• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Muốn đảo chiều cơ hội vũ khí của Iran, Mỹ đối đầu thế trận muôn trùng vây

Thế giới 28/04/2020 09:34

(Tổ Quốc) - Mỹ phải đối mặt với một trận chiến khó khăn và rắc rối nếu nước này muốn thực hiện lời đe dọa kích hoạt lại tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran để buộc Hội đồng Bảo an 15 thành viên gia hạn và tăng cường cấm vận vũ khí đối với Tehran, các nhà ngoại giao cho biết.

Theo một quan chức Mỹ giấu tên, Washington đã chia sẻ chiến lược này của họ với Anh, Pháp và Đức, các thành viên HĐBA và cũng là các bên tham gia thỏa thuận năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới về hạn chế Tehran phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lấy dỡ bỏ trừng phạt.

Theo thỏa thuận năm 2015, lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Iran sẽ hết hạn vào tháng 10 năm nay. Một nghị quyết do Mỹ soạn thảo gia hạn lệnh cấm vận này đã được trao cho Anh, Pháp và Đức, quan chức Mỹ trên xác nhận. Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao LHQ, văn bản này không được chia sẻ với 11 thành viên hội đồng còn lại, bao gồm cả Nga và Trung Quốc.

"Nó sẽ không có tác dụng gì khi đến được bàn thảo luận," một nhà ngoại giao của Hội đồng Bảo an muốn giấu tên, chia sẻ dự đoán của bản thân.

Muốn đảo chiều cơ hội vũ khí của Iran, Mỹ đối đầu thế trận muôn trùng vây - Ảnh 1.

Quan hệ Mỹ - Iran liên tục xuống dốc dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Một nghị quyết cần chín phiếu ủng hộ và không có sự phủ quyết nào của Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh hay Pháp để được thông qua. Các nhà ngoại giao cho biết Hoa Kỳ có thể sẽ nỗ lực để Nga và Trung Quốc cho phép gia hạn cấm vận vũ khí.

Các phái đoàn Nga và Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Nga và Trung Quốc cũng là các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran.

Nếu hội đồng không gia hạn cấm vận vũ khí, bước tiếp theo trong kế hoạch của Mỹ sẽ là thử và kích hoạt lại tất cả các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran, bao gồm cấm vận vũ khí, bằng quy trình được nêu trong thỏa thuận hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm 2018 và mô tả thỏa thuận đạt được trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Barack Obama là "thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước đến nay".

"Rất khó để thể hiện mình là người tuân thủ nghị quyết khi bạn đã quyết định rút ra", một nhà ngoại giao châu Âu, nói với điều kiện giấu tên. "Hoặc là bạn vào hoặc là bạn ra".

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đã bác bỏ kế hoạch của Mỹ trong tweet hôm thứ Hai, nói rằng Washington "hãy ngừng mơ mộng".

Iran đã vượt qua một số giới hạn trọng tâm của thỏa thuận hạt nhân 2015, bao gồm cả về trữ lượng kho uranium đã làm giàu, để đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này và áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran. Dù châu Âu đang cố gắng cứu vãn thỏa thuận này nhưng không đạt được nhiều tiến bộ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ