• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Một thầy thuốc giàu lòng nhân ái, một tâm hồn thi sĩ dễ đồng cảm

25/09/2017 17:00

(Tổ Quốc) - Nguyễn Thanh Tuyên đã góp vào thơ thêm tiếng nói riêng trong dòng chảy đa thanh, đa sắc màu của đội ngũ các nhà trí thức văn nghệ sĩ đông đảo, đáng trân trọng, đáng yêu trên quê hương Hải Phòng.

Trong cái duyên văn chương, dọc dặm dài của lộ trình “tương phùng, tương ngộ”. Có người, chỉ lần gặp trên đời, là nhớ. Là đem lòng yêu mến, vấn vương. Với tôi, Bác sĩ- Thi sĩ Nguyễn Thanh Tuyên là vậy. Với dáng nho sinh, dịu lành mà khiêm nhường, ấm áp, tự buổi nào, anh đã gieo vào tôi cái “giọt nhỏ trong xanh,” nó lung linh, thấm loang và chảy dài trong lặng thầm, lắng tụ.

Vâng. Nguyễn Thanh Tuyên dễ làm người đời yêu lắm. Một tấm lòng, một nhân cách, giàu yêu thương, nhân ái của người thầy thuốc. Một tâm hồn thi sĩ giàu sức tỏa rạng ở cái dễ gần, dễ nhập hòa, đồng cảm.

Có lẽ, mối quan hệ hài hòa, thống nhất giữa “thơ và người thơ” từ Nguyễn Thanh Tuyên đã cho tôi thêm một lần cái nghĩ, về sự ăn khớp, về hai chiều của bề mặt với tầng sâu ở “một thi nhân” trước diện kiến, này chăng?

Giống như người đi tìm mình, nhưng luôn mang theo cái “kênh,” “Cái có trước” trong mình. Nguyễn Thanh Tuyên đến với thơ, với cái “cánh cửa” sẵn mở, sẵn chứa trong khơi nguồn, gạn lọc, trong cái mà dường như anh chỉ đem lòng đón nhận những gì là tươi non, là thi vị, là vang động từ cái Đẹp của “thế giới khách thể” ngoài kia.

Bỏ qua, hay không phải là cái “tạng” của mình, Nguyễn Thanh Tuyên không muốn diện kiến và xới lật những gì là gân guốc, tù mù. Là vỉa hè, xương xảu. Anh đi từ anh. Từ nội lực. Từ sở trường. Từ cái người thơ ấy, hồn thơ ấy.

Nguyễn Thanh Tuyên và thơ, là thế.

Thơ Nguyễn Thanh Tuyên có một không gian riêng. Không gian rộng. Không gian của cảm rung. Không gian của đối thoại. Không gian của phát hiện, ngẫm suy. Không gian của mạch chảy vừa êm ả, mát lành. Vừa mải miết lặng thầm. Vừa chắt chiu, dư vang, se lắng...

Thực tình, tôi chưa được đọc nhiều, đọc đầy đủ những trang viết của Nguyễn Thanh Tuyên. Mấy năm gần đây, từ buổi rời Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, trở về sống, gắn bó và viết trên quê hương đất Cảng.

Trong cơ duyên gặp gỡ muộn mằn, lại thưa thoáng nữa. Từ yêu “người thơ”, tôi thêm yêu “thơ Nguyễn Thanh Tuyên”. Thêm yêu cái nguồn thơ mà chàng thi sĩ này đã thực sự cấy gieo và có được những mùa màng chín thơm từ một tâm hồn đẹp. Một tâm hồn của những vần thơ “tự nó cất lên tiếng hát” chứ không phải cái trụi trần, cứng khô. Cái ma thuật mà không ít ai đó “tự tố lên” những bế tắc, những huyễn hoặc, những hù dọa chính mình. Những buồn vui, muộn sầu ở đẩu đâu, nơi chân trời, góc biển...

Là Bác sĩ. Mặt trận lớn là nghiên cứu, là lâm sàng, giải phẫu: một đối tượng hệ trọng: “Con Người”. Nguyễn Thanh Tuyên còn đem mình va đập, đem mình “nổi loạn” trước một “trận tuyến” nữa: “Trận tuyến Thi ca”. Trận tuyến thật nghiệt ngã, đặc biệt của văn chương. Của công cuộc lao động tìm mình, khám phá mình qua ngôn từ, trang viết.

Ở đây, bằng những cuộc nổi loạn của tư duy, cảm xúc. Của những cơn hoài thai, quặn thắt, đòi hỏi sự thức dậy, sự ra đời một ngữ ngôn, một ảnh hình. Một ý thức, một tư tưởng, tình cảm. Một thái độ riêng rẽ của nhà văn trước cõi Trời, cõi Đất, cõi Người. Cõi “vô biên,” cõi “Xứ xứ ba la mật” (*) ...

Hơn đâu hết, văn chương, một “trận tuyến” đòi hỏi cái tài năng trời phú. Cái thăng hoa, phát sáng. Cái không thể là trò chơi hời hợt, “ngoại tình”. Bởi, trước trang viết, không người cầm bút nào có thể giấu được cái thiếu, cái yếu. “Cái chiếu” mình ngồi. Cái cái ngôi thứ mình diện trình. Cái dễ lộ ra gương mặt, dễ bộc lộ sự nhạt nhèo, non bấy.

Nguyễn Thanh Tuyên làm thơ, viết truyện ngắn, viết Tiểu luận, viết bình phẩm văn chương. Dẫu chưa ghi đậm những dấu ấn thật xuất sắc ở nhiều hướng tiếp cận. Song, cái đáng quý ở Nguyễn Thanh Tuyên là sự biểu hiện của cây bút giàu khả năng công phá. Giàu khả năng tung hoành trên nhiều nẻo đường tìm với nhiều tuyến, nhiều chiều xới lật.

Với những tập thơ đã lần lượt trình làng. Với các giải thưởng thơ đã giành được từ các cuộc thi. Với ba bốn chục năm vừa là Bác sĩ, vừa là Thi nhân, Nguyễn Thanh Tuyên đã cần mẫn cấy gieo trên cánh đồng sáng tạo nghệ thuật. Anh đã tự khẳng định, tự tô đậm, đắp dầy mảng thành công, trội vượt nhất, vào “gia tài” văn chương có được của anh. Đó là Thơ! Đó là, cái đáng nói hơn cả của Nguyễn Thanh Tuyên, của một đời người cầm bút.

Có lẽ, đến với Thơ Thanh Tuyên, là đến với một tâm hồn “thi sĩ”.

Thì, nhãn tiền đấy chứ. Ngay từ thuở còn khoác trên mình áo lính, xông pha giữa đạn bom, chiến trận, “không gian thơ” của Nguyễn Thanh Tuyên vẫn là khoảng lung linh của ngoại giới, qua tái tạo, hiển linh của một hồn thơ dễ da diết, se lòng.

Thi sĩ - Chiến sĩ! Người “lính trận” Nguyễn Thanh Tuyên dù hướng ngoại, dù phải tựa vào “nhãn vọng” rộng dài phía trước. Là mặt trận, là tiếng bom gào, đạn thét. Nhưng, những câu thơ đều hội tụ, quay về cái gốc, cái năng lượng cảm xúc hồn người. Hãy đọc, nỗi nhớ về đồng bào Pa Kô, Vân Kiều, khi ký ức, hoài niệm từ cuộc đời bước vào thơ anh viết:

... Nhớ Atroi, Ađư gùi ta qua dốc đói

Mắt em nhìn lui cơn sốt chiều mưa

Vị mặn ngấm sâu sáng như hạt muối

Gạo nương dụm dành, khắc khoải câu thơ

Rồi:

Thầm mang ơn rễ cây ngọn cỏ

Rịt vết thương cầm máu cho ta

Bom dội thế vẫn nguyên lành nỗi nhớ

Dẫu trở trăn, tim đều nhịp đến giờ ...

Đấy là, nghe “Tiếng vọng” trong mịt mù khói lửa. Còn đây là khi bâng khuâng đứng ngắm bức “Tượng đài”:

Đợi chồng -

Hóa đá chờ chồng

Đợi cha -

Hóa thạch trập trùng non cao

Mẹ giờ bấc lụi, dầu hao

Đợi con -

Trời lựa đỉnh nào Mẹ trông…?

Hoặc, khi đứng trước cơn mưa nào đó ở xứ sở Bà Nà:

Mây sầm sập kín Bà Nà

Mưa giăng khép lại tầm xa núi rừng

Cớ gì trời đất rưng rưng

Để người dưng, nhớ người dưng thế này

Hoặc, khi đứng trước một “sơi tơ” ngọt lành nào đó vương vào nỗi niềm anh sóng sánh:

Vướng vào lưới nhện tơ giăng

Đêm đêm hồn ngập ánh trăng dịu dàng

Hoặc:

Hoa cắm cô đơn khi bình vắng lá

Đến trái đất cũng thèm xanh em ạ

Và:

Mai em về phía sum vầy

Hương vườn quả mọng đơm đầy tiếng chim

Đêm trường ở phía lặng im

Lô xô con chữ mải tìm đến nhau.

Rõ ràng, dù nhìn ở góc cạnh nào, lát cắt nào, thơ Nguyễn Thanh Tuyên vẫn là tiếng dịu lành, đằm thắm. Là vệt loang dễ xao động, ngân nga từ cảm hứng của đáy bể xoáy xiết, là “Hồn.” Một vía hồn thật hệ trọng. Nó thực sự làm sáng dậy thi tứ, thi ảnh và thi liệu. Nó vượt lên lối tự sự, mô tả và tạo dựng bình thường. Nó có sức gợi, sức lay động từ những gì là tĩnh tại quanh mình.

Bác sĩ, nhà thơ Nguyễn Thanh Tuyên trong dịp ra mắt sách "Thơ văn và cảm nhận" (ảnh Vanhaiphong)

Thơ Nguyễn Thanh Tuyên đi từ cái tươi non, bề bộn và sinh động của thế giới khách thể. Tựa vào thế giới khách thể để tìm ra, để mang về một thế giới hồn mình, chứ không tự “gọt mài,” tự “phóng đại,” tự đem hồn mình làm một thế giới đẻ ra từ tưởng tượng. Đây là lối mở đường, lối bước ra từ hiện thực cầm nắm, “hiện thực rờn xanh” ... Cách đi này dễ đem về cho người cầm bút một hành trình dồi dào sức lực và trường khí.

Với Nguyễn Thanh Tuyên. Với mỗi khi tìm đến áng văn chương nào đó, tôi thường tìm cách để nhập hòa, nhận diện. Để biết được gương mặt Thi sĩ ấy là gì? Giọng điệu thơ của họ là gì? Sự quan tâm là gì và thế nào của họ trước cõi lớn nhân sinh? Rồi, thơ họ đi bằng cách nào? Cánh cửa thơ họ mở là gì? Họ có dung nhan riêng hay đấy chỉ là một cái bóng lẫn nhòa trước “quả núi thi ca” nhân loại ...

Và, như thế...

Tôi yêu Nguyễn Thanh Tuyên và thơ anh ở sự dung dị, đượm nồng. Ở bước chuyển tiếp dọc lộ trình thơ, hay trong mỗi bài thơ, mỗi khổ thơ, câu thơ, khi anh “thăng hoa” trong bút pháp. Khi từ trực giác, anh đã thật linh diệu khi quay về “thức giác,” “tri giác”. Từ đối thoại, anh lại khéo tách mình, đứng giấu mình, đứng xa mình, để “cái vô biên độ” ngỡ không còn dính líu đến mình. Và, lúc ấy chỉ có riêng mình với tiếng lòng mình dội vang trong suy tư, độc thoại.

Ví như, trong “Tự ngân,” anh viết:

Ngước lên đèo gió mưa ngàn

Nốt trầm chạm đáy cây đàn một dây

Tan vào gió quyện theo mây

Tự ngân khe khẽ những ngày còn rung…

Hoặc là, trong “Vẫn kịp,” thì:

Vẫn còn trái đắng người ơi

Bày lên mâm quả dâng nơi Tuyền đài

Thiên Tào gạch sổ một mai

Quả xanh kịp chín dành ai muộn mằn…

Quả tình, sự bất hủ của tuyệt tác Truyện Kiều là đó ở “Vàng mười, ở sắc Kim cương” trong thi pháp. Khi đại thi hào Nguyễn Du, trong 3.254 câu Kiều ông viết, chỉ có 220 câu kể việc, 570 câu tả cảnh thiên nhiên. Còn lại, 2.464 câu, chiếm trên ba phần tư số trang trong tác phẩm, cụ Nguyễn giành tối ưu cho nghệ thuật “độc thoại”. Đấy là, sự khơi sâu tâm lý nhân vật, với phát hiện, phát kiến, với triết lý, phẩm bình .v.v...

Ở “Tự ngân” và “Vẫn kịp”. Và, nhiều đoạn, nhiều bài, nhiều câu trong thơ Nguyễn Thanh Tuyên, cũng dễ nhận thấy, khi cái “đèo gió, mưa ngàn”. Cái “mâm quả, Thiên Tào, Tuyền dài, trái đắng…” Đâu phải cái hiện thực bên ngoài còn nguyên si là nó. Mà, “cái bên ngoài” này nó đã được hiện diện do nhu cầu, đã được đẻ ra từ cái sâu thẳm “bên trong”.

Rõ ràng, khi dừng lại, nhấn sâu về phía tâm khảm, tâm linh, thơ Nguyễn Thanh Tuyên có thêm tầng sâu, có thêm mạch ngầm, thêm nỗi trở trăn, khắc khoải.

Trên đôi cánh thi ca, trước hiện thực đời sống và rung cảm tâm hồn. Khi đọc Thanh Tuyên và khi gấp trang sách lại, người đọc bắt gặp không ít những bài thơ, những câu thơ đã đẩy tới, đã neo đậu tới bến bờ của cái Hay, cái Đẹp. Ở đó, có khi là phần trội vượt của hiện thực phong phú, sinh động. Có khi là sức lắng của mạch sâu tâm tưởng. Có khi là, những giây phút “cưới nhau” giữa thơ và nhà thơ dọc nẻo đường “tìm vàng, đãi cát”.

Với thành tựu có được, Nguyễn Thanh Tuyên đã thực sự góp vào Thơ, góp vào tiếng nói riêng trong dòng chảy đa thanh, đa sắc màu của đội ngũ các nhà văn - Một đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ đông đảo, đáng trân trọng, đáng yêu trên quê hương Hải Phòng, đất Cảng.

Kim Chuông

Bác sĩ - Nhà thơ Nguyễn Thanh Tuyên



Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng.

Đã in các tập sách: “Hoa muống biển - Người miệt biển - Tiếng vọng - Nhịp thầm" và “Nguyễn Thanh Tuyên - Thơ văn và Cảm nhận”

Từng được trao các giải thưởng về Thơ và Truyện ngắn của các cơ quan Báo chí Văn học Trung ương và địa phương.

Hiện sống và viết tại thành phố Hải Phòng
.

.

.

NỔI BẬT TRANG CHỦ