• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mâu thuẫn Nhật-Hàn: "lá bài" mới Nga đang tận dụng để khoét sâu rạn nứt Mỹ và đồng minh châu Á?

Thế giới 28/07/2019 14:02

(Tổ Quốc) - Vụ máy bay Nga và Trung Quốc bị cáo buộc xâm phạm không phận Hàn Quốc ẩn chứa nhiều ý nghĩa hơn những gì thể hiện bên ngoài.

Hôm thứ ba (23/7), một vùng đảo trên Thái Bình Dương – được gọi là  Dokdo tại Hàn Quốc và Takeshima tại Nhật Bản, bất ngờ trở thành tiêu điểm của truyền thông quốc tế sau khi một máy bay Nga bị cáo buộc đã vi phạm không phận phía trên khu vực này.

Hàn Quốc cho hay, họ đã nổ súng cảnh cáo máy bay radar và trinh thám A-50 của Nga sau khi giới chức Seoul thông báo chiếc máy bay hai lần đi vào khu vực được quốc gia châu Á coi là Vùng nhận dạng phòng không (KADIZ).

Đáp trả, Moscow kiên quyết phủ nhận và cho rằng, phi cơ quân sự Hàn Quốc đã cố tình ngăn chặn hai máy bay ném bom của Nga đang tham gia tập trận chung với Trung Quốc trên vùng biển quốc tế. Một tướng Nga thậm chí còn chối bỏ việc Hàn Quốc đã nổ súng. 

Screen Shot 2019-07-28 at 10

Vùng đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima (ảnh: Hàn Quốc)

CNN nhận định, vùng đảo Dokdo hay Takeshima có thể chính là một mũi nhọn Moscow cần, để gây rạn nứt cho mối quan hệ an ninh quan trọng nhất của Mỹ tại châu Á, cũng như khiến Washington giảm chú ý tới những khu vực khác trên thế giới nhưng lại có vai trò lớn hơn trong chương trình nghị sự của Nga.

Giống như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có động thái ngăn chặn các máy bay Nga và Trung Quốc. Tokyo cũng chỉ trích máy bay A-50 của Nga đã vi phạm không phận. Tuy nhiên, đó là tất cả những gì tương đồng giữa hai nước.

Theo Tokyo, các hòn đảo thuộc về chủ quyền Nhật Bản; vì vậy, máy bay Nga đã xâm nhập không phận Nhật Bản và máy bay Hàn Quốc không có quyền nổ súng trên lãnh thổ Nhật Bản.

Vụ việc căng thẳng diễn ra trong bối cảnh Washington đang cố gắng đưa Nhật Bản và Hàn Quốc – hai đồng minh châu Á thân cận nhất, trở thành hai đối tác cùng đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á, Thái Bình Dương và xa hơn nữa.

Đây cũng là thời điểm mà Nhật Bản và Hàn Quốc đang vướng vào một loạt các tranh chấp, bao gồm một cuộc xung đột thương mại liên quan tới nguyên vật liệu làm chip lưu trữ cho điện thoại di động và những bất đồng về bồi thường thiệt hại trong quá khứ.

Nhật Bản cho rằng, các hòn đảo thuộc về họ kể từ những năm 1600 khi các tàu Nhật xuất hiện tại đây để săn sư tử biển và khai thác bào ngư. Theo Bộ Ngoại giao Nhật, Washington đã công nhận các hòn đảo thuộc Nhật với Hiệp ước San Francisco 1952.

Trong khi đó, Hàn Quốc tuyên bố chủ quyền của họ đối với các hòn đảo này là từ hàng trăm năm trước Nhật Bản. Viện nghiên cứu Dokdo tại Seoul đưa ra những văn kiện từ thế kỷ 15 đề cập tới việc hòn đảo là một phần của Hàn Quốc. Kể từ những năm 1950, Hàn Quốc bắt đầu đưa quân đội tới đóng quân tại đây.

Screen Shot 2019-07-28 at 10

Máy bay A-50 của Nga được Nhật Bản ghi hình lại vào ngày 23/7 (ảnh: Handout)

Một công cụ cho Nga?

Tokyo và Seoul cho tới giờ vẫn chưa thể giải quyết được tranh chấp Dokdo-Takeshima thông qua bất kỳ diễn đàn pháp lý quốc tế nào. Thực tế này khiến khả năng hai quốc gia châu Á có thể giúp đỡ Washington thực hiện điều gọi là "trật tự dựa trên luật lệ" – nguyên tắc chủ yếu chi phối cách Mỹ tiếp cận các cuộc xung đột trên thế giới, trở nên khá mơ hồ.

Và giới phân tích nhận định, đây là điểm yếu mà Nga có thể tận dụng.

"Dự định của Nga có thể là can ngăn các đồng minh châu Á của Mỹ hợp tác chặt chẽ với Washington tại các phần khác của thế giới nhiều khả năng ảnh hưởng tới lợi ích của Nga", Timothy Heath, một nhà phân tích cấp cao của tổ chức tư vấn chính sách Rand Corp, đánh giá.

Một ví dụ là Triều Tiên. Vụ phóng tên lửa ngày 25/7 của Bình Nhưỡng diễn ra ngay sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton công du tới Hàn Quốc và thảo luận các vấn đề chiến lược song phương.

"Ông Bolton được cho là là bàn bạc chủ yếu về các đồng minh châu Á, trong những nỗ lực giám sát và gây sức ép lên Iran – điều mà Nga phản đối", ông Heath nói.

Xung đột giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có thể khiến các cuộc thảo luận trên trở nên phức tạp hơn, và buộc Mỹ phải dành nhiều thời gian hoà giải giữa hai đồng minh, cũng như chuẩn bị đối phó với các diễn biến tiếp theo.

Dự định của Nga có thể là can ngăn các đồng minh châu Á của Mỹ hợp tác chặt chẽ với Washington tại các phần khác của thế giới nhiều khả năng ảnh hưởng tới lợi ích của Nga.

Timothy Heath

Lợi ích tình báo giá trị?

Theo một chuyên gia khác, vụ việc cũng có thể đã đem về nhiều thông tin tình báo có giá trị cho Nga.

Máy bay A-50 của Nga bay vào không phận tranh chấp được trang bị hệ thống radar và giám sát, có thể phát hiện ra các chi tiết quan trọng liên quan tới khả năng Hàn Quốc triển khai và liên lạc với các lực lượng của mình trong tình huống xung đột bùng nổ.  


"Nhiệm vụ này có thể sẽ cho phép Nga lập ra một bản đồ toàn diện về hệ thống phòng không quốc gia Hàn Quốc", Peter Layton, một cựu phi công Hoàng gia Australia và hiện đang làm việc tại Viện Griffith châu Á, chỉ ra.

Còn Carl Schuster, một cựu đại tá hải quân Mỹ và từng là giám đốc tác chiến tại Trung tâm tình báo chung thuộc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho rằng, khía cạnh chiến lược ý nghĩa nhất của vụ việc ngày 23/7, chính là nó "làm nổi bật lên một cấp độ mới và cao hơn của hợp tác quân sự Nga-Trung".

Tương tự, Artyom Lukin, một học giả tại Đại học Liên bang Viễn Đông, Nga cho rằng, vụ việc được thiết kế để phô bày sức mạnh chia sẻ giữa Moscow và Bắc Kinh, đồng thời "gửi đi một thông điệp tới Tokyo, Seoul và cả Washington". 

Phương Đỗ

NỔI BẬT TRANG CHỦ