• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Một số phong tục đón Tết độc đáo của người dân tộc thiểu số

Văn hoá 19/02/2018 08:36

(Tổ Quốc) -Mỗi dịp Tết đến, người dân tộc thiểu số có những phong tục đón Tết rất độc đáo, tạo nên giá trị cũng như sự đa dạng cho văn hóa nước nhà. Cùng tìm hiểu rõ thêm về một số phong tục đón Tết của người dân tộc Thái, Pà Thẻn, Pu Péo… báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Vỹ (Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam).

- Ông có thể cho biết những nét khác biệt và tương đồng về Tết của người dân tộc Kinh và người dân tộc thiểu số?

+ Nói về Tết thì cũng phải khẳng định rằng Tết Nguyên đán thực chất là của dân tộc Kinh và một số dân tộc ở miền Bắc để kết thúc một năm lao động sản xuất và đón một năm mới. Một số dân tộc khác như dân tộc Khơ Me ăn tết cổ truyền (Chol Chnam Thmay) vào khoảng giữa tháng 4 dương lịch, các dân tộc vùng Tây Nguyên thì không ăn Tết mà lại có cả một mùa lễ hội từ khoảng tháng 10, 11 năm trước đến tận tháng 3 năm sau, ngay cả dân tộc Mông trước đây cũng ăn Tết vào cuối tháng 11 âm lịch (hiện nay bà con người Mông một số nơi vẫn ăn Tết vào thời gian này).

Nói chung tục ăn Tết hay lễ hội của các dân tộc đều phù hợp với tập quán lao động sản xuất từng vùng, miền và đều nhằm mục đích nghỉ ngơi, vui chơi và chuẩn bị cho một chu kỳ sản xuất mới.

Còn về phong tục đón Tết thì hầu hết các dân tộc đều dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, làm thịt gia súc, gia cầm, gói bánh, thổi xôi... để thờ cúng tổ tiên, thần linh...và tổ chức ăn uống trong những ngày Tết. Tuy nhiên, do quan niệm nhân sinh quan, vũ trụ quan có khác nhau nên mỗi dân tộc lại có những phong tục rất riêng - cái riêng biệt, độc đáo này tạo nên bản sắc cho từng dân tộc. Sự phong phú và độc đáo trong văn hóa truyền thống các dân tộc được thể hiện đậm nét hơn trong các làn điệu dân ca, dân vũ và các lễ hội.

Một mâm cúng của người dân tộc Thái. Ảnh: Thanh Hòa

- Là một người từng có nhiều thời gian gắn bó với cuộc sống, văn hóa của một số dân tộc thiểu số, ông có thể giới thiệu vài phong tục đón Tết của người dân tộc thiếu số?

+ Có một vài phong tục đón Tết của người dân tộc thiểu số như: Người Pà Thẻn có tục thờ bát nước lã trên bàn thờ tổ tiên. Người Thái gọi hồn vào dịp Tết. Còn người Pu Péo hò nhau "cướp" giọng gà…

Người Pà Thẻn ở Hà Giang, theo tôi được biết thì bát nước lã được để quanh năm trên bàn thờ tổ tiên của gia đình, bên trên bát nước lã này được úp một chiếc đĩa. Họ quan niệm rằng Bát nước đó tượng trưng cho biển, bát nước chứa đựng hồn tổ tiên và các thành viên trong gia đình. Bát nước này không bao giờ được cạn vì nếu để cạn thì gia đình sẽ có người ốm đau, bệnh tật hoặc gặp điều không may và cứ sáu tháng một lần mới được đổ thêm nước.

Người dân tộc Pu Péo. Ảnh: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Bàn thờ tổ tiên này chỉ được cúng chính thức một lần vào đêm 30 Tết. Lúc này gia đình nào cũng cửa đóng, then cài. Tất cả các cửa trong ngôi nhà đều được bà con bịt kín. Sau khi đóng kín mọi ô cửa, chủ nhà mới lấy bát nước trên bàn thờ xuống lau chùi, cọ rửa và thay nước mới.

Chỉ có điều tại sao sinh sống ở vùng núi (Hà Giang và Tuyên Quang) mà họ lại quan niệm bát nước thờ lại tượng trưng cho Biển? Điều này được giải thích bởi nguồn gốc trước đây của người Pà Thẻn - người ta nói rằng, tổ tiên người Pà Thẻn xưa kia ở vùng biển, do chiến tranh liên miên đã đưa người Pà Thẻn đến định cư ở nơi này. Bát nước thờ là để họ luôn nhớ về tổ tiên, nguồn gốc của mình.

Hay người Pu Péo ở Hà Giang có phong tục “cướp giọng gà” đêm 30, rạng sáng mùng một Tết? Người Pu Péo cho rằng gà gáy gọi được mặt trời lên chứng tỏ giọng gáy của gà vừa hay, vừa linh thiêng nên họ muốn chứng tỏ giọng của mình cũng hay, cũng linh thiêng và cũng gọi được mặt trời lên. Vì vậy, khi gà bắt đầu gáy sáng họ dùng các âm thanh khác cùng với tiếng hò, tiếng hát của mình làm át đi tiếng gà và cùng đón bình minh lên. Ai hát to, hát khỏe thì sẽ mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Cũng giống như người Mông, người Pu Péo cũng có phong tục lấy nước vào sáng mùng một Tết, ai dậy sớm lấy được nước về trước thì sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới. Điều này cho thấy, sống ở vùng cao, núi đá, nước là yếu tố rất quan trong đối với đời sống của bà con các dân tộc nơi đây. Biên đạo múa, NSƯT Xuân Ngọc đã có tác phẩm múa “Nước vàng, nước bạc” nói về phong tục này của người Pu Péo và đã được rất nhiều đoàn nghệ thuật dàn dựng.

Về phong tục gọi hồn của người Thái trong dịp Tết vì họ quan niệm rằng trong cuộc sống lao động hàng ngày, linh hồn của con người bị thất lạc nhiều nơi nên phải gọi về. Thầy cúng lấy áo của mỗi người trong nhà buộc một đầu lại với nhau rồi cầm đuốc ra đầu làng gọi hồn cho mọi người, về đến cầu thang gọi lần nữa, sau đó buộc chỉ đen vào cổ tay cho từng người, đặc biệt là chỉ này phải để tự đứt còn nếu dứt đứt thì sẽ không gặp nhiều may mắn...

Người dân tộc Pà Thẻn. Ảnh: Minh Tiến

- Theo ông thì những phong tục của người dân tộc thiểu số kể trên được bắt nguồn từ đâu?

+ Nói chung, văn hóa bắt nguồn từ cuộc sống lao động, vì vậy phong tục, tập quán của các dân tộc ở cùng một vùng địa lý mà chúng ta vẫn gọi là môi trường Địa văn hóa thì đều có nhiều nét tương đồng. Tuy nhiên, do thế giới quan và nhân sinh quan của mỗi dân tộc khác nhau nên đã hình thành những phong tục khác biệt. Sự khác biệt này tạo nên bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc. Tổng hòa của những sự khác biệt này tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam, hay chúng ta có thể ví bản sắc văn hóa Việt Nam như một vườn hoa rực rỡ sắc màu mà trong đó mỗi bông hoa là sắc thái riêng của một dân tộc. Vì vậy, muốn vườn hoa đó luôn tươi đẹp thì chúng ta cần chăm sóc cho từng loài hoa, có nghĩa là việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc là hết sức cần thiết. Chỉ có điều chúng ta làm việc đó thế nào mà thôi.

Người dân tộc Thái. Ảnh: Thanh Hà

- Theo quan sát của ông thì những phong tục đón Tết hay lễ hội của người dân tộc thiểu số hiện nay có bị “mai một” hay thay đổi, điều chỉnh theo thời  gian không?

+ Có một số phong tục của người dân tộc thiểu số trước đây có, nhưng giờ thì không tồn tại vì không phù hợp. Hoặc một số phong tục được phục dựng lại cũng có những thay đổi. Văn hóa có sự tiếp biến nên ngay cả những phong tục hiện nay cũng có một số điều chỉnh cho phù hợp với hiện nay.

- Bảo tồn phong tục văn hóa là câu chuyện dài nhưng không thể không bàn. Vậy theo ông thì chúng ta sẽ bảo tồn như thế nào?

Trong công tác bảo tồn văn hóa, cần xác định rõ bảo tồn cái gì, bảo tồn ra sao và bảo tồn như thế nào để tránh được vấn đề “mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển”, đây là nhiệm vụ của ngành Văn hóa và rất cần sự tham gia của các nhà khoa học trên lĩnh vực này với vai trò quản lý và định hướng xã hội, tránh sự tùy tiện hay “thương mại hóa” công tác này.  

Ông Nguyễn Minh Vỹ chia sẻ về một số phong tục đón Tết của người dân tộc thiểu số

Còn khi chúng ta nói văn hóa là mặt cắt ngang của đời sống xã hội, là một hình thái kinh tế - xã hội đặc thù, thẩm thấu vào mọi chiều cạnh, mọi lĩnh vực xã hội có nghĩa là văn hóa chỉ trở thành động lực cho phát triển khi nó trở thành lòng tự hào, tự tôn dân tộc, thành đạo đức, nhân cách con người... Đây là trách nhiệm của toàn xã hội.

Nói như vậy có nghĩa là làm sao chúng ta bảo tồn được giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đồng thời xây dựng đạo đức, nhân cách con người Việt Nam thành nền tảng tinh thần cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong xu thế tất yếu của giao lưu, hội nhập quốc tế để chúng ta hòa nhập mà không bị “hòa tan”.

- Xin cảm ơn ông!.

Hà Anh (Thực hiện)

  

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ