng kế hoạch [5 năm mới] sẽ khuyến khích thương mại hai chiều và thúc đẩy thương mại dịch vụ", một báo cáo do Chang Shu và David Qu của Bloomberg thực hiện, chỉ ra.

Theo ông McGregor của Viện Lowy, Chủ tịch Tập Cận Bình và UBTW Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tìm kiếm một kế hoạch "cụ thể" giúp giới hạn ảnh hưởng của Mỹ tới nền kinh tế Trung Quốc cũng như hạn chế những tổn hại mà Washington có thể gây ra.

"Điều có cần thời gian bởi vì Trung Quốc vẫn tụt hậu trong một vài lĩnh vực công nghệ nhưng họ đang hướng tới vị trí dẫn đầu trong những lĩnh vực như: 5G, trí thông minh nhân tạo cũng như đuổi kịp một số các lĩnh vực như: công nghệ bán dẫn...", ông McGregor nói.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ