• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mẹ vợ Hồng Vân, mẹ chồng Lan Hương giống và khác nhau điểm gì?

Giải trí 02/09/2018 15:29

(Tổ Quốc) -Theo dõi hai bộ phim, từ "Sống chung với mẹ chồng" đến "Gạo nếp gạo tẻ", khán giả có thể thấy rõ sự giống và khác nhau của mẹ vợ Hồng Vân, mẹ chồng Lan Hương.

Điểm giống nhau

Hai bộ phim truyền hình cùng được làm lại từ kịch bản nước ngoài được phát trên sóng VTV, HTV gây sốt với khán giả là “Sống chung với mẹ chồng” và “Gạo nếp gạo tẻ”. Để tạo nên dấu ấn cũng như hiệu ứng của 2 bộ phim không thể không kể đến sự diễn xuất của hai nghệ sĩ Hồng Vân và Lan Hương. Thử nhìn lại những điểm giống và khác nhau của hai nhân vật quan trọng này.

Điểm giống nhau đầu tiên mà khán giả dễ nhận thấy nhất là nghệ sĩ Hồng Vân của Gạo nếp gạo tẻ và nghệ sĩ Lan Hương trong Sống chung với mẹ chồng khi họ đều là tên tuổi gạo cội của sân khấu lẫn điện ảnh. Cả hai đều đã là nghệ sĩ nhân dân. Bởi thế với diễn xuất khó ai có thể hơn, cả hai nghệ sĩ đã nhanh chóng tạo dấu ấn của vai diễn trên màn ảnh.

Bộ phim truyền hình về gia đình đang "gây bão". Ảnh HTV

Bà Mai trong Gạo nếp gạo tẻ và bà Phương của Sống chung với mẹ chồng phần lớn đều là những người phụ nữ luôn chăm lo cho gia đình, chồng con. Các thành viên trong gia đình đều coi việc nhà, việc nội trợ là đơn giản, dễ làm, không có gì nặng nhọc khó khăn nên phó mặc hết cho mẹ làm. Chồng con không hề hiểu cảm xúc cũng như chia sẻ việc nhà cho người mẹ dẫn dến những ức chế, bức xúc, giận hờn của người nội trợ. Chỉ đến khi có một vài “biến cố” (ốm đau, giận dỗi…) xảy ra họ mới thấm thía và hiểu rằng việc nội trợ trong nhà quan trọng như thế nào, nếu thiếu họ thì gia đình sẽ rơi vào cảnh nháo nhác, đảo lộn, rối tinh rối mù.

Sở dĩ bà Mai trong Gạo nếp gạo tẻ ghét cay ghét đắng con gái đầu lý do được cho là đầu tiên và quan trọng nhất để kéo theo các nguyên nhân khác bởi mẹ chồng đã quá hi vọng đây là đứa cháu đích tôn. Nhưng cuối cùng đứa trẻ sinh ra lại là con gái. Còn bà Phương của Sống chung với mẹ chồng cay nghiệt, dồn ép với con dâu vì trước đây bà cũng bị mẹ chồng đối xử với mình tương tự. Như vậy có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến hai bà mẹ trứ danh trên màn ảnh truyền hình có chung cách đối xử vô cùng khó chịu là do hệ quả của việc bị đối xử từ thế hệ trước – mẹ chồng.

Trước đó, năm 2017 bộ phim Sống chung với mẹ chồng cũng từng khiến khán giả chú ý. Ảnh VFC

Một điểm chung nữa là sự chiều chuộng thái quá của hai bà mẹ đã làm hỏng và cướp đi hạnh phúc của những đứa con. Bà Mai vì quá cưng chiều Hân nên dù sống trong gia đình đông con, lắm miệng ăn, không có gì khá giả nhưng không biết làm tí gì việc nhà, không biết chăm con, ích kỷ, chỉ quan tâm đến vật chất cho bản thân, cảm xúc cá nhân. Khi chồng phá sản, Hân không chia sẻ khó khăn với chồng mà tìm đủ mọi cách để giữ sĩ diện và sống như “thời hoàng kim”, thậm chí “cắm sừng” chồng. Đáng tiếc bà Mai luôn bênh vực tính xấu của con gái đến khi nhận ra con rể quá tốt thì cũng là lúc con gái bà đã trượt dài và hạnh phúc gia đình đang như sợi dây mong manh.

Còn bà Phương, cũng vì quá ích kỷ với tình yêu thương dành cho đứa con trai độc nhất của mình mà luôn tạo ra những cái cớ để bắt bẻ con dâu đến mức cuộc sống gia đình ngột ngạt, căng thẳng. Cuối cùng con trai bà li hôn và phải chấp nhận cưới một người khác tệ bạc, “đào mỏ”.     

Dù bà Phương được khắc họa trong một gia đình khá giả khác hẳn bà Mai, nhưng dường như họ lại có điểm chung rất “đàn bà” là thích tiền, dễ nảy sinh lòng tham vật chất, dễ quy mọi chuyện ra tiến, tính toán chi ly những gì liên quan đến tiền.

Điểm khác nhau

Bối cảnh của hai bộ phim xây dựng khác nhau nên dĩ nhiên hai bà mẹ Hồng Vân và Lan Hương có rất nhiều điểm khác nhau. Nếu mẹ chồng Lan Hương chỉ có một cậu con trai thì tâm điểm chú ý, dường như nhất quán trong sự yêu thương, ích kỷ của bà mẹ Lan Hương dành cho con. Vì thế tâm điểm của mâu thuẫn của bà Phương – mẹ chồng là với con dâu.

NSND Hồng Vân trong vai bà Mai ở phim Gạo nếp gạo tẻ

Còn bà Mai, sống trong một gia đình có đến 3 cô con gái, 1 cậu con trai út còn nhỏ vì cố đẻ thêm để có người nối dõi tông đường, rồi bà mẹ chồng hay giả vờ, luôn cạnh khóe, ghen tị với con dâu, một ông chồng tốt tính nhưng cũng không ít lần khó xử để trọn vẹn mối quan hệ giữa một bên là mẹ và vợ. Không những thế bà Mai còn phải chịu cảnh sống chung với một ông em chồng vô dụng, không biết làm gì, không lấy vợ. Bên cạnh đó, những người con rể của bà Mai cũng mỗi người một hoàn cảnh, số phận khác nhau. Ban đầu rể cả - Công lông bông, ăn bám vợ luôn bị bà chê, nhưng rồi khi có tiền bà lại quay ra ngọt ngào. Lúc phát hiện ra cái sự giàu có nhanh chóng của Công chả có gì tốt đẹp khi bám váy một cô gái đỏng đảnh, hiếu thắng thì bà coi thường. Còn rẻ thứ hai - Kiệt, khi giàu sang, có điều kiện giúp đỡ bà thì bao lời hay ý đẹp được bà Mai dành cho Kiệt, nhưng đến khi phá sản nghèo hèn thì Kiệt không còn điểm gì tốt đẹp…  Do đó, với từng nhân vật đều có những xung đột, cũng như thay đổi từ khách quan, chủ quan mang lại nên bà Mai nhiều đất diễn hơn, nhiều sắc thái hơn, và “đời hơn”.

Còn NSND Lan Hương đảm nhiệm vai bà Phương ở phim Sống chung với mẹ chồng 

Nếu Sống chung với mẹ chồng phải gần cuối bà mẹ chồng mới “tỉnh ngộ” nên khiến khán giả cảm thấy sự  khó chịu kéo dài ở các tập phim triền miên thì bà Mai ở Gạo nếp gạo tẻ đan xen cả tính tốt lẫn xấu, cả những căng thẳng bực mình, giận sôi máu… nhưng lại có lúc hài hước, và cảm động đến rơi nước mắt.

Gạo nếp gạo tẻ chưa kết thúc, nên hứa hẹn sẽ còn nhiều điểm để khán giả so sánh với Sống chung với mẹ chồng. Tuy nhiên, dù thế nào thì đây cũng là hai bộ phim truyền hình thu hút sự quan tâm của khán giả và mang lại một làn gió mới cho phim truyền hình.  

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ