Lớp học "đổi đời" của trẻ em “Việt kiều” miền Tây

(Tổ Quốc) - Ở lớp học cách biên giới Việt Nam – Campuchia không xa, những chiến sĩ ngoài làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ quốc còn dùng nhiệt huyết của mình để thắp sáng ước mơ cho những đứa trẻ sinh ra nơi xứ người.

Trong bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu với độc giả về xóm "Việt kiều" Vĩnh Hưng (tỉnh Long An), nơi những người con gốc Việt ở Campuchia trở về đất mẹ sau mấy chục năm lang bạt. Không có một mảnh giấy tuỳ thân, họ sống lênh đênh như con nước và lo sợ xã hội không thừa nhận. Những đứa trẻ sinh ra ở Biển hồ cũng cùng chung cảnh ngộ với cha mẹ.

Lớp học chữ đồn biên phòng Tuyên Bình và mơ ước ngày cuối năm của trẻ em “Việt kiều” miền Tây - Ảnh 1.

Trẻ em con "Việt kiều" Biển hồ tại lớp học phổ cập tiểu học Đồn Biên phòng Tuyên Bình.

Không giấy tờ, bán vé số cả ngày, đi học kiểu gì?

Đó là câu hỏi cứ dấy lên trong đầu chúng tôi khi chứng kiến cuộc sống bấp bênh của những đứa trẻ "Việt kiều" Biển hồ.

Mỗi ngày theo như chia sẻ của hai anh em Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Văn Bình, 5 giờ sáng các bé phải thức dậy. 5h30 ra bến xe và bắt đầu hành trình kiếm ăn bên kia biên giới bằng những tờ vé số và đến chiều tối cùng ngày mới về.

Trẻ từ Biển hồ Campuchia trở về có con đường học tập lắm gian nan.

Bận mưu sinh là một chuyện nhưng vì không có giấy tờ tuỳ thân, cha mẹ các em giả sử có mặn mà cho con đi học cũng không biết cách nào đăng ký vào các trường chính quy.

Nghèo và "vô thừa nhận" là cái cớ để người lớn bỏ bê việc học con trẻ.

Đau đáu nỗi lo về tương lai trẻ em con kiều bào Campuchia cũng đóng sập như đời ông bà, cha mẹ các em, lớp học tình thương do các chiến sĩ đồn biên phòng Tuyên Bình (huyện Vĩnh Hưng) được mở ra.

Lớp học chữ đồn biên phòng Tuyên Bình và mơ ước ngày cuối năm của trẻ em “Việt kiều” miền Tây - Ảnh 3.

Đồn Biên phòng Tuyên Bình (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An).

Đại úy Nguyễn Minh Lợi, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tuyên Bìnhcho biết, lớp học bắt đầu mở từ 2012 xuất phát từ tình hình bà con di cư từ Cam về chưa có quốc tịch Việt Nam khiến việc đăng ký học cho con cái gặp khó khăn.

"Nhiều bé chưa có giấy tờ nhân thân nên cần kết hợp với chính quyền địa phương báo cáo số lượng các em cần đi học.

Ban đầu chúng tôi mượn một lớp ở trường tiểu học Tuyên Bình, học sinh của trường học xong các buổi chính mới đến các cháu. Sau này, chúng tôi vận động các mạnh thường quân xây được 2 phòng học ở gần đồn và xin 30 bộ bàn ghế"– đại uý Lợi nói.

Lớp học chữ Đồn Biên phòng Tuyên Bình bắt đầu từ năm 2012.

Các thầy giáo đồn Tuyên Bình là những chiến sĩ được tuyển chọn ở đơn vị. Không được đào tạo sư phạm bài bản, họ đến với lớp học bằng tiêu chí chính là nhiệt huyết và một chút năng khiếu dạy trẻ.

Bằng tinh thần của người lính, 3 đồng chí hạ sĩ quan, binh sĩ trong đồn "cân hết" sách giáo khoa lớp 1 đến lớp 5 ròng rã 6 ngày trong tuần.

Lớp học vùng biên thắp sáng ước mơ đổi đời

18h30, tiếng ê a từ lớp học phổ cập giáo dục tiểu học Tuyên Bình vang lên giữa không gian vắng lặng vùng biên.

Trong căn phòng nhỏ, binh nhất Mạc Văn Nhân (23 tuổi, ngụ huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) đang đọc bài học đánh vần để các bé khối lớp 1 tập làm quen. Mới 3 tháng dạy kể từ khi được phân về đồn biên phòng làm nhiệm vụ nhưng Nhân đã xem các bé như người thân trong gia đình.

Tối nào, các thầy trò vùng biên cũng cùng nhau tiếp nối ước mơ con chữ.

"Hiện tại có 3 khối lớp đang học là lớp 1, lớp 2 và lớp 5. Lớp 1 gồm 29 em, trong khi 2 lớp còn lại là 24 bé. Mình dạy các em rành đọc, viết và tính toán cơ bản là chính vì nhiều em còn bận đi bán vé số phụ mẹ ban ngày.

Mình nghĩ việc trau dồi kỹ năng sư phạm là một phần, phải yêu mến các em thì mới có thể toàn tâm toàn ý dạy các em"– Nhân chia sẻ.

Binh nhất Lê Công Hậu (22 tuổi) đã có 4 tháng nhận lãnh trách nhiệm "gõ đầu trẻ" nhưng kỷ niệm với các học trò Việt kiều Campuchia thì nhiều không đếm xuể.

"Các bé ở đây đủ hoàn cảnh. Có đứa bán vé số, đứa ở nhà phụ giúp cha mẹ trông em lo nhà cửa, đứa thì đi làm mướn.

Mình thấy rất thương các bé, nên vui nhất là khi lễ lộc hoặc có đoàn từ thiện ghé thăm là các em được phát quà bánh, những thứ bình thường cha mẹ hiếm khi mua cho"– chiến sĩ này tâm sự.

Lớp học chữ đồn biên phòng Tuyên Bình và mơ ước ngày cuối năm của trẻ em “Việt kiều” miền Tây - Ảnh 6.

Với nhiều em, cuộc mưu sinh phụ giúp gia đình vẫn cứ diễn ra đằng sau lớp học chữ.

11 tuổi nhưng cô bé Võ Khánh Linh vẫn còn ôm quyển sách giáo khoa lớp 1. Nhai ngấu nghiến mẩu bánh vừa được các bạn chia, em nói gia đình mình sống bằng nghề bán lục bình khô.

Hằng ngày mẹ em đi tìm lục bình ở các mé sông, nhiệm vụ phơi khô sẽ là của Linh. Nhưng với mùa cạn như thế này, cuộc sống của họ đang chịu một thử thách nặng nề từ đất trời.

Các chiến sĩ đồn Tuyên Bình cho biết, đầu năm học này lớp có 52 em.

Tuy nhiên do điều kiện hoàn cảnh khó khăn, nhiều em đã nghỉ học để mưu sinh nên lớp giờ chỉ còn hơn 40 cô cậu học trò. Các thầy đang cố gắng vận động phụ huynh cho con em đi học lại.

Lớp học chữ đồn biên phòng Tuyên Bình và mơ ước ngày cuối năm của trẻ em “Việt kiều” miền Tây - Ảnh 7.

Tết năm nay, nhiều em được trao xe đạp mới.

Không có các kỳ thi như hệ chính quy, vào cuối năm học Đồn Biên phòng phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Vĩnh Hưng tổ chức thi lên lớp cho các em.

Lao vào cuộc đời nhiều hơn vào lớp học, sẽ có những em phải tiếp tục phổ cập lại từ đầu vào năm sau.

Hỏi về trăn trở cho các em hiện tại, Trung tá Hoàng Văn Dũng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tuyên Bình cho biết hiện tại nhiều bé phải đi bộ hoặc đi xe đạp một mình đến lớp học.

Lớp học chữ đồn biên phòng Tuyên Bình và mơ ước ngày cuối năm của trẻ em “Việt kiều” miền Tây - Ảnh 8.

Xa xa trên những cánh đồng xanh thẳm, sự khó khăn, khổ cực vẫn chầu chực với người Việt từ Biển hồ trở về.

Nhưng con đường dài kéo dài mấy cây số lại không có đèn, tiềm ẩn nhiều khó khăn, nguy hiểm cho các em.

Chính vì thế, lãnh đạo Đồn Biên phòng đang tìm cách vận động các nhà hảo tâm đến khảo sát để mang hệ thống điện thắp sáng con đường đến lớp, thắp lên hi vọng tương lai cho con em kiều bào di cư từ Campuchia trở về.

"Hiện tại vẫn chưa đủ kinh phí. Chúng tôi định thực hiện ngay trước Tết Canh Tý nhưng không kịp"– Đại uý Lợi thông tin.

Lớp học chữ đồn biên phòng Tuyên Bình và mơ ước ngày cuối năm của trẻ em “Việt kiều” miền Tây - Ảnh 1.

Lớp học Đồn Biên phòng Tuyên Bình tuy thiếu thốn vật chất nhưng ấm áp tình người.

Chia tay lớp học tuy thiếu thốn vật chất nhưng ấm áp tình người, tai chúng tôi như còn văng vẳng tiếng nói ngây thơ của các em khi nói về ước mơ của mình.

Con muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người nghèo; Con muốn làm cầu thủ đá bóng; Con muốn làm bộ đội, để dạy học không lấy tiền như các thầy ở đây…

Hoàng Lê

Tin mới