• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Muôn hình vạn trạng" các lãnh đạo thế giới tuân thủ giãn cách xã hội mùa COVID-19

Thế giới 27/05/2020 18:16

(Tổ Quốc) - Các nhà lãnh đạo là một trong những người tiên phong nhất trong cuộc chiến chống lại đại dịch tại đất nước mình nhưng không phải lúc nào họ cũng tuân thủ chặt chẽ các quy định giãn cách xã hội.

Trang AP đăng tải, từ Tổng thống Mỹ Donald Trump cho tới Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, các nguyên thủ quốc gia đôi lúc trở thành những hình mẫu… thiếu tích cực trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19. Một số phải gánh chịu hình phạt, một số đơn giản là tảng lờ đi bất chấp dịch bệnh đã lây lan khắp toàn cầu với hơn 5,5 triệu người nhiễm và hơn 350.000 người tử vong. Nói một cách công tâm, các nhà lãnh đạo là một trong những người tiên phong nhất trong cuộc chiến chống lại đại dịch tại đất nước họ; và trong một số trường hợp, "thân bất do kỷ" - họ có thể tình cờ quên đi hoặc không thể thực hiện một cách đúng đắn nhất những khuyến cáo phòng dịch cần thiết.

Sau đây là một số trường hợp đáng chú ý.

Bộ trưởng Y tế New Zealand gọi mình là "kẻ ngốc"

Hồi tháng 4, Bộ trưởng Y tế New Zealand đã bị tước bỏ một số trách nhiệm sau khi vi phạm lệnh phong tỏa của đất nước. Ông David Clark đã lái xe gần 20km tới bờ biển chỉ để đi dạo với gia đình trong khi chính phủ kêu gọi người dân hy sinh vì đất nước bằng cách ở nhà.

"Tôi là một kẻ ngốc và tôi hiểu tại sao mọi người nổi giận với tôi", ông Clark giãi bày. Ông còn bị phát hiện trước đó từng lái xe tới một công viên gần nhà và… leo núi.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố, đáng lẽ bà phải sa thải ông Clark, tuy nhiên do hệ thống y tế đất nước đang rất cần nhân lực trong cuộc chiến chống dịch bệnh, ông này chỉ bị ngừng một vai trò trong Bộ Tài chính. Ông Clark cũng bị hạ cấp xuống mức độ thấp nhất trong nội các New Zealand.

"Muôn hình vạn trạng" các lãnh đạo thế giới tuân thủ giãn cách xã hội mùa COVID-19 - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không đeo khẩu trang trong một chuyến thăm bệnh viện hồi tháng 4 (ảnh: AP)

Ngoại lệ tại Pháp

Tổng thống Emmanuel Macron cũng "lúc quên lúc nhớ" quy định đeo khẩu trang. Mặc dù ông vẫn đeo khẩu trang khi tới thăm các bệnh viện và trường học, nhưng bên trong Điện Elysee và khi phát biểu, đó lại là một câu chuyện khác. Trong chuyến thăm một bệnh viện tại Paris hôm 15/5, ban đầu ông Macron đeo khẩu trang khi nói chuyện với các bác sỹ nhưng sau đó lại bỏ xuống để nói chuyện với các công nhân.

Tổng thống Mexico bắt tay

Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador cho hay, rất khó để không bắt tay những người ủng hộ trong các chuyến công du của mình theo các quy định giãn cách xã hội. Tuy nhiên, hồi tháng 3, ông đã có một ngoại lệ khi bắt tay bà mẹ của ông trùm buôn ma túy Joaquin El Chapo Guzman.

Theo ông Obrador, sẽ là thiếu tôn trọng nếu không làm như vậy. "Tôi không phải là một con robot", Tổng thống Mexico nói.

"Muôn hình vạn trạng" các lãnh đạo thế giới tuân thủ giãn cách xã hội mùa COVID-19 - Ảnh 2.

Tổng thống Donald Trump cầm khẩu trang trên tay nhưng không chịu đeo khi tới thăm nhà máy sản xuất ô tô tại Michigan (ảnh: Reuters)

Chính trị mùa đại dịch tại Mỹ

Quyết định đeo khẩu trang tại nơi công cộng đang trở thành một trong những tâm điểm chính trị tại Mỹ. Nó được khơi mào từ Tổng thống Donald Trump – sau khi ông không đeo khẩu trang mặc dù đang ở thăm một nhà máy sản xuất… khẩu trang, và một số chính trị gia Cộng hòa vốn nghi ngờ tác dụng của khẩu trang trong phòng chống COVID-19.

Trong khi đó, ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden và vợ lại đeo khẩu trang từ đầu tới cuối trong lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên kể từ giữa tháng 3. Ông Trump sau đó đã chia sẻ một cập nhật trên Twitter của nhà phân tích Brit Hume của kênh Fox News trong đó chỉ trích ông Biden vì đeo khẩu trang tại nơi công cộng.

Phó Tổng thống Mike Pence cũng đối mặt công kích vì không đeo khẩu trang khi tới thăm một bệnh viện.

Kỳ nghỉ của Thủ tướng Netanyahu

Trong khi người dân Israel được khuyến cáo không tụ tập với họ hàng trong bữa tiệc lớn của dịp lễ Vượt qua hồi tháng 4, ông Netanyahu và Tổng thống Reuven Rivlin vẫn tổ chức những bữa ăn với sự tham gia của các thành viên đã trưởng thành trong gia đình. Điều này làm dấy lên làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội khiến ông Netanyahu phải nói lời xin lỗi trong một bài phát biểu được phát sóng trên tivi.

"Muôn hình vạn trạng" các lãnh đạo thế giới tuân thủ giãn cách xã hội mùa COVID-19 - Ảnh 3.

Tổng thống Vladimir Putin bắt tay bác sỹ Denis Protsenko một tuần trước khi ông này bị xác nhận nhiễm COVID-19 (ảnh: TASS)

Cách tiếp cận khác nhau của Tổng thống Nga

Lần duy nhất Tổng thống Vladimir Putin mặc đồ bảo hộ y tế tại nơi công cộng là vào ngày 24/3 khi đến thăm một bệnh viện điều trị COVID-19 tại Moscow. Trước khi mặc đồ, ông Putin bắt tay với bác sỹ Denis Protsenko – người đứng đầu bệnh viện. Cả hai đều không đeo khẩu trang hay găng tay, và một tuần sau đó, ông Protsenko được xác nhận dương tính với virus. Tuy nhiên, Moscow cho hay, sức khỏe ông Putin không có vấn đề gì.

Kể từ đó, tổng thống Nga đã có ít nhất 7 cuộc gặp mặt trực tiếp mà những bên tham gia đều không đeo khẩu trang. Khi được hỏi tại sao ông Putin không đeo khẩu trang trong các sự kiện công cộng, phát ngôn viên Dmitry Peskov trả lời, Điện Kremlin có một cách tiếp cận khác biệt trong bảo vệ sức khỏe tổng thống.

Scandal đánh bạc tại Nhật Bản

Trong tháng này, một công tố viên hàng đầu Nhật Bản đã bị khiển trách và sau đó phải từ chức sau khi vi phạm khuyến cáo ở nhà.


Ông Hiromu Kurokawa, công tố viên số 2 của đất nước và là người đứng đầu Văn phòng Công tố viên tối cao Tokyo, thừa nhận không tuân thủ giãn cách xã hội khi chơi mạt chược ăn tiền tại nhà một phóng viên… tận hai lần vào tháng 5. Mặc dù Nhật Bản không bắt buộc phải ở nhà nhưng vụ việc của ông Hiromu vẫn gây nhiều phẫn nộ trong dư luận bởi vì nhiều người dân vẫn thực hiện theo các khuyến cáo giãn cách xã hội.

Nghi lễ tại bệnh viện Tây Ban Nha bị điều tra

Giới chức thành phố Madrid trở thành tâm điểm tranh cãi khi tụ tập hôm 1/5 trong buổi lễ đóng cửa một bệnh viện dã chiến tại một trung tâm triển lãm từng điều trị cho gần 4.000 bệnh nhân nhiễm COVID-19. Hàng chục quan chức đã không tuân theo các quy định giãn cách để chụp ảnh cùng nhau. Chính phủ trung ương quyết định mở cuộc điều tra và người đứng đầu vùng Madrid Isabel Diaz Ayuso buộc phải nói lời xin lỗi.

Vẫn có những tấm gương tích cực...

Vẫn có một số nhà lãnh đạo đang tạo nên những tấm gương tích cực. Tổng thống Bồ Đào Nha "bị" chụp ảnh đang xếp hàng tại siêu thị, đeo khẩu trang và tuân thủ giãn cách xã hội. Còn Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã không tới thăm người mẹ 96 tuổi của mình trong suốt 8 tuần cuối cùng trong cuộc đời bà vì những quy định hạn chế liên quan tới COVID-19. Ông chỉ có mặt bên cạnh mẹ vài giờ trước khi bà nhắm mắt trong tháng này.

"Thủ tướng tôn trọng mọi khuyến cáo", một thông cáo từ Văn phòng Thủ tướng Hà Lan cho hay. "Khuyến cáo cho phép gia đình nói lời tạm biệt với những thành viên sắp ra đi ở giai đoạn cuối".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ