• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ thúc đẩy đọ sức quân sự với Trung Quốc

Thế giới 25/10/2018 07:50

(Tổ Quốc) - Mỹ rút khỏi INF nhằm đối phó với cả Nga và Trung Quốc.

Năm 2018, Donald Trump không ngừng gây sóng gió trong quan hệ quốc tế. Trung Quốc đã trở thành vấn đề tranh cử trong cuộc vận động bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã được phát động vào ngày 1/10, khi sắc lệnh của Tổng thống Trump đánh thuế 10% 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ chính thức có hiệu lực; Trung Quốc trả đũa áp thuế 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại lan sang các lĩnh vực quân sự

Đài Loan và Biển Đông là hai lĩnh vực nổi bật trong cuộc cọ xát quân sự Mỹ-Trung. Ngoài việc bán vũ khí cho Đài Loan xét theo nhu cầu phòng thủ của hòn đảo này, thứ hai vừa rồi (22/10), Mỹ đưa hai chiến hạm đi qua "vùng biển quốc tế" thuộc Eo biển Đài Loan mà không ngại tạo ra sự khiêu khích Đại lục. Tuần trước, Mỹ cho 2 máy bay B.52 bay qua Biển Đông.

Thế rồi, ngày 20/10, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF)). Lý do nêu ra là vì Nga đã "vi phạm hiệp ước INF trong nhiều năm". Đồng thời, ông Trump cũng kéo Trung Quốc vào vấn đề này, khi nói rằng cả Nga và Trung Quốc phát triển vũ khí chiến lược thì cũng không thể để INF cản trở nước Mỹ làm điều đó.

Mỹ thúc đẩy đọ sức quân sự với Trung Quốc - Ảnh 1.

Kiểm soát cuộc chạy đua tên lửa chiến lược trở thành vấn đề mới của quan hệ Mỹ-Trung.

Hiệp ước INF được ký giữa Tổng thống Mỹ Ronald Regan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ngày 8/12/1987. Theo Hiệp ước này, cả Nga và Mỹ cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km). Hiệp ước này là nhằm ổn định quân bình vũ khí chiến lược tại châu Âu. Trải qua 30 năm, công nghệ quân sự đã có những bước tiến vượt bậc, bên cạnh đó, nhiều điều khoản cam kết đã bị xói mòn. Không phải chỉ vì Nga ra sức cải tiến kho vũ khí tầm trung, mà Mỹ cũng đã đưa lá chắn tên lửa áp sát ngoại biên của Nga - tại Ba Lan và Romania. Hệ thống này không chỉ được trang bị các tên lửa đánh chặn phòng thủ để ngăn chặn một cuộc tấn công mà còn được trang bị cả các tên lửa hành trình Tomahawk có khả năng tấn công.

Mặt khác, tương quan lực lượng quân sự trên thế giới cũng thay đổi căn bản. Trung Quốc đã sử dụng thực lực kinh tế và thành tựu khoa học công nghệ, tạo ra thực lực của một cường quốc quân sự toàn cầu. Một số mặt, tuy chất lượng vũ khí còn kém Nga và Mỹ, nhưng về tổng thể đã vượt Nga; về số lượng tàu chiến, máy bay và tên lửa không những vượt Nga mà vượt cả Mỹ.

Trong khi INF 1978 "ràng buộc" Mỹ, thì Trung Quốc rảnh tay xây dựng một kho vũ khí khổng lồ gồm các loại vũ khí thông thường có khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), đáng kể là tên lửa đạn đạo "sát thủ tàu sân bay" DF-21D (tầm bắn 1.500km). Nếu xẩy ra một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc, vì thiếu những hệ thống tên lửa đặt ở đất liền, tại các căn cứ ở Nhật Bản, Guam, Úc, vì chỉ dựa vào các lực lượng tàu chiến mặt nước, Mỹ sẽ bị thiệt thòi (một cuộc tấn công tàu sân bay có thể hy sinh 6.000 binh sĩ Mỹ).

Phát biểu trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ năm 2017, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris nói rằng, khoảng 95% lực lượng tên lửa Trung Quốc sẽ vi phạm INF nếu Trung Quốc là một bên trong thỏa thuận. "Đây là sự thật rất quan trọng, vì Mỹ không có năng lực tương đương do chúng ta tuân thủ INF với Nga". Từ năm 2018, Mỹ xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược số 1 của Mỹ.

Vì vậy, việc Mỹ rút khỏi INF là đối phó với Nga, hơn thế nữa, còn nhằm đối phó với Trung Quốc.

Nga không bất ngờ nhưng NATO và Trung Quốc phải bận tâm đối phó

Kremlin từng một thời gian dài làm suy yếu ảnh hưởng của INF nhưng lại muốn Mỹ là bên chấm dứt nó. Ông Bolton, Cố vấn An ninh Quốc gia của Mỹ, đã rơi vào một cái bẫy khi ủng hộ việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF, bởi vì Nga đã sẵn có các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, trong khi Mỹ cần phát triển những hệ thống vũ khí mới.

Mỹ thúc đẩy đọ sức quân sự với Trung Quốc - Ảnh 3.

John Bolton - Cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, gặp Tổng thống Putin chuyển đạt đề nghị của Mỹ rút khỏi INF, điều không bất ngờ đối với Nga.

Báo New York Times, ngày 20/10, cho biết, nếu thực sự rút khỏi hiệp ước INF, Mỹ nhiều khả năng sẽ triển khai một phiên bản của tên lửa hành trình Tomahawk và Pershing II mà trước đó đã được thiết kế để có thể triển khai trên bộ.

Sự "khai tử" hiệp ước INF có thể sẽ đặt ra hệ lụy về tương lai của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START), được ký kết dưới thời Tổng thống Obama.

Việc Mỹ rút khỏi INF có thể dấy lên một cuộc chạy đua tên lửa trên khắp châu Âu và Đông Á. Thực ra, những năm qua, Trung Quốc đã lẳng lặng chạy đua phát triển kho vũ khí chiến lược của mình rồi.

Theo dòng xoáy của chạy đua vũ trang mới, phải nhiều năm nữa, khi sự quân bình vũ khí chiến lược đạt được ở cả hai châu lục này, thế giới mới có thể chứng kiến các cường quốc quân sự ngồi lại với nhau để thỏa thuận kiểm soát vũ khí./.


Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ