Mặc cho nhà đầu tư hoảng sợ, các quỹ phòng hộ vẫn ra sức "ôm" cổ phiếu vì sợ "lỡ tàu"

Lục Lam | 06-08-2020 - 19:02 PM

(Tổ Quốc) - Đà tăng không ngừng nghỉ của thị trường chứng khoán Mỹ đang thúc đẩy những động thái "mạnh bạo" hơn từ các quỹ phòng hộ, trong bối cảnh khách hàng của họ đang ngày càng lo lắng.

Theo các dữ liệu được Morgan Stanley biên soạn, các chuyên gia quản lý tài sản hồi tháng trước từng đặt cược cổ phiếu tăng và giảm đã đẩy vị thế mua vào đối với các cổ phiếu cao hơn vị thế bán, với tỷ lệ là gần 1,9/1. Đây là mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ qua. Trong thời gian này, S&P 500 đã tăng 5,5% và ghi nhận tháng 7 khởi sắc nhất kể từ năm 2010 và tiếp tục đà tăng trong 3 phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8.

Trong khi đó, cuộc khảo sát của công ty này đối với các nhà đầu tư quỹ phòng hộ cho thấy khoảng ¾ người được hỏi dự đoán S&P 500 sẽ kết thúc năm 2020 ở mức thấp hơn 3.300 điểm. Chỉ số này đóng cửa phiên 7/8 với 3.327,77 điểm, tương đương P/E hàng năm là 26 lần.

Hiện tại, nhà đầu tư đang đưa ra những lựa chọn vị thế khác biệt, khi thị trường hồi phục đã đẩy các mức định giá lên cao nhất trong 2 thập kỷ, bất chấp tác động của đại dịch. Các nhà đầu tư trong cuộc khảo sát của Morgan Stanley chỉ ra rằng tất cả các yếu tố từ cuộc khủng hoảng y tế đến nền kinh tế yếu kém, và cuộc bầu cử tháng 11 chính là những rủi ro hàng đầu đối với thị trường, thì những người được trả tiền để "cưỡi sóng" (các quỹ đầu tư) lại đang sợ "lỡ tàu".

Mặc cho nhà đầu tư hoảng sợ, các quỹ phòng hộ vẫn ra sức ôm cổ phiếu vì sợ lỡ tàu - Ảnh 1.

Tỷ lệ long/short theo khu vực.

Hiện tại, quan điểm trái ngược vẫn chưa khiến khách hàng "bỏ chạy". Trên thực tế, lãi suất đầu tư với các quỹ phòng hộ mua-bán cổ phiếu đã tăng lên mức cao nhất trong ít nhất 2 năm, số liệu của Morgan Stanley cho thấy. Công ty này cho biết hồi tuần trước: "Nhà đầu tư cảm thấy rằng các quỹ phòng hộ đã có hiệu suất tốt trong quý II, dù đã bỏ lỡ một phần đà tăng mạnh của thị trường. Khoảng 90% nhà đầu tư nhận thấy diễn biến của các quỹ phòng hộ phù hợp hoặc tốt hơn dự đoán."

Theo dữ liệu từ Hedge Funds Research, lợi nhuận của các quỹ phòng hộ chỉ tập trung đầu tư cổ phiếu tăng 13% từ tháng 4 đến tháng 6. Dù vẫn kém so với mức tăng 20% của S&P 500, nhưng đây là diễn biến hàng quý tốt nhất của ngành này kể từ năm 1999.

Thật vậy, các nhà quản lý cân bằng vị thế mua-bán thường chọn các cổ phiếu riêng lẻ, thay vì đặt cược vào cả thị trường. Lập trường đặt cược tăng giá được đưa ra gần đây được thúc đẩy một phần của hoạt động mua bù vị thế bán khống (short covering) - một hành động giảm thiểu rủi ro đặt cược giá xuống của các bên bán khống.

Mặc cho nhà đầu tư hoảng sợ, các quỹ phòng hộ vẫn ra sức ôm cổ phiếu vì sợ lỡ tàu - Ảnh 2.

Đến cuối tháng 7, các nhà quản lý quỹ được Morgan Stanley theo dõi vẫn có xu hướng ưa thích các công ty có tiềm năng tăng trưởng như công nghệ - nhóm cổ phiếu được cho là hưởng lợi trong thời điểm các quốc gia phong tỏa do dịch bệnh. Đồng thời, họ tiếp tục tránh cổ phiếu ngành hàng không và đầu tư mạnh cho các hãng bán lẻ.

Đối với Adam Bliz, CIO tại Evanston Capital Management, sự hấp dẫn của việc đầu tư với các quỹ phòng hộ này đến từ khả năng lựa chọn cổ phiếu phù hợp của họ, đặc biệt là khi đầu tư thụ động tạo ra sự chênh lệch về giá trị.

Ông cho hay: "Cơ hội đối với chiến lược đầu tư ‘L/S equity’ hiện tại là rất tuyệt vời, bởi đã có nhiều sự thay đổi trong các lĩnh vực nhất định như công nghệ, chăm sóc sức khỏe và bất ổn, những thắc mắc về khả năng chống chọi trong các lĩnh vực khác như bất động sản, giải trí, cửa hàng vật lý. Ngay cả khi thị trường giảm điểm, bạn vẫn có thể chứng kiến một số ‘kẻ thắng lớn’ xuất hiện."

Tham khảo Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM