• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Màn mặc cả lịch sử và cơn bạo bệnh ở "hiệp thứ 14" của vị HLV "dị" nhất Việt Nam

Thể thao 30/04/2020 07:01

(Tổ Quốc) - Ông Lê Thụy Hải đã để lại di sản rất lớn cho nghề HLV ở Việt Nam là lệ mới về tiền lót tay. Nhưng với cá nhân ông, cái tình sau hàng chục năm làm nghề có lẽ vẫn quý giá nhất.

Lời tòa soạn: Đối với những ai thường xuyên theo dõi bóng đá Việt Nam, cái tên Lê Thụy Hải đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Ngoài việc là một trong những HLV nội giàu thành tích bậc nhất V.League, người ta còn nhớ đến ông bởi những phát ngôn đầy cá tính và điều này không ít lần tạo ra tranh cãi trong dư luận.

Nhưng chuyện về những phát ngôn của ông có lẽ cũng được nhắc đến nhiều và chẳng còn mấy xa lạ. Ở loạt bài viết này, chúng tôi xin được đề cập đến một góc nhìn khác về HLV Lê Thụy Hải trong cuộc đời làm nghề, mà theo ông mô tả là "rất phức tạp".

Lắng nghe những chia sẻ của ông, ta càng hiểu được rõ hơn vì sao lại có một Lê Thụy Hải như thế và vì sao một Lê Thụy Hải như thế lại tồn tại và đạt được thành tích ấn tượng đến vậy trong nghiệp HLV. Dẫu cho khi lần đầu tiên cầm quân ở V.League, ông đã chuẩn bị bước sang tuổi lục tuần.

Màn mặc cả lịch sử và cơn bạo bệnh ở hiệp thứ 14 của vị HLV dị nhất Việt Nam - Ảnh 2.

HLV CŨNG ĐƯỢC NHẬN TIỀN LÓT TAY, BƯỚC NGOẶT KHÓ TIN Ở VIỆT NAM

Trong làng bóng đá Việt Nam, việc các cầu thủ được nhận khoản tiền lót tay vài tỷ hay cả chục tỷ đồng mỗi khi có hợp đồng mới từ lâu đã là điều rất đỗi bình thường và quen thuộc. Ngoài việc khẳng định giá trị của cầu thủ, đây cũng được xem là con số thể hiện mức độ "chịu chơi" của một CLB.

Bởi thế so với giới cầu thủ, mức thu nhập của HLV rõ ràng khó sánh được. Tuy nhiên trong suy nghĩ của HLV Lê Thụy Hải, điều này lại chưa thực sự hợp lý. Đơn giản bởi ông cho rằng ở một đội bóng HLV có vai trò vô cùng quan trọng. Nếu HLV mà lương thấp, thu nhập quá ít, rất khó để tiếng nói của họ có thể khiến cầu thủ phải nghe. Thế cho nên mới có chuyện đầu mùa giải 2014, ông Hải đã dám làm cái điều mà trước giờ chưa HLV nào lên tiếng: đòi tiền lót tay cho mình.

"Năm 2013, Bình Dương có 7 cầu thủ ngoại trong đội hình (cả nhập tịch) nhưng cứ ngấp nghé ở nhóm xuống hạng. Thế là tôi được mời về lại, nhưng lúc ấy giải đấu cũng qua được một quãng dài rồi, mình cố vực lên và cuối cùng đội về thứ 8. Nhưng vượt qua được khó khăn đó thì Bình Dương lại cho tôi nghỉ.

Sang V.League 2014, Bình Dương đá 3 trận được có 1 điểm, đứng bét bảng thì họ lại gọi tôi về. Lúc ấy tôi mới bảo với các anh lãnh đạo đội bóng thế này: "Tại sao cầu thủ họ được nhận tiền lót tay mà HLV lại không có? Cầu thủ có mà HLV lại không có thì quyền gì mà nói họ? Bây giờ anh giao đội bóng cho tôi, nói rằng có toàn quyền quyết định nhưng tôi lại chẳng có cái gì để toàn quyền cả". 

HLV cũng giống một cầu thủ chứ có gì đâu, người đi lao động cả. Mà trên thế giới HLV đều có khoản đó chứ".

Màn mặc cả lịch sử và cơn bạo bệnh ở hiệp thứ 14 của vị HLV dị nhất Việt Nam - Ảnh 3.

"Lãnh đạo nghe tôi trình bày thì cũng thấy hợp lý nên họ đồng ý. Tôi đưa ra mức đề nghị 1 tỷ đồng/năm. Nghe thì cũng tạm chứ thực ra so với cầu thủ thì thực ra vẫn thấp hơn nhiều. Hai bên thống nhất và tôi nhận lời.

Tất nhiên, chấp nhận mức chi ra như thế thì lãnh đạo Bình Dương cũng bảo bây giờ đội mới có 1 điểm sau 3 trận thôi nhưng vẫn phải cố gắng để vô địch. Tôi nói họ yên tâm và năm đó thì Bình Dương vô địch thật.

Tôi có suy nghĩ rằng đó là việc hợp lý thôi. Bản thân mình cũng vui vì sau sự vụ ấy thì rất nhiều HLV cũng nhận được khoản tiền lót tay. Dù không cao, không nhiều đâu nhưng nói chung nó cũng giúp anh em HLV được tự hào và nâng cao trách nhiệm, tiếng nói của HLV cao lên. Đó cũng là điều tôi thấy rất vui".

Màn mặc cả lịch sử và cơn bạo bệnh ở hiệp thứ 14 của vị HLV dị nhất Việt Nam - Ảnh 4.

KHÔNG THÍCH BỊ GỌI LÀ "MOURINHO VIỆT NAM"

Một điều đặc biệt khác của HLV Lê Thụy Hải là trong những năm tháng làm nghề, ông thường xuyên được mời về khi các đội bóng đang gặp khó khăn, thi đấu bết bát. Từ Bình Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa hay Ninh Bình, ông Hải đã đi đi về về nhiều lần, đến mức người ta ví von ông như một người "lính cứu hỏa" tại V.League.

Ngoài ra, còn biệt danh khác mà truyền thông, dư luận từng đặt cho HLV Lê Thụy Hải đó là "Mourinho Việt Nam", bắt nguồn từ cách làm việc đầy cá tính, với những phát ngôn không ngại va chạm của ông. Tuy nhiên chia sẻ về điều này, ông Hải bày tỏ mình chẳng bao giờ thích bị so sánh như vậy.

"Để làm được những việc như thế thì phải nhờ sự kết hợp của nhiều thứ, chứ không phải nhờ mỗi tính cách của tôi. Báo chí đôi khi cứ thích viết, thích so sánh, đặt biệt danh này kia cho tôi nhưng mà thực lòng tôi không thích đâu.

Người ta dựng lên, bảo tôi là "Mourinho Việt Nam" chẳng hạn, tôi thấy cũng rất buồn cười. Tôi lớn tuổi hơn ông kia, mà mình đi làm cũng có để ý gì đến mấy ông đó. Mỗi người có một phong cách, một kiểu làm việc riêng".

Màn mặc cả lịch sử và cơn bạo bệnh ở hiệp thứ 14 của vị HLV dị nhất Việt Nam - Ảnh 5.

"Còn thực lòng bây giờ tôi không nghĩ nhiều đến quá khứ đâu. Tất cả mọi thứ qua rồi và ai cũng chỉ có một thời. Và thời của tôi thì có những may mắn riêng. Tôi không giỏi hơn nhiều người đâu nhưng mà tôi may mắn. Cuộc đời tôi có nhiều cái may, chứ bảo giỏi thì tôi cũng không giỏi đâu.

HLV thì trên đe dưới búa, mà người ta đuổi mình thì rất dễ. Liên đoàn lại có cái dở là không hay bênh vực, bảo vệ anh em HLV. Báo chí cũng ít bênh vực. Người ta thích phỏng vấn tôi nhưng người ta lại không thích tôi. Tôi cũng thấy buồn cười. Họ bảo hỏi tôi thì thích vì mình hay nói thẳng, nói thật, nhưng cũng có cái không thích vì mình hay mắng nhà báo lắm. Cũng có cái khổ như thế.

Tôi có tật xấu là ít khen lắm. Phải nói thật lòng như thế. Đó cũng là cái chưa được của mình. Tôi thường khen chung cả tập thế chứ ít khi khen riêng cá nhân nào. Mỗi người một quan điểm làm việc nhưng với tôi thì làm gì cũng phải có tập thể. Đội muốn có kết quả tốt thì phải nhờ hàng phòng ngự chơi ổn, thủ môn giữ được sạch lưới, tiền đạo ghi được bàn.

Những năm tôi làm thì đội không có ai là ngôi sao cả. Ngôi sao là tập thể. Mà tôi cũng hay đùa rằng tôi là ngôi sao sáng nhất. Nói vui thế nhưng mình cũng phải giải thích ngay với các bạn ấy rằng vì tôi là người sắp xếp xem ai đá hay không. Đó cũng chỉ là câu chuyện để cả đội cùng vui cười thôi, nhưng sau đó các em thấy đó là sự thật. Nếu ai kỷ luật kém, không vì tập thể thì buộc phải ở ngoài".

Màn mặc cả lịch sử và cơn bạo bệnh ở hiệp thứ 14 của vị HLV dị nhất Việt Nam - Ảnh 6.

"Còn gọi tôi là "lính cứu hỏa" thì thôi người ta đặt cho thế thì mình cũng phải chịu thôi. Bởi vì đa số các đội khi đang khó khăn thì người ta hay gọi tôi.

Việc trở lại các đội bóng cũ mình từng nghỉ thì nói thế nào cho dễ hiểu mà người ta không ghét mình nhỉ? Tôi suy nghĩ thế này, người ta vẫn bảo phải sống với nhau lâu mới hiểu lòng nhau. Lúc đầu mình mới đến có thể là họ không hiểu mình. Mà tính tôi khi được giao việc thì thích được toàn quyền quyết định, không muốn bị ai chỉ đạo cả. Nhất là về mặt chuyên môn. Còn khi người ta mời lại thì tôi nghĩ chắc họ hiểu tôi hơn rồi, đánh giá được khả năng và cần mình. Lúc như thế rồi thì tại sao mình lại không giúp họ?

Tôi đi đâu cũng một thân một mình và thấy rất ổn. Nghề HLV thì bạn cũng biết rồi đấy, họ có mời thì mình mới đến làm, không thích thì họ cho nghỉ. Giỏi lắm thì người ta đền cho 3 tháng lương. 

Mà đa số lúc nghỉ ít khi tôi lấy 3 tháng lương đó lắm, cũng chả kiện cáo ai bao giờ. Người ta không bằng lòng mình thì mình nghỉ thôi. Tôi nghĩ đơn giản thế. Đó là sự tự trọng cá nhân. Đã không thích nhau thì thôi, sao cứ phải phiền đến nhau làm gì. Tôi đi làm cũng đâu phải vì tiền nữa. Nghĩ cũng hơi dở chứ chả phải hay ho gì đâu, nhưng tính mình là như thế thật".

Màn mặc cả lịch sử và cơn bạo bệnh ở hiệp thứ 14 của vị HLV dị nhất Việt Nam - Ảnh 7.

TÂM SỰ SAU "HIỆP ĐẤU THỨ 14"

Năm 2018, người hâm mộ bóng đá Việt Nam bàng hoàng khi biết tin HLV Lê Thụy Hải không lâu sau khi về nghỉ đã phát hiện mắc bệnh ung thư và phải trải qua quá trình điều trị đầy khó khăn. Như cách nói của chính ông, sau 13 lần hóa trị và 1 ca mổ, giờ ông đang ở "hiệp đấu thứ 14".

"Lúc làm cho Thanh Hóa năm 2016, tự tôi nhận thấy thôi hỏng rồi, không thành công. Năm đó chất lượng đội hình họ cũng không phải quá tốt, tôi đến muộn quá, gần vào giải mới về nên không có nhiều thời gian chuẩn bị. Sau đấy mình thấy thôi có lẽ phải dừng lại thôi vì bắt đầu thấy thực sự mệt mỏi.

Nhưng đến năm 2018, cậu Hữu Thắng có mời tôi vào trong TP.HCM để tuyển quân cho một học viện bóng đá. Tôi đồng ý nhưng nói trước với cậu ấy rằng tôi vào đó là phải để tôi làm việc, chứ không phải mượn danh tôi đâu. Hữu Thắng bảo tất nhiên rồi, chú đi cùng con thì sẽ cùng tuyển chọn, quyết định. Thế là tôi đi và cũng thấy vui. Lâu quá rồi mới lại đi làm mà lại được gặp bọn trẻ con. Vui lắm. Mình đến xem và đưa ra đánh giá để dựa vào đó người ta quyết định.

Nhưng mà sau đấy tôi cảm thấy có gì đó không ổn rồi, phải nghỉ thôi và cũng may là nghỉ rất đúng lúc. Về nhà thấy cơ thể mệt mỏi, sút cân và đi khám thì bác sỹ phát hiện ra mình bị ung thư tụy. Phẫu thuật điều trị qua 2 năm thì giờ thấy cũng ổn rồi".

Màn mặc cả lịch sử và cơn bạo bệnh ở hiệp thứ 14 của vị HLV dị nhất Việt Nam - Ảnh 8.

Giờ đây sau khi đã vượt qua được cơn bạo bệnh, ngẫm lại những gì mình đã trải qua sau khi gắn bó với bóng đá trong suốt quãng đời của mình, HLV Lê Thụy Hải thừa nhận việc phải về nghỉ khiến ông rất buồn, nhưng cũng phần nào hài lòng với những gì mình đã làm được.

"Đáng lẽ tôi cũng nghỉ từ lâu rồi nhưng thực lòng thì vì yêu thích công việc quá. Nói thật nhé, nghỉ hưu buồn lắm. Mình vốn đã quen phải đi làm, giờ giấc công việc, rồi lao vào cuộc ganh đua, đấu trí. Đó là cái thú giúp con người mình luôn luôn sôi động, lúc nào cũng phải vận động, hoạt bát.

Bây giờ về nghỉ rồi nhưng TV không bao giờ bỏ bóng đá. Còn lúc bình thường khác thì đọc vài quyển truyện, nuôi mấy con chim chơi, trồng vài chậu lan. Giờ già rồi, làm nặng cũng chả được, chỉ thanh cảnh thế thôi, rảnh thì đi café với mấy anh bạn già. Con cháu trưởng thành cả rồi, cuộc sống bây giờ cũng không phải đòi hỏi gì. Tôi có lương hưu, những năm tháng đi làm cũng có tích lũy một chút, còn các cháu đi ra đời cũng được nên mình chẳng phải lo gì về kinh tế cả, cuộc sống thảnh thơi. Lúc nào rảnh, còn khỏe thì đi du lịch".

Màn mặc cả lịch sử và cơn bạo bệnh ở hiệp thứ 14 của vị HLV dị nhất Việt Nam - Ảnh 9.

"Tôi cũng rất vui là đến bây giờ nhiều học trò cũ, mình nghỉ rồi nhưng họ vẫn đến thăm. Tôi vẫn nói cuộc đời thì nên thẳng với mọi người. Và đến bây giờ mọi người đối với tôi cũng đều rất quý.

Huỳnh Đức, Việt Thắng, Phước Tứ hay Phạm Minh Đức đều từng là những cầu thủ rất hay, giờ thành HLV rồi thì cũng đều đến chơi và nói "ngày xưa bố như thế bọn con cũng học được nhiều". Nhưng tôi bảo đừng học bố, bố có đi học mấy đâu mà học theo. HLV bây giờ phải có khoa học kỹ thuật, trau dồi ngoại ngữ, lên mạng tìm tòi những cái mới. Chứ ngày xưa chúng tôi huấn luyện thì vất vả lắm, gần như không có chương trình, giáo án để mình làm.

Cuộc đời mình thực lòng mà nói cũng không gì ghê gớm cả, nhưng cũng có những thứ phải công nhận là mình đã làm được. Còn về bóng đá thì giờ vẫn có nhiều nhà báo hỏi tôi. Nhưng thật lòng nhé, có nhiều người tôi không trả lời đâu, bởi chuyện của mình cũng là quá khứ rồi, không muốn nhắc lại làm gì nữa.

Tôi không phải người nói hay, chỉ thật lòng mà nói thôi chứ chả úp mở gì. Lúc trước có không ít nhà báo nói tôi thế này thế kia, có người nói cũng không đúng về tôi nhưng mà thôi mình cũng kệ. Mình cũng chả giận người ta làm gì.

Người ta vẫn nói nhân vô thập toàn, cuộc sống có nhiều ngã rẽ và rẽ đúng thì mình dần tiến lên được. Giờ ai đến chơi với mình vì cái tình, vô tư thì mình quý. Đơn giản thế thôi".

Bài viết nằm trong loạt bài SỬ THI BÓNG ĐÁ VIỆT. Xem thêm tại đây!

Linh Đan (T/H) - Thiết kế: Đỗ Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ