• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Mời" Saudi mua S-400: Lời bông đùa của TT Putin hé lộ lợi thế bất ngờ cho Nga trước Mỹ tại Trung Đông

Thế giới 17/09/2019 10:15

(Tổ Quốc) - Tổng thống Vladimir Putin đã đề nghị bán cho Arab Saudi hệ thống phòng thủ trên không do Nga chế tạo.

Phát biểu của ông Putin được đưa ra trong một cuộc họp báo hôm thứ hai (16/9) với Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan. Nó đặc biệt gây chú ý sau khi giới chức Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công vào các nhà máy chế xuất dầu mỏ quan trọng của Saudi hồi cuối tuần qua. Trong khi Iran kiên quyết phản đối thì Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa Mỹ đã sẵn sàng đáp trả.

Trang Politico nhận định, đề xuất của nhà lãnh đạo Nga rõ ràng hướng về Washington nhiều hơn là Riyadh. Cả Tổng thống Rouhani và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javd Zarif đều tỏ ra vui vẻ, thậm chí là phá lên cười trước lời nói của ông Putin.

"Chúng tôi đã sẵn sàng giúp Arab Saudi bảo vệ người dân của họ", ông Putin nói. "Và họ cần cần phải có một quyết định thông minh giống như Iran là mua tên lửa S-300 và giống như ngài Erdogan là mua hệ thống phòng không tối tân nhất S-400 của Nga".

"Những hệ thống này có khả năng bảo vệ cho các hạ tầng cơ sở tại Arab Saudi khỏi bất kỳ hành động tấn công nào", Tổng thống Nga khẳng định.

GettyImages-1168692948-714x482

Tổng thống Putin vừa có chuyến công du tới Ankara tham dự thượng đỉnh ba bên với các nhà lãnh đạo Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về Syria (ảnh: getty)

Mỹ từ lâu đã phản đối việc Moscow bán hệ thống S-300 cho Tehran. Trong gần một thế kỷ, ban đầu dưới sức ép từ Mỹ và Israel, sau đó là tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran, Nga đã từ chối hoàn tất thương vụ theo một hợp đồng đã thống nhất từ năm 2007 giữa Moscow và Tehran. Tuy nhiên, năm 2016, sau khi ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), Moscow cuối cùng cũng đã chịu chuyển giao toàn bộ hệ thống S-300 cho Iran.

Tương tự, Washington cũng công kích kịch liệt kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 từ Nga. Một mặt đe dọa sẽ trừng phạt, mặt khác chính quyền Trump tìm cách thuyết phục Ankara chuyển sang mua hệ thống phòng thủ trên không Patriot của Mỹ. Mặc dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên trì thực hiện hợp đồng với Nga. Đáp trả, Washington xóa bỏ Ankara ra khỏi dự án máy bay chiến đấu F-35. Chưa dừng lại, tháng trước, Ủy ban Đối ngoại thượng viện Mỹ đã kêu gọi Nhà Trắng áp dụng thêm trừng phạt đối với Thổ.

Trong khi đó, Arab Saudi là một trong những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Mỹ. Tổng thống Trump từng nhiều lần đề cập tới những hợp đồng tiềm năng lớn với Riyadh. Ông thậm chí còn phủ quyết một nỗ lực của Quốc hội Mỹ nhằm cấm bán vũ khí cho Saudi như một biện pháp trừng phạt liên quan tới vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi bị ám sát.

Cơ hội và lợi ích cho Nga

Sau cuộc gặp với Tổng thống Iran hôm qua, ông Putin nhấn mạnh Moscow sẽ vẫn tiếp tục ủng hộ JCPOA bất chấp quyết định đơn phương rời bỏ của Washington. Hai nhà lãnh đạo Nga và Iran cũng đề cập tới những nỗ lực đẩy mạnh quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Nga hiện là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới sau Mỹ và Arab Saudi. Vì vậy, theo Politico, Nga có thể hưởng lợi từ việc nguồn sản xuất dầu tại Saudi bị ngưng trệ, cũng như giá dầu thế giới tăng cao sau vụ tấn công.

Bên cạnh đó, vụ tấn công và phản ứng của Tổng thống Trump cũng giúp ông Putin làm rõ ảnh hưởng đang sụt giảm của Mỹ tại Trung Đông và sự cô lập của Mỹ trong vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran. EU và các nước châu Âu khác tham gia ký kết JCPOA (Pháp, Đức và Anh) đều tuyên bố duy trì cam kết với thỏa thuận bất chấp việc Mỹ rời bỏ. Giới phê bình cho rằng, ông Trump và quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, chính là nguyên nhân sâu xa khiến căng thẳng bùng nổ, dẫn tới vụ tấn công tại Arab Saudi.

Tại sao Iran chứ không phải là Houthis tấn công?

Hôm thứ bảy (14/9), một loạt các vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở sản xuất dầu mỏ tại Arab Saudi đã gây ra nổ lớn. Lực lượng nổi dậy Houthis tại Yemen đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc, nhưng giới chức Mỹ và Saudi lại chĩa mũi dùi vào Iran – vốn được cho là thế lực thường xuyên ủng hộ Houthis.

Houthis bắt đầu nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào năm 2015 sau khi nhóm này lật đổ chính phủ của Tổng thống Yemen Abed Rabbo Mansour Hadi. Kể từ đó, cuộc nội chiến tại Yemen giữa Houthis và những người ủng hộ ông Hadi đã khiến quốc gia này rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới – theo miêu tả của Liên Hợp Quốc.

Mặc dù được cho là đang tăng cường hỗ trợ cho Houthis, nhưng các chuyên gia về Iran nhận định, nhóm nổi dậy Yemen là lực lượng phụ thuộc ít nhất vào Tehran trong các vấn đề như tài chính, quân sự và đưa ra quyết định.

Kể từ khi cuộc nội chiến Yemen bắt đầu, Houthis từng nhiều lần "trừng phạt" Arab Saudi vì sự ủng hộ của Riyadh dành cho ông Hadi. Năm ngoái, giới chức Saudi thống kê, họ đã đánh chặn hơn 100 tên lửa đạn đạo phóng đi từ lãnh thổ do Houthis kiểm soát.

Tính chất của vụ tấn công ngày 14/9 dẫn tới một số nhận định rằng, nó không xuất phát từ Yemen mà được thực hiện bởi các đồng minh của Iran tại Iraq hoặc thậm chí là chính Iran.

Nếu nhận định trên là đúng, hiện chưa rõ tại sao Houthi lại tuyên bố nhận trách nhiệm. Tờ Washington cho rằng, đó có thể là một phần trong một chiến lược khu vực của Iran và các đồng minh nhằm khuấy động căng thẳng và ngờ vực giữa các phe phái. Tuy nhiên, một số nhà phân tích trong quá khứ từng nhận xét, nếu họ muốn Houthis hành động khá độc lập và không chịu ảnh hưởng nhiều từ Iran.

Phương Đỗ

NỔI BẬT TRANG CHỦ