Một sự thật bất ngờ ở Nhật Bản: Đất nước xem "lừa tình" là một nghề hợp pháp, thậm chí còn trở thành nghệ thuật để "giải thoát hôn nhân"

Vũ Huế | 24-09-2020 - 00:03 AM

(Tổ Quốc) - Người Nhật gọi dịch vụ này bằng thuật ngữ Wakaresaseya, có nghĩa là "kẻ lừa tình".

Tại Nhật, những khách hàng muốn phá hoại tình cảm của cặp đôi nào đó "chỉ" cần chấp nhận bỏ ra 400.000 - 20.000.000 yên (khoảng 88 triệu đến hơn 440 triệu đồng) là được như ý.

Khi "lừa tình" lại là nghề được công nhận

Không có nơi nào trên thế giới, các dịch vụ đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng lại đa dạng và kỳ quái hơn ở Nhật. Tại đây, mọi người có thể thuê đủ thứ, bao gồm cả các mối quan hệ. Với đất nước Mặt trời mọc, việc đóng giả thân nhân, bằng hữu, người yêu... là chuyện hết sức bình thường, thậm chí có phần được công chúng yêu thích.

Đầu những năm 2000, xứ sở hoa anh đào còn xuất hiện một ngành nghề không tưởng nhất: lừa tình. Những người theo nghiệp này được gọi bằng cái tên chung - Wakaresaseya. Họ nhận yêu cầu quyến rũ người khác, sau khi thành công thì âm thầm tìm cách chia tay, không để đối tượng phát hiện mình bị lừa.

Một sự thật bất ngờ ở Nhật Bản: Đất nước xem lừa tình là một nghề hợp pháp, thậm chí còn trở thành nghệ thuật để giải thoát hôn nhân - Ảnh 1.

Tuy nhiên, nghề này thực chất có nguồn gốc từ lâu hơn thế. Những năm sau Thế chiến II (1939 - 1945), Nhật Bản bước vào thời kỳ tái thiết và phát triển đất nước. Do mất mát quá nhiều dân số trong chiến tranh, pháp luật lúc đó vô cùng khắt khe với chuyện ly hôn. Theo quy định, các cặp vợ chồng Nhật Bản không được phép "đường ai nấy đi", trừ khi cả hai cùng đồng ý ký vào đơn ly dị. Chuyện này vắt luôn sang thế kỷ 21, khiến không ít người mệt mỏi.

Nắm bắt thực tế này, nghề lừa tình chào đời. Các Wakaresaseya hứa hẹn sẽ bằng mọi cách quyến rũ đối tượng mà khách hàng chỉ định, khiến họ quay sang mê đắm mình và đồng ý ly hôn.

Một sự thật bất ngờ ở Nhật Bản: Đất nước xem lừa tình là một nghề hợp pháp, thậm chí còn trở thành nghệ thuật để giải thoát hôn nhân - Ảnh 2.

Chỉ sau 5 năm hành nghề, các Wakaresaseya đã chiếm lĩnh được lòng tin của nhiều người. Vào năm 2005, trên toàn nước Nhật có tổng cộng 12 công ty Wakaresaseya. Ngoại trừ các khách hàng muốn thuận lợi ly hôn, họ còn nhận cả những ai muốn thử thách lòng chung thủy của người mình yêu hoặc phá hoại tình cảm của người khác.

Vụ rủi ro nghề nghiệp chấn động toàn cầu

Sau năm 2005, sự phổ biến của Internet đã giúp nghề lừa tình ở Nhật Bản càng mở rộng. Tới năm 2010, số các công ty dịch vụ Wakaresaseya đã nhảy vọt lên 270. Chi phí dịch vụ cũng trở nên siêu đắt đỏ, có thể lên tới 500.000 - 1.600.000 yên/vụ (khoảng 109 - 350 triệu đồng), kèm theo khoản thưởng bằng phân nửa chi phí nữa. Với các đối tượng danh gia vọng tộc hoặc đòi hỏi sự tuyệt mật tuyệt đối, tiền thuê lừa tình lại càng cao.

Các chuyên gia lừa tình người Nhật Bản được thuê với giá tiền tỉ

Sự tiếp nhận của người Nhật với nghề lừa tình rất phức tạp, mang cả đồng thuận lẫn phản đối. Song nhờ lượng khách hàng chỉ có tăng chứ không giảm, các Wakaresaseya thuận lợi hành nghề. Có điều cũng vào năm 2010, một Wakaresaseya đã khiến cả hệ thống lừa đảo tình cảm lao đao. Tên anh ta là Takeshi Kuwabara.

Trong năm 2010, Kuwabara tiếp xúc với một nam khách hàng thuê quyến rũ vợ mình là Rie Isohata, vì muốn ly hôn. Chuyên gia lừa tình bèn vạch kế hoạch tiếp cận đối tượng một cách hết sức hoàn mỹ, nhanh chóng chiếm được tình cảm của đối tượng. Khách hàng của Kuwabara đem các bằng chứng vợ ngoại tình trình lên tòa án, dứt khoát đòi ly dị. Nhưng trong quá trình này, anh sơ ý để lộ chuyện thuê Kuwabara.

Biết bị lừa, Rie nổi giận "đá" Kuwabara, nhất quyết không ly hôn với chồng. Éo le một nỗi là trong thời gian tán tỉnh cô, Kuwabara rơi vào hố sâu tình ái. Anh thật lòng yêu cô và không chịu chia tay. Trong lúc giằng co, Kuwabara ngộ sát Rie.

Một sự thật bất ngờ ở Nhật Bản: Đất nước xem lừa tình là một nghề hợp pháp, thậm chí còn trở thành nghệ thuật để giải thoát hôn nhân - Ảnh 4.

Tiếp tục phát triển và trở thành nghề hợp pháp

Theo nguyên tắc nghề nghiệp lừa tình, Wakaresaseya không được phép để lộ thân phận hoặc phải lòng đối tượng. Sau khi yêu cầu của khách hàng được đáp ứng, họ cần rời người mình quyến rũ một cách êm đẹp, không để người này bị tổn thương.

Vì yêu cầu bí mật, các công ty Wakaresaseya cũng không hoạt động công khai. Họ nằm ngoài danh sách các dịch vụ hợp pháp, âm thầm phục vụ trong bóng tối. Sự vụ của Kuwabara đã lôi nghề ngầm này ra ngoài ánh sáng, đặt dưới sự phán xét của người đời. Dù là về lý hay về tình, Wakaresaseya cũng bị chỉ trích nặng nề. Nghề lừa tình rơi vào cuộc đại khủng hoảng.

Trước tình hình này, nhiều Wakaresaseya tâm huyết với nghề quyết định "cải tổ triệt để". Họ đăng ký dịch vụ với các cơ quan nhà nước, đào tạo nhân viên, biến lừa tình thành một nghề hợp pháp. Trải qua 10 năm, Wakaresaseya hiện tại đã phục sinh. Nó hoạt động trên khắp nước Nhật, được tất cả mọi người biết đến.

Ngày nay, các Wakaresaseya đều phải trải qua huấn luyện nghề nghiệp khắc nghiệt. Họ phải học và thông thạo pháp luật Nhật Bản, đặc biệt là luật hôn nhân - gia đình, nhằm tránh các trường hợp vi phạm quy định. Bên cạnh đó, các chuyên gia lừa tình cũng vẫn phải đảm bảo bí mật danh tính, nghề nghiệp và "an toàn cảm xúc" cho đối tượng bị quyến rũ sau khi chia tay.

Một sự thật bất ngờ ở Nhật Bản: Đất nước xem lừa tình là một nghề hợp pháp, thậm chí còn trở thành nghệ thuật để giải thoát hôn nhân - Ảnh 5.

Nhiều phụ huynh Nhật chấp nhận thuê kẻ quyến rũ để đưa con em về "chính đạo" (ảnh minh họa)

Chỉ cần nhìn vào một vụ lừa tình hợp pháp ở Nhật Bản, bạn sẽ thấy nó y hệt một bộ phim tâm lý phức tạp. Lấy ví dụ vụ của Aya, người phụ nữ bị chồng là Bungo "cắm sừng". Cô thuê nữ Wakaresaseya chuyên nghiệp là Chikahide tìm cách đưa Bungo trở về.

Mặc dù là người trực tiếp nhận ủy thác, Chikahide không ra tay quyến rũ Bungo. Cô sắp xếp cho nam đồng nghiệp là Daisuke tiếp cận anh ta trước. Daisuke vờ vô tình gặp gỡ, làm quen và trở thành bạn thân của Bungo. Đức phu quân ngoại tình tín nhiệm bằng hữu mới, giới thiệu "tiểu tam" là Emi.

Sau khi biết Emi, Daisuke tìm hiểu và đem hết thông tin về cô ta cho nữ đồng nghiệp khác là Fumika - người cũng vờ tiếp cận và trở thành bạn thân của Emi. Đến khi nắm được mẫu đàn ông lý tưởng của Emi, cô tìm một nam đồng nghiệp phù hợp nhất, dàn xếp cho hai người họ gặp nhau. Nam đồng nghiệp này quyến rũ Emi, khiến cô ta "đá" Bungo.

Một sự thật bất ngờ ở Nhật Bản: Đất nước xem lừa tình là một nghề hợp pháp, thậm chí còn trở thành nghệ thuật để giải thoát hôn nhân - Ảnh 6.

Bất ngờ bị "Tuesday" đá một cú đau điếng, Bungo quay đầu về nhà làm người chồng mẫu mực. Nam Wakaresaseya đã thành công lừa tình Emi thì hẹn hò với cô thêm một thời gian, sau đó chia tay. Vì sự đầu tư thời gian và công sức vô cùng lớn này, chi phí lừa tình có thể lên 400.000 - 20.000.000 yên/vụ (khoảng 82 triệu - 4,4 tỷ đồng). 

Ngoài các khách hàng muốn giữ chân người yêu, Wakaresaseya còn khá được lòng các bậc phụ huynh có con cái mới lớn. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra thuê người quyến rũ, giúp những đứa trẻ đang lầm đường lạc lối an toàn trở về.

Hiện tại, Nhật Bản thừa nhận nghề lừa tình, xem nó như một dịch vụ phức tạp nhưng hợp pháp. Dù lừa dối là tội lỗi, nhưng ở góc nhìn của Wakaresaseya thì nó không vô đạo đức chút nào.

Tham khảo: BBC

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM