• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ hối hả xoay trục Đông Âu xa rời Nga

Thế giới 04/09/2019 10:08

(Tổ Quốc) - Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ ủng hộ các động thái nhằm thu hút đầu tư và gia tăng ảnh hưởng của phương Tây tại các quốc gia từng thân cận với Moscow.

John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, đã có chuyến thăm tới Đông Âu – nơi từng là các đồng minh của Nga.

Sau hai ngày ở Ukraine vào tuần trước, ông đã đến thăm Moldova và Belarus trước khi đến Ba Lan. Các chuyến thăm của Bolton diễn ra giữa những lo ngại về ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc trong khu vực này.

Đông Âu "được coi là vùng đệm giữa Nga và Tây Âu, cũng như là một cửa ngõ giữa Trung Quốc và châu Âu", Michał Romanowski, chuyên gia an ninh tại Quỹ Marshall Đức ở Warsaw, nói với trang Al Jazeera.

Ở Ukraine và Moldova, các cuộc bầu cử đã mở cửa cho các chính phủ thân phương Tây mới xuất hiện vào đầu năm nay, mà Hoa Kỳ coi là những đồng minh trong cuộc chiến tranh địa chính trị. Với việc Belarus ngày càng cảnh giác với ảnh hưởng gia tăng của Kremlin, Mỹ đang tìm cách đưa ra các đề nghị về kinh tế và an ninh để thu hút Belarus về phương Tây.

"Khu vực này đã bị đẩy vào một cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc toàn cầu, nhưng theo cách có thể mang lại lợi ích cho chính họ", Romanowski nói thêm.

Là quan chức cấp cao đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm Ukraine kể từ khi Tổng thống Volodymyr Zelensky lên nắm quyền hồi tháng Năm, ông Bolton đã lưu ý nước này cần thận trọng để không bị kéo vào phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc theo con đường "ngoại giao nợ".

Lo ngại gia tăng

Chuyến thăm của ông Bolton diễn ra vào thời điểm Mỹ rơi vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và đang lo lắng về ảnh hưởng toàn cầu đang mở rộng của Bắc Kinh.

Bolton tham Dong Au

Ông Bolton đã gặp Tổng thống Alexander Lukashenko. Ảnh: TASS.

Ông Bolton đã bày tỏ lo ngại về một thỏa thuận đang chờ xử lý để bán nhà sản xuất động cơ máy bay Ukraine Motor Sich cho Trung Quốc.

"Chúng tôi nêu ra mối quan ngại của chúng tôi về ... các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc, các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia mà chúng tôi đã thấy ở Hoa Kỳ," ông nói tại Kiev.

Tại Moldova, ông Bolton đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng được bầu gần đây Maia Sandu, người đứng đầu đảng ACUM thân phương Tây. Ông cũng đã gặp Tổng thống Igor Dodon của đảng Xã hội nghiêng về Nga.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 6, Sandu đã cố gắng đạt được sự cân bằng tinh tế giữa Liên minh châu Âu và Nga, nơi quốc gia này phụ thuộc về năng lượng. Bà cũng hy vọng sẽ thắt chặt quan hệ an ninh với Mỹ, nơi hỗ trợ hiện đại hóa sức mạnh phòng thủ cho Moldova theo mức 15 triệu USD/năm.

"Có những thách thức [an ninh] thực sự trong khu vực và ngoài khu vực. Hoa Kỳ tin tưởng rất mạnh mẽ vào chủ quyền và độc lập của Moldova. Công dân của nước này mới chính là người quyết định tương lai đất nước sẽ ra sao, không phải chịu những tác động bên ngoài", ông Bolton nói.

Thúc đẩy sự xa lánh Nga

Ông Bolton hoan nghênh các nỗ lực chống tham nhũng của Moldova, nói rằng đây sẽ là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư của Mỹ, nơi Moldova tìm kiếm sự hỗ trợ cho các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng và giao thông.

Một mục tiêu của chuyến thăm là "củng cố liên minh ủng hộ dân chủ, thân châu Âu khi họ chỉ mới nắm quyền gần đây và vẫn chưa rõ sẽ giữ được trong bao lâu", Wojciech Kononczuk, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Ukraine, Belarus và Moldova tại Trung tâm nghiên cứu phương Đông.

Tại Belarus, Bolton đã gặp Tổng thống Alexander Lukashenko. Sau khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Belarus, hai nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 2008. Chuyến đi của Bolton đánh dấu quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm đất nước này trong gần hai thập kỷ.

Trước lo ngại từ cuộc xung đột miền Đông Ukraine và những diễn biến mới trong khu vực, ông Lukashenko đang tìm cách mở cửa với phương Tây. Đầu năm nay, Belarus đã loại bỏ giới hạn về số lượng các nhà ngoại giao Mỹ được phép ở nước này.

Hai tuần trước, Belarus đã thực hiện một động thái đầu tiên nhằm chấm dứt các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Mỹ để có thể đa dạng hóa nguồn cung- hiện phần lớn đến từ Nga, sau khi giá dầu tăng cao trong tháng 1.

"Tổng thống Belarus đang bắt đầu thể hiện tính độc lập nhiều hơn. Do đó, Mỹ đã quyết định rằng thông qua con đường chính trị, họ có thể khuyến khích sự tự chủ lớn hơn", giáo sư Longin Pastusiak, một nhà sử học và cựu phó chủ tịch nghị viện khối NATO, nói với Al Jazeera.

Theo Al Jazeera, ông Bolton đã sử dụng chuyến thăm để thúc đẩy sự xa lánh ông Putin. Phát biểu về mối quan hệ của Minsk với Moscow, ông Bolton nói: "Điều nggười dân Belarus muốn thực sự nên là việc xác định mối quan hệ của họ với Nga".

Ông Bolton kết luận: "còn những vấn đề quan trọng trong mối quan hệ song phương liên quan đến quyền con người và không phổ biến vũ khí", nhưng ông thúc giục đối thoại ở những "vấn đề lợi ích của Belarus và lợi ích của Hoa Kỳ trùng khớp".

Kononczuk thể hiện sự hoài nghi về diễn biến này. Ông nói với Al Jazeera, khi có quan hệ căng thẳng với Nga, ông Lukashenko có thể nói với với người hàng xóm rằng "nếu họ không hợp nhau, ông ấy có thể chơi một cây đàn piano khác".

"Nhưng tôi nghĩ đó là một suy nghĩ quá đơn giản và thực sự không có cây đàn piano nào khác để chơi trong chính sách đối ngoại của Belarus", ông nói thêm, ngụ ý rằng hành động của Lukashenko đã có sự phối hợp với Moscow và cuộc gặp này chỉ mang tính biểu tượng.

Trong quá khứ, cách tiếp cận của Mỹ với các nước ngoại vi Nga đã khiến Moscow không hài lòng, ví dụ như việc ông Bolton thúc đẩy doanh số bán vũ khí cho Armenia trong chuyến thăm vùng Caucus năm ngoái.

Để đánh bóng chuyến công du lần này, ông Bolton đã đồng ý với Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak vào thứ Sáu về sáu địa điểm có thể bổ sung thêm 1.000 lính Mỹ đóng quân trên đất Ba Lan, theo một thỏa thuận được ký vào tháng 6.

"Ba Lan đã là một đối tác xuất sắc của Mỹ và NATO, chi hơn 2% GDP cho quốc phòng", ông Bolton nói tại Warsaw.

Cũng theo ông Kononczuk, những cuộc họp này là chưa từng có. "Chưa bao giờ người đứng đầu quốc phòng ở ba quốc gia này, Ba Lan, Belarus và Ukraine, được đối tác Mỹ đến thăm. Đây cũng có thể không phải là cuộc họp cuối cùng", ông nói.

Các cuộc hội đàm này diễn ra chỉ vài tuần sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào ngày 2/8.

Quý Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ