Mỹ kết luận "vua tôm Việt" trộn lẫn tôm Ấn Độ vào sản phẩm có nguồn gốc Việt Nam

Đỗ Lan | 22-10-2020 - 21:04 PM

(Tổ Quốc) - CBP kết luận rằng dựa trên hồ sơ tố tụng hành chính, MSeafood nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh có xuất xứ từ Ấn Độ nhằm tránh thuế bán phá giá của Mỹ.

Ngày 13/10, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) kết luận có bằng chứng về việc MSeafood Corporation (MSeafood) vi phạm luật thương mại của Mỹ. Công ty này sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ. MSeafood là công ty con của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam.

Thông tin trên được thông báo trên Shrimpalliance, website của Ủy ban Thực thi Thương mại Tôm Ad Hoc của Mỹ.

Mỹ kết luận vua tôm Việt trộn lẫn tôm Ấn Độ vào sản phẩm có nguồn gốc Việt Nam - Ảnh 1.

Thông tin trên Shrimpalliance.

CBP kết luận rằng dựa trên hồ sơ tố tụng hành chính, MSeafood nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh có xuất xứ từ Ấn Độ để tránh thuế bán phá giá của Mỹ.

Theo thông tin từ Shrimpalliance, cuộc điều tra về MSeafood bắt đầu từ năm ngoái khi Ủy ban Thực thi Thương mại Tôm Ad Hoc - liên minh đại diện cho ngành tôm nội địa Mỹ gửi đơn cáo buộc MSeafood với nội dung trên tới CBP vào ngày 17/7/2019.

Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu áp thuế chống bán phá giá với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác từ năm 2005. Tuy nhiên, tháng 7/2016, Bộ Thương mại Mỹ thu hồi lệnh áp thuế với Minh Phú. Nói cách khác, Minh Phú không cần nộp thuế chống bán phá giá với tôm xuất xứ Việt Nam nhưng tôm nguồn gốc Ấn Độ vẫn chịu thuế 10,17%.

Do đó, Minh Phú được cho là có động cơ để che giấu nguồn gốc thực sự của tôm xuất khẩu hoặc trộn lẫn tôm nguồn gốc Ấn Độ với tôm nguồn gốc Việt Nam để biến sản phẩm thành có nguồn gốc duy nhất là Việt Nam, tránh thuế chống bán phá giá, theo thông báo từ CBP.

Theo hồ sơ, tôm mà MSeafood xuất khẩu sang Mỹ từ ngày 8/10/2018 đến ngày 13/10/2020 nằm trong đối tượng điều tra.

Trong điều tra của mình, CBP chỉ ra rằng, Minh Phú đã sử dụng tôm từ Ấn Độ để chế biến tôm đông lạnh trong các cơ sở của mình. Trước thông tin trên, Minh Phú cho biết tôm họ nhập từ Ấn Độ là để bán cho các thị trường khác, chứ không phải Mỹ.

CBP cũng cho rằng họ có những bằng chứng chỉ ra rằng tôm Việt Nam đã trộn lẫn tôm Ấn Độ. Hệ thống sản xuất của Minh Phú không cho phép truy vết được tôm Ấn Độ từ lúc họ mua về cho đến khi chế biến thành sản phẩm.

CBP còn nói thêm rằng những đặc điểm của quá trình chế biến của Minh Phú theo yêu cầu của Mỹ không thống nhất và ngược với những mô tả mà Minh Phú cung cấp cho Bộ Thương Mại Mỹ trong vấn đề liên quan đến chống phá giá tôm Việt Nam.

Trước đó, ngày 7/6/2019, trước khi cuộc điều tra bắt đầu (7/7/2019), ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - người thường được gọi là "vua tôm Việt" đã có buổi gặp gỡ báo chí để phản hồi các thông tin xung quanh có đơn yêu cầu Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) tiến hành điều tra hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với công ty ông.

Trong buổi gặp gỡ báo chí, tập đoàn Minh Phú xác nhận có nhập khẩu nguyên liệu tôm từ Ấn Độ nhưng số lượng rất nhỏ, chiếm khoảng 10% đầu vào để phục vụ các thị trường ngoài Mỹ. Theo tập đoàn này, thị trường Mỹ chỉ chiếm 33% tổng lượng xuất khẩu của Minh Phú, còn lại là châu Âu và các nước lân cận.


CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM