• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ có cách tiếp cận mới cho chính sách châu Á-Thái Bình Dương

Thế giới 13/11/2017 09:43

(Tổ Quốc) - “Ấn Độ-Thái Bình Dương” đã thay cho “châu Á-Thái Bình Dương”.  

Chính quyền Trump chưa đưa ra tuyên bố chính sách châu Á, nhưng định hình một số thành tố quan trọng.

Việc ông Trump đến Việt Nam dự APEC-25 và thăm chính thức Việt Nam, trong chuyến hành trình châu Á đầu tiên tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, cho thấy khu vực này nằm trong ưu tiên cao của chính sách đối ngoại của chính quyền mới. Mỗi trạm dừng chân, có một chương trình nghị sự riêng và mối quan tâm riêng. Nhưng bản thân chuyến thăm đã thể hiện việc nước Mỹ quan tâm tới châu Á, bất chấp những tuyên bố chính sách đối ngoại thường khi gây hiểu lầm của Tổng thống thứ 45 nước Mỹ.

Nước Mỹ với tư cách là một cường quốc toàn cầu, không thể vận hành trong một “chân không của quan hệ quốc tế”. Ngoài ra, quan hệ Mỹ-Trung và vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã kích hoạt chính sách châu Á sớm hơn tiên liệu, khi xem xét việc ông Trump đề cao “Nước Mỹ trên hết”.

Khi các quan chức Mỹ chuẩn bị nghị trình của tổng thống Mỹ thăm châu Á, điều được giới quan sát ghi nhận, đó là chính quyền Trump đã không dùng cụm từ châu Á-Thái Bình Dương, mà gọi là khu vực “Ấn-Thái” (Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Cách gọi mới này có gì đặc biệt?

Năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản khi phát biểu tại Quốc hội Ấn Độ đã lần đầu tiên đề cập đến khái niệm “vòng cung Ấn-Thái”, khi ông nói rằng hai đại dương này đang chứng kiến “sự hội tụ mạnh mẽ như là các vùng biển của sự tự do và thịnh vượng” tại một “châu Á rộng lớn hơn”.

 Mỹ-Nhật-Ấn hợp tác hải quân tại vòng cung Ấn-Thái.

Khái niệm “Ấn-Thái” là khá mới mẻ với thế giới. Theo nhận xét của trang mạng qz.com (ngày 8/11), thuật ngữ “Ấn Độ-Thái Bình Dương” bỗng nhiên được sử dụng rộng khắp trong chính quyền Mỹ. Kế hoạch làm việc của Nhà Trắng cho chuyến công du châu Á của Tổng thống Trump đã sử dụng cụm từ này 4 lần, mà không nhắc tới cụm từ “châu Á-Thái Bình Dương” một lần nào. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã dùng cụm từ này “Ấn Độ-Thái Bình Dương” hơn một chục lần trong bài phát biểu tại Ấn Độ cách đây vài tuần. Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster đã sử dụng cụm từ này trong thông báo gửi tới báo chí về chuyến thăm châu Á của Donald Trump.

Vậy thì khu vực “Ấn-Thái” có nội hàm gì mới mẻ so với việc gọi nó là “châu Á-Thái Bình Dương”? Chí ít, nó có 4 hàm ý: Một là, nó liên kết hai vùng biển rộng lớn của thế giới trong một hệ thống chiến lược lớn hơn. Hai là, nó thể hiện được tầm quan trọng của sự trỗi dậy của Ấn Độ. Ba là, nó phần nào làm giảm vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc, là một “nước trung tâm” của lục địa châu Á. Thứ tư, nó cho thấy cuộc cạnh tranh chiến lược tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ tập trung vào việc kiểm soát các đại dương. Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đều đầu tư lớn cho hải quân.

Hải quân Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản tập trận tại Ấn Độ Dương, tháng 7/2017.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đang tác động sâu sắc đến cục diện thế giới, trước hết là tại châu Á-Thái Bình Dương. Trật tự thế giới vẫn là “nhất siêu đa cường”, nhưng những chuyển biến trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quân sự, dưới tác động của những biến đổi mang tính cách mạng của khoa học công nghệ và Cách mạng công nghiệp 4.0, đang xói mòn vị trí quyền lực của “nhất siêu” Mỹ, đồng thời làm nổi bật trạng thái “đa cường”. Các cường quốc loại hai đang cạnh tranh khá kịch liệt với các cường quốc loại một và giữa họ với nhau tại những khu vực trọng điểm chính trị, an ninh, như châu Âu, Trung Cận Đông và Đông Á.

Theo lộ trình mà ông Tập Cận Bình xác định tại Báo cáo của Đại hội 19 vừa rồi, Trung Quốc phải cần 23 năm nữa – tức là đến giữa thế kỷ 21 – mới chính thức trở thành “siêu cường” toàn cầu. Nền kinh tế nước này lúc đã có thể vượt Mỹ xét theo tổng sản lượng quốc nội; quân đội sánh ngang với Mỹ; xã hội trở nên khá giả  như Giấc mơ Trung Hoa.

Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi đã đạt nhận thức mới về tầm quan trọng của đại dương và của hải quân, vượt ra khỏi tư duy truyền thống “không liên kết” để hội nhập sâu rộng hơn vào các mặt đời sống toàn cầu và xây dựng khu vực ảnh hưởng của mình ở Nam Á-Ấn Độ Dương. Một quá trình tất yếu diễn ra trong  tương quan lực lượng giữa các nước lớn hiện nay: thúc đẩy hợp tác hải quân với hai quốc gia hàng hải lớn ở Thái Bình Dương là Mỹ và Nhật Bản, phần nào là Úc.

Ấn Độ tích cực nhưng không vội vã. Tốc độ và nội hàm của hợp tác hải quân đều tính đến vị trí địa-chiến lược của nước này có đường biên giới đất liền dài 3.380 km với Trung Quốc. Vị trí địa lý quy định Ấn Độ phải tính đến “nhân tố Trung Quốc”. Một khi sự hiện diện của hải quân Trung Quốc rất nổi bật ngay tại Ấn Độ Dương, thông qua “chuỗi ngọc trai”, thì “không liên kết” trở nên không hợp thời. Các khuôn khổ “tam giá”, “tứ giác” đã hình thành giữa các nước kể trên, sẽ được đẩy lên ở các tầng nấc cao hơn tùy thuộc  trước hết vào việc New Delhi nhận thức như thế nào thách thức đến từ Trung Quốc đối với các lợi ích cốt lõi của Ấn Độ tại Nam Á-Ấn Độ Dương. Hợp tác trên biển được sử dụng như đòn bẩy chiến lược.

Mỹ và Nhật Bản trong khi muốn đẩy nhanh hơn chất lượng của các hợp tác trên hai đại dương cũng tôn trọng sự lựa chọn của Ấn Độ về tiến độ và nội dung hợp tác. Nhưng việc giới hoạch định chính sách Washington điều chỉnh phạm vi địa lý của chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ thành Ấn Độ-Thái Bình Dương là đề cao vai trò Ấn Độ như cường quốc châu Á-Thái Bình Dương.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu ngắn 4.950 từ tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, Đà Nẵng, 10/11/2017, đã 9 lần đề cập đến cụm từ “Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Sự điều chỉnh tư duy đối ngoại của chính quyền Mỹ đối với châu Á-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nếu đi kèm với những biện pháp  cụ thể và kiên trì, có thể tạo ra một cách tiếp cận địa-chính trị mới và một kiểu tập hợp lực lượng mới ở các khu vực rộng lớn này của thế giới./. 

TS. Nguyễn Ngọc Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ