• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Năm câu hỏi "phác thảo" mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021-2030

Kinh tế 20/03/2019 16:47

(Tổ Quốc) - Xác định mô hình tăng trưởng là quan trọng, nhưng định hướng lớn về mặt chính sách, thể chế, tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu mà chúng ta mong muốn còn quan trọng hơn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045”.

Năm câu hỏi phác thảo mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021-2030 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo "Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045". Ảnh: Thành Chung

Sáng 20/3 tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hội thảo "Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045".

Tới dự hội thảo có GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và lãnh đạo một số Bộ ngành Trung ương cùng đông đảo các học giả, chuyên gia kinh tế.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao các cơ quan đã tổ chức Hội thảo nhằm giúp Đảng, Chính phủ chuẩn bị cho các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó Chính phủ được giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, hai mốc rất quan trọng là 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước.

Phó Thủ tướng cho biết Đảng đã nói tới đổi mới mô hình tăng trưởng từ Đại hội XI. Đến Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), Trung ương đã có Nghị quyết số 05, nhận diện cụ thể hơn về quan điểm, định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, lấy thước đo là hiệu quả năng suất, chất lượng lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế thị trường, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dần từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang đồng thời cả đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước. Chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo. Coi KHCN và đổi mới sáng tạo như một đột phá chiến lược để thực hiện mô hình tăng trưởng.

"Xác định mô hình tăng trưởng là quan trọng, nhưng định hướng lớn về mặt chính sách, thể chế, tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu mà chúng ta mong muốn còn quan trọng hơn. Thực hiện Chiến lược thì có hai cách, một là tiệm tiến, hai là đột phá, nhảy vọt, đi tắt đón đầu. Cách thức chúng ta đi con đường này như thế nào", Phó Thủ tướng đặt vấn đề và mong muốn được lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan có uy tín để đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội trong 10 năm qua, góp ý về những điểm nghẽn, nguyên nhân, xu hướng phát triển và giải pháp lớn để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế.

Viện trưởng Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn cho biết kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng chưa được như mong muốn, nhiều vấn đề cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng được yêu cầu của Đảng và nhân dân.

Ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết 2021 – 2030 là giai đoạn cực kì quan trọng, có tính quyết định đến việc Việt Nam có thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hay không. Đây cũng là giai đoạn được xác định là "bứt phá" với tốc độ tăng trưởng GDP dự tính phải đạt 7 – 7,5%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 6,3% của giai đoạn 2011 – 2020. Trong giai đoạn này, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao (4.859 USD/người/năm) vào năm 2030 và trở thành nước thu nhập cao (12.642 USD/người/năm) vào năm 2045.

TS Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh, động lực tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới chính là sự đột phá về tăng năng suất. Và đặc trưng của mô hình tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2030 sẽ là: chuyển dần từ thâm dụng lao động sang thâm dụng vốn và tri thức; chuyển dần từ lượng sang chất; thúc đẩy công nghệ, sáng tạo, tinh thần doanh nhân chiếm vị trí trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng.

Cùng quan điểm, Giám đốc Ngân hàng Thế giới WB tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, hành trình để Việt Nam trở thành nền kinh tế có thu nhập cao bây giờ mới bắt đầu, và những thành tựu mà Việt Nam đạt được từ hơn 30 năm qua không đảm bảo sẽ thành công trong tương lai. Chính vì vậy, Việt Nam cần thay đổi và đổi mới mô hình tăng trưởng để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.

Năm câu hỏi phác thảo mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021-2030 - Ảnh 2.

Ảnh: Thành Chung

Ông Ousmane Dione nhấn mạnh, mô hình mới được "phác thảo" ra phải trả lời được 5 câu hỏi quan trọng.

Thứ nhất, có cần thực hiện những điều chỉnh và cần thiết thì đó là những thay đổi nào?

Thứ hai, mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu với khu vực FDI mạnh mẽ có còn phù hợp không?

Thứ ba, Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư vào những nhân tố quan trọng đối với tăng trưởng bền vững - bao gồm cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực - như thế nào?

Thứ tư, làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước để khu vực này có thể thành nhân tố chủ lực dẫn dắt việc đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp 4.0 và tăng trưởng?

Cuối cùng là làm thế nào để có thể tiếp tục thúc đẩy cải cách thể chế thị trường để hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững hơn?

Các nhà khoa học như nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, TS. Võ Đại Lược, TS. Cấn Văn Lực,… thì cho rằng để bảo đảm mô hình tăng trưởng kinh tế mới thì phải xây dựng được một thể chế đủ mạnh, phù hợp với các chuẩn mực kinh tế của quốc tế và nguồn nhân lực có chất lượng cao cũng như tôn trọng yếu tô môi trường.

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Nguyễn Xuân Thắng cho rằng thể chế là yếu tố then chốt để vận hành mô hình kinh tế mới phát triển dựa trên ba trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường. Các cơ quan liên quan sẽ tiếp thu đầy đủ và làm sâu hơn các ý kiến góp ý, tận dụng sự đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế để hoàn thiện các giải pháp, định hướng lớn cho tương lai nền kinh tế đất nước.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ