• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật Phòng chống tham nhũng: Nên hay không?

Thời sự 22/11/2017 05:19

(Tổ Quốc) -Sáng 21/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Điều khoản mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra khu vực ngoài nhà nước đã thu hút sự tranh luận của các ĐBQH.

Tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước không khác gì khu vực công

ĐBQH đoàn Hà Nam Trần Tất Thế đã đồng ý với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra khu vực ngoài nhà nước.

Lý do, theo đại biểu này là tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước đã xuất hiện và phát triển phức tạp, khó kiểm soát, nhất là trong các lĩnh vực như vay vốn đầu tư, đấu thầu, ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp, các khoản chi không chính thức để lại quả bằng các hình thức biếu quà, mời đi du lịch hoặc tạo việc làm cho người thân của các doanh nghiệp, cuối cùng đều tính vào giá thành sản phẩm và người tiêu dùng là người phải gánh chịu.

ĐBQH đoàn Hà Nam Trần Tất Thế. Ảnh: Nam Nguyễn

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra khu vực ngoài nhà nước là phù hợp với thông lệ quốc tế, cụ thể là công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng mà Việt Nam đã ký kết. Trong công ước này đã quy định cụ thể về phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư.

Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh các hành vi tham nhũng sang khu vực ngoài nhà nước với việc quy định 4 tội danh là tham ô, đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ. Do đó, theo ĐBQH này, Luật Phòng, chống tham nhũng cần phải có quy định về vấn đề này cho phù hợp.

Tuy nhiên, theo đại biểu Thế, cần thận trọng, tránh làm phát sinh việc lạm quyền, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức nhà nước khi phát hiện phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước làm ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.

“Đề xuất, cân nhắc cơ chế giám sát việc thực hiện công vụ về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước để tránh lạm quyền, tránh việc thanh tra, kiểm tra tràn lan, không có căn cứ"- Đại biểu Thế đề xuất.

ĐBQH tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Khánh cũng cho biết, thực tiễn đấu tranh các tội phạm tham nhũng cho thấy sự móc nối, liên kết giữa khu vực công và khu vực tư để thực hiện hành vi tham nhũng ngày một phổ biến, trong quá trình phát triển ngày càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực tư trở thành đối tác cung cấp dịch vụ cho các cơ quan, tổ chức, nhà nước như dịch vụ hành chính công  thông qua hợp đồng kinh tế, từ các mối quan hệ này đã phát sinh tham nhũng.

Hành vi tham nhũng ở khu vực tư thường xuất hiện như hành vi hối lộ, đòi hoa hồng, lại quả, gửi quà, quà biếu, bồi dưỡng, cảm ơn, chiêu đãi, tham ô, sử dụng phương tiện tài sản của tập thể vào mục đích cá nhân.

Tràn lan dẫn tới chỉ bắt được cá nhỏ

Trong khi đó, một luồng ý kiến khác, trái ngược lại cũng thu hút mạnh mẽ các ĐBQH cho ý kiến.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Bến Tre cho rằng, các đại biểu khẳng định, phải là một chủ thể đặc biệt cho nên chúng ta không thể ai cũng có thể vào diện tham nhũng được. Cho nên một chủ thể có thể phạm tội đưa hối lộ nhưng không thể gọi là đồng phạm của tội tham nhũng được. Và: tội tham nhũng là tội phạm đặc biệt, có chủ thể đặc biệt

Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng phân tích về tính khả thi khi quy định rộng sẽ không đảm bảo.

 ĐBQH đoàn Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Nam Nguyễn

“Một mặt các đại biểu cho rằng cần phải thu hẹp diện kiểm soát kê khai tài sản nhưng mặt khác lại muốn mở rộng thêm diện kiểm soát tham nhũng thì tôi cho rằng như thế là mâu thuẫn với nhau, chúng ta không đủ khả năng”- ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho biết.

ĐB này cho biết thêm, ông tán thành việc cần phải cấp đường dây kết nối giữa khu vực ngoài nhà nước và khu vực nhà nước. “Nhưng không có nghĩa là chúng ta chỉ sử dụng một con dao duy nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng để cắt sợi dây này mà có những quy định khác nhau. Quan điểm của tôi không tán thành mở rộng vì chúng ta nên bố trí kê khai tài sản từ những người bắt đầu vào ngạch công chức, chúng ta kiểm soát từ lúc đó trở lên”- ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.

ĐBQH Dương Trung Quốc, Đồng Nai, cũng cho rằng, “nếu nói là căn bệnh chúng ta đang muốn có một thang thuốc đặc hiệu nhưng xu thế hiện nay tôi cảm thấy chúng ta đang pha loãng ra, làm mất đi hiệu lực thực sự, tham nhũng chúng ta phải xác định rõ nội hàm của nó, còn xã hội được điều chỉnh bởi rất nhiều luật khác nhau” và “Chúng ta phải thay đổi cơ chế đi cho hợp lý, vì thế nếu chúng ta tràn lan như thế này thì cuối cùng không có, chính con cá to lọt, chúng ta toàn bắt con cá nhỏ”.

Không đồng ý với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật này ra khu vực ngoài nhà nước, giải pháp của ĐB Dương Trung Quốc là phải huy động toàn bộ hệ thống pháp luật, chứ không phải chỉ Luật Phòng, chống tham nhũng.

“Tham nhũng ở các khu vực có quyền lực tác hại rất lớn. Chúng ta phải mở rộng ở trong khu vực nhà nước chứ không phải mở rộng ra ngoài khu vực nhà nước để bảo đảm chống tham nhũng triệt để”- ĐBQH Dương Trung Quốc nói./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ