• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mở rộng khung giờ làm thêm: Các đại biểu đồng thuận tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ

Giáo dục 30/05/2019 13:58

(Tổ Quốc) - Thảo luận tại tổ về nội dung mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa lên không quá 400 giờ (tăng thêm 100 giờ) trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong buổi họp chiều 29/5 của Quốc hội, các đại biểu đã có những ý kiến.

Về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cho biết, việc mở rộng khung thời gian làm thêm giờ nâng lên thêm 100 giờ, là xuất phát từ thực tiễn, sự thương lượng tập thể giữa chủ lao động và người lao động đều muốn tăng thêm giờ làm thêm để giải quyết công việc thời vụ, và người lao động muốn làm thêm để tăng thu nhập. Tuy nhiên, ông lưu ý, tăng giờ làm thêm cũng cần đánh giá tác động không chỉ năng suất, mà còn sức khỏe người lao động, nếu kéo dài quá liệu người lao động có đáp ứng được yêu cầu không. Vì thế, cần tập trung 1 số ngành nghề và phải có danh mục các ngành nghề đó để lấy thêm ý kiến, để đảm bảo sau này, tính tuân thủ pháp luật, và quản lý được chặt chẽ hơn.

Mở rộng khung giờ làm thêm: Các đại biểu đồng thuận tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ - Ảnh 1.

Các đại biểu thảo luận tại tổ về Bộ Luật Lao động (sửa đổi) (ảnh: Bộ LĐTBXH)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Văn Trà (đoàn Phú Yên) cũng cho rằng, tăng khung giờ làm thêm là cần thiết, vì giải quyết thực tiễn hiện nay. Ông Trà nói rõ, trước đây lao động cơ bản không khác biệt lắm giữa loại hình lao động, đối tượng lao động, nhưng giờ có đặc thù, đặc biệt, giờ nới khung ra nhưng phải có điều kiện cụ thể, ràng buộc cụ thể là người lao động phải đồng ý và tiền lương phải cao hơn, thậm chí là cao hơn đề xuất để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cho biết, ông đồng ý với việc tăng giờ làm thêm lên 400 giờ bởi thực tế hiện nay, người lao động lương rất thấp, nếu không làm thêm để tăng thu nhập sẽ không đủ sống. Mặt khác, qua khảo sát cũng cho thấy, hiện nay, đã có doanh nghiệp mà người lao động phải làm thêm lên đến 500-600 giờ nên tăng giờ làm thêm lên 400 giờ cũng hợp lý.

Ông Ngọ Duy Hiểu đề xuất, "Tôi đề xuất trả lương lũy tiến để tránh việc doanh nghiệp huy động làm thêm quá nhiều, bóc lột sức của người lao động và cũng là để tránh việc doanh nghiệp không tuyển lao động mà lạm dụng việc làm thêm giờ. Chúng ta phải quy định chặt trong Luật để bảo vệ cho đối tượng yếu thế là người lao động". Ông cũng đề xuất mỗi năm doanh nghiệp nên dành ra khoảng 1-2 ngày trong năm để tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho người động. Đồng thời cũng cần nghiên cứu để người lao động có thể làm việc 44h/ tuần thay vì làm việc 48h/ tuần như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) cũng bày tỏ sự nhất trí phương án của Chính phủ quy định về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ: "Theo tôi, quy định này rất rất phù hợp với tình hình thực tế của chúng ta hiện nay, năng suất lao động thấp, thu nhập của người lao cũng thấp, vả lại chúng ta đang thu hút đầu tư nên quy định này là phù hợp".

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) cũng cho rằng, việc mở rộng làm thêm giờ rất cần thiết cho các doanh nghiệp và người lao động. Đối với doanh nghiệp là để đảm bảo đơn hàng trong những giai đoạn nước rút, đối với người lao động là góp phần tăng thu nhập. Ông Xuân cho rằng, "Quy định đảm bảo số giờ làm thêm không quá 200 giờ trong 1 năm và với một số trường hợp đặc biệt không quá 400 giờ/năm như Tờ trình của Chính phủ theo tôi là phù hợp. Mặc dù xu hướng thế giới là giảm giờ làm nhưng còn phụ thuộc vào điều kiện của từng nước, ở nước ta thì cứ tính toán tăng vào thời điểm này, sau này nếu kinh tế khá lên, năng suất lao động tăng thì sẽ điều chỉnh giảm đi".

Phương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ