• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ ngả về Israel đối đầu Iran: Trung Quốc trợ lực Nga tại Syria?

Thế giới 15/05/2018 12:19

(Tổ Quốc) - Trung Quốc đang tìm cách tăng cường sự hỗ trợ cho Nga trong cuộc xung đột kéo dài tại Syria.

Những động thái này diễn ra trong bối cảnh hai cường quốc khu vực là Israel và Iran đang leo thang căng thẳng – điều nếu kéo dài sẽ mang tới thêm bất ổn cho Syria – hiện đang bị cuộc xung đột 7 năm qua tàn phá.

Cơ hội của Trung Quốc tại Syria

Đặc phái viên Trung Quốc về Syria Xie Xiaoyan nói với giới truyền thông nhà nước Nga hôm Chủ nhật – ngày 13/5 rằng, ông đã nhìn thấy nhiều cơ hội để mở rộng vai trò của Trung Quốc tại Syria- nơi Nga đang hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đánh bại lực lượng nổi dậy và cực đoan sau khi xung đột bùng lên năm 2011. Lực lượng nổi dậy Syria hiện đang được phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng vịnh Ả Rập ủng hộ. Trong khi Trung Quốc không đóng một vai trò quân sự quan trọng trong cuộc xung đột bảy năm qua tại Syria, nước này ủng hộ Moscow và Assad về mặt ngoại giao và đã bắt đầu đầu tư mạnh mẽ vào việc tái thiết Syria.

Xung đột Syria đang ngày càng diễn biến phức tạp.

"Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga bao hàm một quan hệ đối tác chiến lược và cộng tác sâu rộng. Chúng tôi liên tục liên lạc và tiến hành tham vấn. Mỗi bên đều chung tay giải quyết vấn đề Syria", Xie nói thêm rằng, đang có "không gian rộng hơn" để tăng cường hợp tác, theo hãng thông tấn Nga Tass.

"Tôi cho rằng cả hai bên nên tiếp tục những nỗ lực trong các vấn đề như bảo vệ cơ chế ngừng bắn, tuân thủ các thỏa thuận ngừng bắn, thúc đẩy quá trình chính trị, cũng như về các vấn đề khôi phục đất nước sau chiến tranh", Xie nói.

Với sự hỗ trợ trực tiếp từ Nga và Iran, chính phủ Syria hiện kiểm soát được phần lớn những vùng lãnh thổ đã mất trong những năm đầu chiến tranh. Chỉ có một vài nhóm nổi dậy Hồi giáo vẫn đang nắm giữ một số khu vực, và phần lớn phía bắc của đất nước vẫn đang nằm trong tay Lực lượng Dân chủ Syria – được Mỹ hậu thuẫn và các lực lượng dân quân địa phương.

Đối trọng sức mạnh Mỹ, Israel

Khi ông Assad ngày càng củng cố vững chắc thắng lợi của mình, các lực lượng của ông ngày càng trở thành mục tiêu bị phương Tây và Israel nhắm tới. Mỹ và các đồng minh của Mỹ đã cáo buộc Assad sử dụng vũ khí hóa học và vào tháng trước, Mỹ, Pháp và Anh đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu là chính phủ Syria bị nghi ngờ tham gia vào việc sản xuất vũ khí hóa học. Trung Quốc cùng với Nga và Iran đã phản đối chiến dịch tấn công trên, yêu cầu trước hết phải xem xét kết quả điều tra của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học .

Trung Quốc cũng có lập trường tương đồng với Nga về các xung đột gần đây tại Syria – điều đe dọa sẽ mở ra một mặt trận hoàn toàn mới và đẫm máu hơn trong khu vực này. Nhiều cuộc không kích -được cho là đến từ Israel đã nhằm vào các vị trí của Iran tại Syria với tần suất gia tăng trong những tháng qua. Israel, cảm thấy bị đe dọa bởi sự hiện diện ngày càng tăng của Iran và lực lượng bán quân sự do Tehran hậu thuẫn, thường từ chối xác nhận hoặc phủ nhận vai trò của mình trong các cuộc tấn công như vậy.

Tuy nhiên, sau khi tuyên bố rằng, lực lượng Iran tại Syria vừa tấn công các lực lượng của họ tại Cao nguyên Golan, Israel ngay lập tức đáp trả bằng hàng loạt các cuộc không kích chưa từng có - phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng quân sự và giết chết các binh lính ở Syria.

Theo Newsweek, Hoa Kỳ đã mạnh mẽ ủng hộ lập trường của Israel trước những diễn biến bạo lực gần đây - xảy ra ngay sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi một thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran.

Tầm nhìn từ Nhất đới, nhất lộ

Nga đã kêu gọi bình tĩnh và cố gắng hòa giải cuộc xung đột. Tương tự như vậy, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong một cuộc họp báo ngày 11/5 cũng kêu gọi Israel và Iran "làm lạnh những chiếc đầu nóng và kiềm chế để cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định khu vực".

Nguyên nhân khiến Trung Quốc ủng hộ chính quyền Assad ở Syria cũng một phần đến từ tầm nhìn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với dự án Nhất đới, nhất lộ. Sáng kiến này tìm cách tái thiết và cải tạo các tuyến thương mại lịch sử và mới trên khắp châu Á, châu Phi và châu Âu, trong đó Syria nằm trên ngã tư của dự án. Bắc Kinh coi chính phủ Syria là một đối tác khả thi cho các mục tiêu kinh tế trong tương lai và muốn thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột hiện tại hơn là đi con đường quân sự.

Trung Quốc và Nga cũng đang ngày càng có nhiều lập trường chung về quan hệ chính trị và quân sự trong những năm gần đây. Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin đều đã nhận được tín nhiệm để tiếp tục lãnh đạo đất nước và đang dành nhiều nguồn lực đáng kể để hiện đại hoá lực lượng vũ trang và định vị sức mạnh của họ ở các khu vực mà Hoa Kỳ đã khẳng định vai trò dẫn đầu.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ