• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Luật Điện ảnh đang bộc lộ bất cập

Văn hoá 02/12/2016 06:39

(Tổ Quốc) - Sau 10 năm có hiệu lực, Luật Điện ảnh đã cho thấy nhiều vấn đề chưa đi sát thực tế phát triển của ngành. Nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được ghi nhận.

Sáng 1/12, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật Điện ảnh (khu vực phía Bắc).

Theo báo cáo của Cục Điện ảnh, sau 10 năm, hệ thống văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật điện ảnh về cơ bản phù hợp với các cam kết quốc tế, các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan đã tương đối hoàn chỉnh đảm bảo công tác quản lý, điểu chỉnh được hầu hết các hoạt động điện ảnh. Một số nội dung trong chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh đã bước đầu được thực hiện.

Tính đến tháng 11/2016, cả nước đã có 450 doanh nghiệp tư nhân có chức năng, được phép sản xuất phim, trong đó có khoảng 15 doanh nghiệp đầu tư thường xuyên, tích cực vào sản xuất phim điện ânh, tạo ra 50-60 % tổng sản lượng điện ảnh trong nước. Việt Nam đã có 145 rạp, cụm rạp với tổng số 520 phòng chiếu; có 270 đội chiếu phim lưu động, trung bình hàng năm phục vụ khoảng 50.000 buổi chiếu với hơn 11 triệu lượt người xem.

Việt Nam cũng đã tổ chức thành công 4 Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội; tham gia 148 Liên hoan phim quốc tế; tổ chức 48 chương trình giới thiệu phim Việt ra nước ngoài. Đặc biệt, từ năm 2007-2016, đã có hơn 100 dự án làm phim hợp tác, cung cấp dịch vụ và phim có yếu tố nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho rằng: “Điện ảnh là loại hình nghệ thuật duy nhất có Luật riêng. Qua 10 năm từ khi có luật chuyên ngành, điện ảnh Việt Nam đã có nhiều bước tiến bộ. Thu hút, khuyến khích được sự tham gia của các tổ chức, cá nhân từ mọi thành phần kinh tế vào các lĩnh vực của điện ảnh; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thông qua chương trình mục tiêu phát triển điện ảnh; có Chính sách tài trợ cho việc phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nông thôn, thiếu nhi, lực lượng vũ trang nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại. Bên cạnh đó, các quy định về thành lập cơ sở sản xuất phim, phát hành và phổ biến phim, việc tổ chức, tham gia Liên hoan phim, hội chợ phim đã đưa Điện ảnh Việt Nam từng bước phát triển và hòa nhập vào dòng chảy điện ảnh quốc tế.

Thứ trưởng cho rằng, trong bối cảnh mới hiện nay, nhất là khoa học công nghệ và công nghiệp văn hóa ở nhiều nước trên thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ, thị hiếu và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng ngày càng cao, Luật Điện ảnh đã bộc lộ một số bất cập cần được điều chỉnh phù hợp, phát huy được vai trò, ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội.

Cần đồng bộ chính sách cho đội chiếu phim lưu động

Theo thống kế của Cục Điện ảnh, cả nước có 270 đội chiếu phim lưu động. Hàng năm, khoảng hơn 46 nghìn buổi chiếu phim được tổ chức, phục vụ trên 10 triệu lượt khán giả.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, theo Luật Điện ảnh, chính sách cho đội chiếu phim lưu động trên cả nước chưa được đồng bộ.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Ninh cho biết: “Điều 34, mục 2 của Luật, ngân sách nhà nước đảm bảo 100% chi phí với các buổi chiếu phim lưu động ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, phục vụ lực lượng vũ trang nhân dân; đảm bảo 50%-80% chi phi ở vùng nông thôn cho các đội chiếu phim lưu động. Đây là điều khó đối với các địa phương như Bắc Ninh, vì không có miền núi, không có vùng sâu, vùng dân tộc… nên khi đi chiếu ở nông thôn, chỉ được đảm bảo 50-80%, số còn thiếu không biết lấy kinh phí ở đâu để bù”.

Nhiều đại biểu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh

Đồng quan điểm, ông Trần Tân Phong, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Sơn La đề nghị: “Cần thiết phải bổ sung trong Luật về chính sách cho người phổ biến phim, đặc biệt là ở nông thôn miền núi. Việc xếp ngạch bậc cho cán bộ kỹ thuật của Trung tâm phát hành phim khó khăn”.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Nam Định cũng chung quan điểm. Theo bà Tâm, Nam Định là một trong số ít tỉnh không được cấp kinh phí chiếu phim lưu động, nên địa phương phải lấy kinh phí từ chiếu phim tại rạp sang chiếu phim lưu động. Bà Tâm cho rằng, cần nghiên cứu ban hành cơ chế giải pháp đồng bộ với các địa phương ở hình thức chiếu phim này.

Cụ thể hóa các điều kiện

Theo nhiều đại biểu, còn những bất cập trong Luật Điện ảnh đang trói buộc thực tế phát triển của ngành. Ví dụ, quy định của Luật là phải có rạp chiếu mới được nhập khẩu và phát hành phim. Trên thực tế, hiện nay, có hình thức phát hành phim trên internet, bên cạnh đó, việc quy định có rạp chiếu sẽ hạn chế việc nhập khẩu và phát hành phim.

Ông Nguyễn Danh Dương- Giám đốc Trung tâm chiếu phim quốc gia cho rằng: “Điều 30 của Luật quy định về xuất khẩu phim, nhập khẩu phim còn nhiều bất cập. Mục 2 của Điều 30 quy định doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim để tham gia phổ biến phim”.

Cần cơ chế đồng bộ cho các đội chiếu phim lưu động

Ông Dương cho rằng: “Cần rộng mở hơn trong quy định này, đơn vị, cá nhân nào có điều kiện thì cho họ làm xuất nhập khẩu và phát hành, bỏ điều kiện phải có rạp, các nước cũng không yêu cầu như vậy. Có như vậy mới tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác có thể tham gia nhập khẩu phim”.

Bên cạnh đó, quy định về việc dành quỹ đất để xây dựng rạp còn chung chung, không đưa ra đâu sẽ là đơn vị chủ quản. Tại mục 6 điều 5 của Luật Điện ảnh, quy định: “Trong quy hoạch phát triển đô thị phải dành quỹ đất để xây dựng rạp chiếu phim”.

“Với các tỉnh, thành có quy hoạch rồi thì phải có người đầu tư. Quy định này còn chung chung, nhà nước đầu tư hay tư nhân đầu tư? Đầu tư rồi quản lý như thế nào? Thực tế, hệ thống phát hành phim thiếu sự quản lý hệ thống từ trên xuống. Nhưng tại các tỉnh đều không có. Vì vậy, phải bổ sung, sửa đổi để quy định rõ ràng hơn về đơn vị chủ quản vấn đề này”- ông Dương cho biết.

Đồng quan điểm này, ông Trần Tân Phong cho biết, trong quy hoạch đô thị, Sơn La cũng có dành quỹ đất xây rạp chiếu phim như quy định của Luật, nhưng không có đơn vị đầu tư thực hiện, hơn một năm sau, đất bị thu hồi. Hiện cả tỉnh chưa có rạp chiếu phim. Rõ ràng, điều luật này là bất hợp lý, phải được sửa đổi cụ thể, rõ ràng hơn.

Ông Nguyễn Danh Dương nhận định: “Số rạp phim nước ngoài chiếm trên 60% phòng chiếu phim trên cả nước. Với đà này, 5- 10 năm nữa, tất cả cụm rạp của Việt Nam chắc chỉ còn 10  - 15%. Phổ biến phim là đầu ra của điện ảnh, là yếu tố quyết định thành công của nền điện ảnh. Vì vậy, phải quan tâm sửa đổi điều luật này cho thật sát thực tế”.

Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điên ảnh. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung một số nội dung giải thích từ ngữ, các quy định về chính sách phát triển điện ảnh; bổ sung quy định về nguồn và cơ quan quản lý Quỹ hỗ trợ điện ảnh, về cơ chế ưu đãi đối với hoạt động điện ảnh để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó cũng cần sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất phim; quy định về phổ biến phim trên Internet, khai thác phim từ vệ tinh; sửa đổi quy định về sản xuất phim đặt hàng.... Sau khi lấy ý kiến các nhà làm phim, nhà quản lý, các địa phương tại miền Bắc, Hội nghị sẽ được tổ chức lấy ý kiến tại khu vực phía Nam, tiến tới đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh./.

Bài, ảnh: Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ