Lý do nhiều người Do Thái sở hữu những đế chế thời trang, khách sạn khổng lồ: Tin tưởng vào 'năng lực chi tiêu bất diệt' của phụ nữ!

Ứng Minh | 16-07-2020 - 10:39 AM

(Tổ Quốc) - Nhiều người Do Thái thành công với lĩnh vực khách sạn và thời trang bởi họ nghĩ: Thế giới xoay quanh đàn ông nhưng đàn ông lại xoay quanh phụ nữ, bán hàng cho phụ nữ chắc chắn có lời.

Đối với người Do Thái tiền không phân biệt cao thấp sang hèn, không có thiện ác, nếu bắt buộc phải phân biệt thì đó chính là sự thiện ác của người sử dụng. Chính tư tưởng sùng bái tiền bạc một cách mãnh liệt khiến họ kiếm được rất nhiều tiền và cũng khiến người khác vô cùng ngưỡng mộ. Suốt hàng nghìn năm lịch sử, họ đã tìm ra vô số bí quyết giúp xây dựng nguồn lực tài chính rất hữu hiệu và làm nên những tên tuổi lớn.

Táo bạo đầu tư vì tin tưởng mãnh liệt vào năng lực chi tiêu của phái đẹp

Doanh nhân Do Thái phân tích rất kỹ về nguồn gốc các phương thức kinh doanh mang lại lợi nhuận cao trên thế giới. Cuối cùng họ kết luận: kinh doanh những sản phẩm dịch vụ phục vụ cho phụ nữ là có lợi nhất.

Theo họ, thế giới xoay quanh đàn ông nhưng đàn ông lại xoay quanh phụ nữ. Các doanh nhân Do Thái nhận thấy đàn ông là người kiếm tiền song không dễ khiến đàn ông chi tiêu. Còn phụ nữ thì trái lại, là người giữ tiền nhưng rất dễ "mềm lòng" trước các lựa chọn tiêu dùng. 

Thói quen tiêu dùng của phụ nữ thường xoay vần trong các ngành hàng mỹ phẩm, quần áo, trang sức, sức khỏe. Trong cách nghĩ của người Do Thái, bản tính phụ nữ là yêu thích cái đẹp, họ có thể không ngần ngại mệt nhọc đi dạo phố cả ngày chỉ để mua sắm một món đồ vừa ý, bất kể giá đắt đến đâu.

Isidor Straus là một doanh nhân Mỹ gốc Do Thái sống vào cuối thế kỷ XIX. Ông là một trong những người sáng lập chuỗi cửa hàng Macy lừng lẫy ở Bắc Mỹ. Trong thời niên thiếu, ông làm thuê cho các hãng buôn ở New York. Straus nhận thấy một hiện tượng thú vị: khách mua hàng phần lớn là phụ nữ, rất ít khi người ta thấy đàn ông bước vào cửa hàng, hoặc nếu có cũng sẽ đi với phụ nữ. Quyền quản lý tài chính thường nằm trong tay nữ giới. 

Straus đắn đo rất lâu, cuối cùng quyết định dồn hết số vốn và vay mượn thêm để mở một cửa hàng nhỏ chuyên kinh doanh mỹ phẩm, thời trang và túi xách cho phụ nữ. Thương vụ dần có lợi nhuận và Straus không ngừng mở rộng quy mô công ty, kinh doanh thêm các trang sức đắt giá từ đá quý cho nữ giới. Thương hiệu Macy dần trở nên nổi tiếng ở khắp Mỹ và các nước châu Âu.

Lý do nhiều người Do Thái sở hữu những đế chế thời trang, khách sạn khổng lồ: Tin tưởng vào năng lực chi tiêu bất diệt của phụ nữ! - Ảnh 1.

Suốt hàng nghìn năm lịch sử, người Do Thái đã tìm ra vô số bí quyết giúp xây dựng nguồn lực tài chính rất hữu hiệu

Bậc thầy đầu cơ và nghe ngóng thị trường

Bên cạnh đó, doanh nhân Do Thái rất coi trọng tin tức thị trường. Với họ, nắm được thông tin chính xác là điều kiện hết sức quan trọng để dẫn đến thành công. 

Từ thời Trung cổ, thương nhân Do Thái thường bỏ ra những khoản tiền lớn để mua tin tức từ các nhà buôn, thợ thủ công hay những chính trị gia khác nhau. Đến thời kỳ hiện đại, cũng khó có dân tộc nào bì kịp với doanh nhân Do Thái trong khoản "săn tin tức thị trường".

Bernard Baruch là thương nhân Mỹ gốc Do Thái. Ông đến New York vào năm 1895 và làm việc ở vị trí broker cho công ty chứng khoán A.A Housman & Company. Năm 1898, nhờ theo dõi sát sao tin tức thị trường, ông nhận thấy nguồn cung mía đường ở Hawaii đang rất dồi dào, trong khi tại các bang phía Đông của nước Mỹ thì bị thiếu hụt đường trầm trọng. 

Bấy giờ, luật chống độc quyền và đầu cơ chưa chặt chẽ. Ông tiến hành đầu cơ nông nghiệp, chi 20.000 USD (tương đương 500.000 USD theo thời giá 2016) để mua sạch các kho đường ở Hawaii và chở chúng đến Bắc Mỹ. Chuyến hàng cập cảng và phân phối thuận lợi, đem lại lợi nhuận gấp mấy chục lần cho Baruch.

Một trong những ví dụ kinh điển khác là câu chuyện của Levi Strauss. Levi Strauss sinh năm 1850 trong một gia đình Do Thái ở Đức. Năm 20 tuổi, ông cùng một số người bạn vượt biển đến San Francisco ở Mỹ, hòa mình vào cơn sốt đào vàng đang rộ lên bấy giờ. 

Levi Strauss nhìn thấy cơ hội làm giàu từ những mặt hàng bán lẻ bình thường như kem đánh răng, xà phòng, diêm, khăn mặt, bánh kẹo… Levi dùng số tiền ít ỏi của mình mở một tiệm tạp hóa giữa vùng khai thác vàng. Những người bạn cùng tới Mỹ với ông đều phản đối dữ dội, họ cho rằng việc này không kiếm được nhiều tiền. Nhưng trên thực tế, công việc kinh doanh của Levi Strauss ngày càng phát đạt.

Một ngày nọ, ông nghe lỏm được cuộc đối thoại của các công nhân đào vàng, họ nói nếu dùng vải bố để may quần thì chắc chắn sẽ rất bền. Levi chú ý thấy khi đó mọi người đều mặc quần vải cotton, rất nhanh rách. Một khách hàng của Levi là Jacob Davis cũng gửi thư phàn nàn với ông về điều đó. 

Vì thế, ông tìm vài người công nhân, cùng nhau may một số quần từ vải bố. Không ngờ, mặt hàng này lại rất được ưa chuộng. Thấy vậy ông liền liên tiếp may những chiếc quần tương tự và không ngừng cải tiến nó. Quần jean xanh ra đời. Về sau, thanh thiếu niên ở Mỹ dần trở nên yêu thích loại quần này và họ coi nó là biểu tượng thời trang.

Những người đi đào vàng cùng Levi Strauss không ai giàu lên nhờ tìm được vàng, chỉ có Levi nắm bắt được cơ hội, không chạy theo số đông và dần bước lên đỉnh vinh quang khi thành lập đoàn Levi Strauss & Co lừng lẫy.

Lý do nhiều người Do Thái sở hữu những đế chế thời trang, khách sạn khổng lồ: Tin tưởng vào năng lực chi tiêu bất diệt của phụ nữ! - Ảnh 2.

Conrad Nicholson Hilton đứng trước khách sạn thứ 54 của ông

Cha đẻ hệ thống khách sạn Hilton và bài học xoay vòng vốn

Dòng vốn là dòng máu của mọi doanh nghiệp. Người Do Thái không bao giờ để đồng tiền nhàn rỗi mà luôn kiếm cách để luân chuyển dòng tiền.

Conrad Nicholson Hilton là một người Mỹ gốc Do Thái sống vào giai đoạn giao thời thế kỷ XIX và XX. Từ thưở thiếu thời, ông đã phụ công việc kinh doanh của bố trong cửa hàng bách hóa ở New Mexico. Ông tiết kiệm được gần 50.000 USD vào năm 1919. 

Lúc bấy giờ, ở Texas đang có cơn sốt dầu và một số ngân hàng lâm vào tình trạng phá sản. Ông nảy sinh ý định mua cổ phần một ngân hàng để kinh doanh. Nhưng ông nghĩ lại và nhận thấy mình không đủ kiến thức chuyên môn để điều hành hoạt động ngân hàng, đặc biệt trong cơn khó khăn bấy giờ. Thế là Hilton chuyển mục tiêu sang kinh doanh khách sạn. 

Ngân hàng ông tính mua lại đang rao bán một mảnh đất to với khối biệt thự đủ công năng hoán cải thành khách sạn 40 phòng. Đấy là khách sạn đầu tiên của Hilton: Mobley Hotel ở Cisco, bang Texas (Mỹ).

Khác với nhiều doanh nhân cùng trang lứa, Hilton không muốn sử dụng lợi nhuận để chi dùng các công việc ngoài kinh doanh. 

Bấy giờ khách sạn Mobley Hotel đã đem lại cho Conrad N. Hilton 100.000 USD sau 6 năm kinh doanh. Ông nghĩ đến việc mở rộng ngành kinh doanh của mình. Ông nhắm đến khu vực Dallas, nơi có địa điểm đẹp và thu hút nhiều khách lưu trú. Đáng chú ý, giá trị mảnh đất ông quan tâm lên đến 300.000 USD. 

Hilton không đủ tiền mặt để mua toàn bộ tài sản này. Ông bèn tìm gặp chủ khu đất và giám đốc ngân hàng đề nghị được thuê lại khu đất để xây khách sạn với thời hạn thuê là 100 năm, thanh toán theo định kỳ mỗi năm là 30.000 USD tiền thuê. Rõ ràng đấy là đề nghị quá tốt so với tình hình kinh tế ảm đạm trong khu vực bấy giờ.

Sau đó, Hilton mang quyền thuê đất đi thế chấp ngân hàng khác và vay được gần 200 nghìn USD. Tổng cộng Hilton đã có gần 400.000 USD. Ông đầu tư xây khách sạn thứ nhì của mình: Dallas Hilton.

Khi công việc kinh doanh ngày càng phát đạt, ông dành 20 năm dùng toàn bộ số lợi nhuận đầu tư mở rộng chuỗi khách sạn ra khắp Texas và nước Mỹ, lần lượt ra mắt những cái tên Waco Hilton (1928), El Paso Hilton (1930), Albuquerque... 

Đến năm 1939, công ty khách sạn Hilton & Co của ông trở thành một trong những chuỗi khách sạn lớn nhất nước Mỹ. Khi Hilton qua đời năm 1979, ông đã sở hữu 188 khách sạn trên toàn thế giới.

Các bí quyết xây dựng nguồn lực tài chính của người Do Thái rõ ràng đã được ứng dụng nhuần nhuyễn bởi các doanh nhân thành đạt.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM