• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ dứt khoát ra quân dập tắt tín hiệu hỗn loạn về Syria

Thế giới 12/01/2019 10:55

(Tổ Quốc) - Liên minh do Mỹ lãnh đạo chống lại Nhà nước Hồi giáo IS đã bắt đầu quá trình rút khỏi Syria, một phát ngôn viên cho biết hôm thứ Sáu – ngày 1/11.

Liên minh do Mỹ lãnh đạo chống lại Nhà nước Hồi giáo IS đã bắt đầu quá trình rút khỏi Syria, một phát ngôn viên cho biết hôm thứ Sáu – ngày 1/11.

Động thái này cho thấy sự khởi đầu một cuộc rút lui của Hoa Kỳ - điều trước đó bị phủ bóng bởi các tín hiệu hỗn loạn từ Washington, theo Reuters.

Vượt lên thế khó

Thông báo của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hồi tháng trước nói rằng ông đã quyết định rút 2.000 lính Mỹ khỏi Syria – điều làm các đồng minh đã gia nhập cùng Washington trong trận chiến chống IS ở Syria choáng váng. Các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cũng bị sốc, trong số đó có Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, người đã từ chức và động thái này dường như là để phản đối quyết định trên của ông Trump.

Liên minh "đã bắt đầu quá trình rút quân có chủ ý của chúng tôi khỏi Syria. Vì lo ngại về an ninh của chiến dịch hoạt động, chúng tôi sẽ không thảo luận về các mốc thời gian, địa điểm hoặc các động thái di chuyển quân lực cụ thể", Đại tá Sean Ryan nói.

Mỹ dứt khoát ra quân dập tắt tín hiệu hỗn loạn về Syria - Ảnh 1.

Quân đội Mỹ thông báo ràng họ đã bắt đầu quá trình rút khỏi Syria. (Nguồn: Straits Times/ AFP)

Nga, nước đã triển khai lực lượng tới Syria để hỗ trợ chính quyền Damascus, cho biết họ có ấn tượng rằng Hoa Kỳ vẫn muốn ở lại mặc dù đã tuyên bố rút quân, hãng thông tấn RIA đưa tin.

Cư dân gần các cửa khẩu biên giới – nơi thường thấy các lực lượng Hoa Kỳ đi vào và ra khỏi Syria từ phía Iraq cho biết họ không thấy lực lượng mặt đất của Hoa Kỳ di chuyển một cách rõ rệt hoặc ở quy mô lớn vào ngày thứ Sáu.

Việc Mỹ tuyên bố rời đi đã mang theo những bất ổn mới vào cuộc chiến Syria kéo dài tám năm qua và khiến nhiều thế lực "dậy sóng" về việc một khoảng trống an ninh sẽ được lấp đầy như thế nào ở phía bắc và phía đông Syria - nơi lực lượng Hoa Kỳ đang đóng quân.

Một mặt của cán cân này là Thổ Nhĩ Kỳ - với mục tiêu theo đuổi chiến dịch chống lại lực lượng người Kurd từng liên minh với Hoa Kỳ để chống IS và mặt khác là chính phủ Syria do Nga và Iran hậu thuẫn đang nhìn thấy cơ hội phục hồi phần lớn lãnh thổ.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton đã cho biết vào thứ ba tuần này rằng, việc bảo vệ các đồng minh người Kurd của Washington sẽ là điều kiện tiên quyết của việc rút quân khỏi Syria.

Điều này đã dấy lên sự chỉ trích từ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, người đã gọi những bình luận của ông Bolton là "một sai lầm nghiêm trọng".

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, người đã đi thăm Trung Đông trong tuần này để trấn an các đồng minh về cam kết của Washington đối với an ninh khu vực, cho biết hôm thứ Năm rằng việc rút lui sẽ không bị "chết yểu" bất chấp các mối đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhóm người Kurd kiểm soát miền bắc Syria đã chuyển hướng sang Moscow và Damascus với hy vọng đạt được thỏa thuận chính trị để ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ và bảo vệ quyền tự trị của họ ở phía bắc.

Nga thúc giục đối thoại Damascus – người Kurd

Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, cho biết điều quan trọng đối với người Kurd tại Syria và chính phủ nước này là bắt đầu nói chuyện với nhau trong bối cảnh Mỹ có kế hoạch rút lui.

Bà cũng nói rằng, các vùng lãnh thổ trước đây do Hoa Kỳ kiểm soát nên được chuyển giao cho chính phủ Syria.

"Về vấn đề này, việc thiết lập đối thoại giữa người Kurd và Damascus có ý nghĩa đặc biệt. Xét cho cùng, người Kurd là một phần không thể thiếu trong xã hội Syria", bà Zakharova nói.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi lực lượng dân quân người Kurd Syria YPG do Mỹ hậu thuẫn là cánh tay nối dài của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) – lực lượng đã tiến hành một cuộc nổi dậy 34 năm ở Thổ Nhĩ Kỳ để đòi các quyền chính trị và văn hóa của người Kurd, chủ yếu ở các khu vực đông nam Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới với Syria.

Một chính trị gia người Kurd nói với Reuters tuần trước, người Kurd đã gửi tới Moscow một bản đồ lộ trình về một thỏa thuận với Damascus. Thứ trưởng Ngoại giao Syria cũng cho biết hôm thứ Tư rằng ông rất lạc quan về cuộc đối thoại mới với người Kurd.

Bộ trưởng Ngoại giao Jean-Yves Le Drian của Pháp, một phần của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo, đã hoan nghênh điều ông tin là sự rút lui chậm hơn của Hoa Kỳ sau sức ép từ các đồng minh.

"Tổng thống Macron đã nói chuyện với ông ấy (Trump) nhiều lần và dường như đã có một sự thay đổi mà tôi nghĩ là tích cực", ông nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm thứ Năm.

Trong một sự thừa nhận hiếm hoi rằng quân đội Pháp cũng ở Syria, ông nói rằng họ sẽ rời đi khi có một giải pháp chính trị ở nước này.


An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ