Màn Nhất Dương Chỉ “rởm” bị lật tẩy và "bí mật" gây chấn động của Kỳ nhân Thiếu Lâm Tự

Tiểu Mã | 29-05-2020 - 18:26 PM

(Tổ Quốc) - Võ sư lừng danh Thích Hải Đăng từng bị bóc mẽ một scandal làm giả clip “tuyệt đỉnh công phu” gây chấn động làng võ Trung Hoa.

Với làng võ cổ truyền Trung Quốc ở thế kỷ 20, võ sư Thích Hải Đăng (1902-1989) là nhân vật rất nổi tiếng, một tên tuổi lớn từng được ca ngợi là "Kỳ nhân" của Thiếu Lâm Tự. Thế nhưng, ông cũng từng bị lật tẩy một scandal làm ngỡ ngàng những người yêu mến võ thuật ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Màn Nhất Dương Chỉ “rởm” bị lật tẩy và bí mật gây chấn động của Kỳ nhân Thiếu Lâm Tự - Ảnh 1.

CAO TĂNG TỪNG LUYỆN VÕ ĐỂ TRẢ THÙ CHO NGƯỜI CHA BỊ SÁT HẠI

Theo Baidu, Thích Hải Đăng là một võ sư, khí công sư, thiền sư nổi tiếng bậc nhất của võ thuật cổ truyền Trung Hoa ở thế kỷ 20. Ông sinh năm 1902 trong một gia đình rất nghèo ở huyện Giang Du, tỉnh Tứ Xuyên.

Năm 1906 khi mới lên 4 tuổi, Thích Hải Đăng đã mất mẹ. Cha của ông vốn là một thợ may nghèo khổ. Sự khốn khó về vật chất khiến mấy cha con Thích Hải Đăng phải vật lộn để sinh tồn qua ngày.

Năm lên 6 (1908), Thích Hải Đăng bắt đầu học võ với một người chú của mình. Nhờ sự thông minh và tinh thần siêng năng hơn người, đặc biệt với niềm đam mê võ thuật và văn chương, Thích Hải Đăng đã bước vào một trường tư thục ở Tứ Xuyên với mức điểm xuất sắc.

Vào khoảng năm 1912-1913, cha của Thích Hải Đăng đã bị một kẻ cường hào ở địa phương sát hại. Lúc đó, vì còn là một đứa trẻ nên Thích Hải Đăng không thể trả thù cho cha. Trong lòng ông chỉ tồn tại sự căm phẫn tới tột độ. Thích Hải Đăng tự nhủ mình phải tầm sư học đạo để trở thành một cao thủ, rồi quay trở về trả thù cho cha.

Màn Nhất Dương Chỉ “rởm” bị lật tẩy và bí mật gây chấn động của Kỳ nhân Thiếu Lâm Tự - Ảnh 2.

Võ sư Thích Hải Đăng từng muốn tầm sư học đạo vì mục đích để trả thù cho người cha bị sát hại.

Mãi tới năm 1920 (18 tuổi), Thích Hải Đăng với ý chí báo thù đã đi khắp nơi để tìm kiếm những vị "chân sư" có thể truyền dạy cho ông võ công. Năm đó, ông gặp được một võ sư có tên là Vương Thể Tuyền, HLV đào tạo võ thuật ở Quân đoàn 28 của quân đội Tứ Xuyên. Ông lập tức bái Vương Thể Tuyền làm sư phụ.

Vương Thể Tuyền thực sự là một người có ơn với Thích Hải Đăng. Ông không chỉ dạy võ cho Hải Đăng trong suốt 9 năm (từ 1920-1929) mà đến năm 1929, chính Vương Thể Tuyền đã giới thiệu cho Hải Đăng thọ giáo Châu Trí Hàm (một huyền thoại võ thuật sinh năm 1873, mất năm 1973) ở tỉnh Sơn Đông để theo học hai môn phái trứ danh là Thiếu Lâm và Võ Đang.

Theo Baidu thì võ thuật Thiếu Lâm có sức thu hút kỳ lạ đối với Thích Hải Đăng. Nhờ sự kiên trì và say mê luyện tập, ông trở thành một cao thủ sở hữu nhiều công phu đỉnh cao của bản môn. Thế nhưng, phải đến năm 1937 (35 tuổi), ông mới chính thức là một nhà sư của Thiếu Lâm Tự.

Thích Hải Đăng từng được coi là một "Kỳ nhân" của võ thuật Thiếu Lâm với nhiều công phu đặc dị mà không nhiều người làm được. Năm 1946, Thích Hải Đăng sau khi đã trở thành người truyền dạy võ công Thiếu Lâm đã có lần vào hang động Bồ Đề Đạt Ma ở chùa Thiếu Lâm tại tỉnh Hà Nam rồi tọa thiền tại đây suốt bảy ngày bảy đêm.

Màn Nhất Dương Chỉ “rởm” bị lật tẩy và bí mật gây chấn động của Kỳ nhân Thiếu Lâm Tự - Ảnh 3.

Hòa thượng Thích Hải Đăng từng là cái tên vang dội khắp Trung Quốc.

Ông dần trở thành nhân vật nổi tiếng bậc nhất trong môn phái Thiếu Lâm Tự. Vào thập niên 1980, Thích Hải Đăng là cái tên vang dội khắp Trung Quốc. Ông nổi tiếng đến nỗi, một đài truyền hình của Mỹ cũng phải tới Trung Quốc để làm phóng sự về ông, và đây là điều chưa từng xảy ra trước đó.

Theo Baidu, sự nghiệp võ thuật của Thích Hải Đăng đạt được nhiều thành tựu đỉnh cao, trong đó nổi bật là việc ông trở thành HLV trưởng đào tạo võ thuật cho lực lượng đặc nhiệm của Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Ngoài ra, ông còn nắm cương vị là giám đốc Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc.

Về kỹ năng chiến đấu, truyền thông Trung Quốc không mô tả nhiều về các lần tỉ thí của Thích Hải Đăng. Tuy nhiên, theo Baidu thì vào năm 1985, ông từng sang Mỹ cùng với phái đoàn của mình để quảng bá công phu Thiếu Lâm. Tại đây, ông đã dùng tuyệt kỹ của mình để hạ đo ván một võ sĩ trẻ người Mỹ có tên là Victor, cao tới 1m85 nặng hơn 90, nghĩa là vượt trội rất nhiều so với thể hình nhỏ thó của ông (chỉ cao 1m58).

SCANDAL GÂY CHẤN ĐỘNG BỊ LẬT TẨY

Tờ báo Qulishi năm 2018 và sau đó là tờ báo Sohu năm 2019 từng có một bài viết nói về scandal làm giả "tuyệt đỉnh công phu" Nhất Dương Chỉ của ông từ cách đây nhiều thập kỷ. Tờ Sohu thậm chí còn tỏ ra giận dữ khi đặt tiêu đề "Đại võ sư Thích Hải Đăng, vị cao tăng đã lừa dối người dân cả nước".

Theo đó, từ thập niên 1980, một đoàn làm phim của Trung Quốc đã thực hiện một bộ phim tài liệu về Thích Hải Đăng, rồi ca ngợi rằng ông sở hữu tuyệt kỹ Nhất Dương Chỉ, kỹ năng võ thuật kỳ diệu mà không một ai có thể làm được giống như ông.

Võ sư Thích Hải Đăng thi triển Nhất Dương Chỉ của mình bằng cách ngồi vận khí, sau đó "trồng cây chuối" dựa vào một bức tường, rồi dùng một ngón tay trỏ để chống toàn bộ cơ thể và giữ nguyên tư thế này trong vòng 2 phút.

Màn Nhất Dương Chỉ của võ sư Thích Hải Đăng

Thời điểm đó, giới võ lâm Trung Quốc liên tục ca ngợi "tuyệt kỹ" của Thích Hải Đăng, cho rằng ông là đại cao thủ độc nhất vô nhị ở làng võ nước này. Người ta cũng gọi tuyệt kỹ Nhất Dương Chỉ của ông là tuyệt kỹ "kinh điển".

Thế nhưng, theo tờ Sohu thì mãi tới sau khi Thích Hải Đăng qua đời thì chính người đạo diện thực hiện bộ phim tài liệu này mới thú nhận rằng màn thi triển Nhất Dương Chỉ của ông chỉ là giả, được dàn dựng bằng kỹ xảo bởi chân của ông đã được treo bằng một sợi dây nhưng sợi dây đó đã bị giấu đi. Thực chất, cái gọi là Nhất Dương Chỉ của Thích Hải Đăng vốn dĩ không hề tồn tại.

Tất nhiên, việc màn Nhất Dương Chỉ bị lật tẩy chiêu trò giả mạo đã làm rúng động giới võ lâm Trung Quốc vào thời điểm đó bởi ông từng là một tượng đài trong mắt rất nhiều người.

Màn Nhất Dương Chỉ “rởm” bị lật tẩy và bí mật gây chấn động của Kỳ nhân Thiếu Lâm Tự - Ảnh 5.

Màn Nhất Dương Chỉ này thực chất chỉ là giả.

KHI VIÊN TỊCH, Ở THIẾU LÂM TỰ KHÔNG MỘT AI ĐỂ TANG

Một tờ báo khác là Sina từng có một bài viết với tiêu đề: "Võ sư Thích Hải Đăng qua đời ở tuổi, nhưng tại sao ở Thiếu Lâm Tự lại không một ai để tang?".

Theo bài viết này thì hòa thượng Thích Hải Đăng viên tịch vào ngày 10/1/1987 sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư, hưởng thọ 87 tuổi.

Nhưng sau vụ lật tẩy màn Nhất Dương Chỉ giả mạo nói trên, nhiều người trong giới võ lâm mới bắt đầu "truy lùng" lại nguồn gốc và xuất thân của Thích Hải Đăng.

Điều đáng nói là theo một vị cao tăng ở chùa Thiếu Lâm Tự thì trong sổ sách còn lưu giữ lại thì Thích Hải Đăng hoàn toàn không phải là một người của Thiếu Lâm Tự. Bởi tất cả các nhà sư trong nhiều thế hệ ở Thiếu Lâm Tự đều được ghi chép lại một cách rất chi tiết, nhưng trong phả hệ này hoàn toàn không có tên của Thích Hải Đăng.

Màn Nhất Dương Chỉ “rởm” bị lật tẩy và bí mật gây chấn động của Kỳ nhân Thiếu Lâm Tự - Ảnh 6.

Thích Hải Đăng bị nhiều người cho là không phải là cao tăng thực sự của Thiếu Lâm Tự.

Thậm chí, có một vị cao tăng lớn tuổi còn khẳng định rằng:" Tôi đã đến Thiếu Lâm Tự để trở thành một nhà sư từ năm tôi mười bảy tuổi. Tôi đã không rời ngôi chùa trong suốt 70 năm qua, nên tôi nắm rất rõ mọi thứ ở Thiếu Lâm Tự. Vào năm 1946, Thích Hải Đăng từng ghé qua ngôi chùa nhưng chỉ ở lại một thời gian rất ngắn rồi rời đi".

Theo tờ Sina thì câu hỏi liệu Thích Hải Đăng có phải là một cao tăng thực sự của Thiếu Lâm Tự hay không đã tạo ra một cuộc tranh luận vô cùng sôi nổi. Rất nhiều nhân vật ở làng võ Trung Quốc đã lên tiếng, người thì khẳng định ông là thành viên của Thiếu Lâm Tự, người lại đưa ra quan điểm ngược lại. Thậm chí cho tới nay, đây vẫn là một ấn số chưa có lời giải theo cách thực sự thỏa đáng và thuyết phục.

Màn Nhất Dương Chỉ “rởm” bị lật tẩy và bí mật gây chấn động của Kỳ nhân Thiếu Lâm Tự - Ảnh 7.

Thích Hải Đăng là cái tên tạo ra nhiều tranh cãi trong làng võ Trung Quốc.

(Xem thêm các tin tức võ thuật hấp dẫn tại đây)

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM