• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Năm mới và niềm tin vào các giá trị văn hóa Việt

Văn hoá 16/02/2018 15:09

(Tổ Quốc) - Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Hiệp sinh trưởng tại Sài Gòn, hiện ông đang làm công tác nghiên cứu khoa học về khí quyển ở Bộ Môi trường và Di sản, New South Wales, Úc.

Ở Việt Nam, ông được biết đến với tư cách là một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường và bảo tồn di sản văn hóa. Nhân dịp Tết cổ truyền Mậu Tuất, Báo điện tử Tổ Quốc đã thực hiện cuộc trao đổi với ông về công việc ông đã lựa chọn và những dự định của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp trong năm mới.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp

* Xin chào nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, xuất phát điểm nào khiến ông dành nhiều tâm huyết cho những công trình nghiên cứu về văn hóa Việt Nam đến vậy?

- Công việc chuyên môn của tôi là nghiên cứu về môi trường ở cơ quan bảo vệ môi trường và di sản ở bang New South Wales, Australia. Vì tôi sinh trưởng và sống trong thời niên thiếu ở Sài Gòn trước khi qua Úc du học vào năm 1974, nên thành phố này đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn trong ký ức và tiềm thức. Từ cuối thập niên 1990, tôi đã chứng kiến những sự đổi thay to lớn về diện mạo của thành phố từ kiến trúc đến môi trường và cảnh quan. Điều này đã thúc đẩy tôi tìm hiểu thêm về lịch sử văn hóa, di sản, con người tạo nên đặc thù của thành phố này.

Thành phố có tốc độ tăng trưởng dân số, phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế cao nhưng qua những kinh nghiệm của nhiều đô thị khác ở các nước trong vùng và nhiều nơi trên thế giới đòi hỏi nên có kế hoạch phát triển bền vững, hài hòa với môi trường sống và di sản văn hóa để có lợi ích lâu dài thay vì ngắn hạn. Chất lượng sống không chỉ dựa vào vật chất, tiện nghi mà còn tùy thuộc vào môi trường sống và không gian văn hóa. Trong các năm qua thành phố đã mất khá nhiều di sản kiến trúc, cảnh quan làm nên nét đặc thù của một thành phố có tư duy mở, tiếp nhận văn hóa và cư dân nhiều nơi.

Sự tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử văn hóa, kinh tế, xã hội và con người tạo nên ký ức cộng đồng của thành phố Sài Gòn lúc đầu đã giúp tôi hiểu rõ hơn về thành phố này và sau đó đã cho tôi có nhiều cơ hội được tiếp xúc và kết nối qua mạng xã hội và điện thư với các bạn trong và ngoài nước, những người Việt và người nước ngoài hiện đang hay trước kia sinh sống ở Sài Gòn có cùng hoài bão, cũng như niềm đam mê và sở thích bảo tồn văn hóa và di sản kiến trúc có giá trị lịch sử và tâm linh. Đây là động lực để tôi bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu về văn hóa và di sản có giá trị lịch sử.

* Vậy công việc nghiên cứu này có lấy mất nhiều thời gian của ông không?

- Dĩ nhiên, công việc nghiên cứu mất nhiều thời gian để thu thập tư liệu, tham khảo, kiểm chứng từ nhiều nguồn như nhiều công trình nghiên cứu khoa học. Tuy vậy ở đây có sự khác biệt về sự tiếp cận và phương pháp trong lãnh vực khoa học xã hội như lịch sử và khoa học tự nhiên như vật lý hay môi trường. Trong nghiên cứu khoa học xã hội, khi có những tư liệu đầy đủ ta có thể đứng và nhìn từ nhiều khía cạnh xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị, từ chi tiết nhỏ hay tổng quan tạo thành những câu chuyện sống động dưới bối cảnh của một thời.

Các tác phẩm đã xuất bản tại Việt Nam của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp

* Trong quá trình nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, ông có gặp khó khăn gì không?

- Nói chung thì không có khó khăn gì nhiều, cái chính là thiếu thời gian. Một ngày chỉ có 24 tiếng đồng hồ và đôi khi có sự đứt quãng do công việc chính phải làm và đời sống thường ngày đòi hỏi có lúc phải ngưng lại trong một thời gian.

* Ông có nhận được sự hỗ trợ nào khi thực hiện các công trình này không? Như sự hỗ trợ từ phía chính quyền, người dân, các nguồn tư liệu…

- Sự hỗ trợ tôi nhận được nhiều nhất là từ các bạn trong nước của nhóm Đài quan sát di sản, Saigon xưa và nay trên cộng đồng mạng xã hội, các nhà sưu tập sách báo xưa đã giúp tôi tiếp cận với tư liệu, các nhà báo, các anh chị ở các hội quán chùa, đình trong Chợ Lớn đã bỏ thời giờ tiếp xúc, cung cấp cho tôi nhiều thông tin quí giá. Nhân đây cũng cám ơn các anh Tim Doling, Vũ Hà Tuệ, Lê Quốc, Phúc Tiến, Daniel Caune, Huỳnh Trung Kiên, Lam Điền, Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Quang Diệu, Nguyễn Vĩnh Nguyên… ở miền Nam mà tôi đã có dịp gặp gỡ và trao đổi.

Đặc biệt là chị Huỳnh Thị Xuân Hạnh, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa- Văn nghệ, đã khuyến khích, giúp đỡ in những cuốn sách đầu tiên năm 2015 và sau này chị Đinh Thị Phương Thảo tiếp nối tiếp tục xuất bản các công trình nghiên cứu của tôi. Làm việc với ban biên tập trong đó có các anh Khưu Thế Quang, Mai Quế Vũ và Quỳnh My với nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lãnh vực văn hóa và thiết kế đã cho tôi nhiều kỷ niệm, ấn tượng và niềm tin vào đội ngũ biên tập của NXB Văn hóa- Văn nghệ.

* Được biết, kết quả của các công trình nghiên cứu của ông đã được tập hợp thành các đầu sách và phát hành rộng rãi đến độc giả trong nước, ông có nghĩ rằng đây là một cách để “nhắc nhớ” độc giả, đặc biệt là những người trẻ, thêm trân quý những giá trị văn hóa cũ của Việt Nam?

- Hiện nay có rất nhiều tài liệu, tư liệu, bài viết hay sách báo trên mạng mà nhiều người có thể tiếp cận. Và ngày nay, sách cũng có thể xuất bản qua phiên bản điện tử trên mạng. Tuy vậy ở Việt Nam, sách giấy vẫn còn phổ thông và được chuộng bởi những người yêu sách. Hơn nữa các bài viết về một chủ đề trong sách đã được biên tập với các chi tiết tham khảo thường có chất lượng và độ khả tín cao hơn các bài trên mạng.

Khi xuất bản và phát hành sách trong nước, số lượng độc giả cao hơn và chủ đề văn hóa hay thông tin đi đến đúng độc giả họ đang quan tâm đến. Sự kết nối giữa độc giả và thông tin qua môi trường sách là một sự hỗ tương giữa độc giả và tác giả và qua đó những giá trị văn hóa, di sản và lịch sử có cơ hội nhiều hơn được trân trọng và giữ gìn. Vì thế đây không phải chỉ là dịp để tác giả giúp độc giả nhớ về những giá trị văn hóa tốt đẹp mà còn là sự hợp tác cùng nhau thông hiểu về một công việc chung để giữ gìn giá trị di sản văn hóa lịch sử cộng đồng.

* Trong những lần giới thiệu tác phẩm trong nước, ông thấy độc giả đón nhận những tác phẩm này như thế nào?

- Tôi đã tiếp xúc với một số bạn đọc, trong đó có nhiều bạn trẻ trực tiếp và qua điện thư và được phản hồi một cách tích cực, trong lần ra mắt sách, các buổi nói chuyện sau đó. Đây cũng là những khuyến khích tinh thần mà tôi trân trọng và có hân hạnh được nhận.

Tôi cũng đã tiếp cận và nói chuyện với những nhóm trẻ như nhóm Cội Việt ở thành phố Hồ Chí Minh gồm những anh chị em thanh niên quan tâm về vấn đề văn hóa, di sản, lịch sử Việt Nam. Tôi được mời đến nói chuyện vài lần và qua đó tôi cũng học hỏi biết được những gì các bạn trẻ quan tâm và những hoạt động và các cách học hỏi sáng tạo của họ.

* Tôi được biết hiện đang có một hiện tượng là những người trẻ đang tìm về những giá trị văn hóa truyền thống, ông có nghĩ đây là một thuận lợi để những tác phẩm viết về văn hóa, nghiên cứu văn hóa đến gần với đời sống đương đại?

- Trong thời đại toàn cầu hóa và sự phổ thông của những thông tin và phương tiện truyền thông hiện đại, các thanh niên ở các nước thường có lối sống và tư duy giống nhau. Truyền thống và giá trị văn hóa đặc thù của một nước hay địa phương nếu không phát huy hay gìn giữ thì có nguy cơ bị bỏ quên hay biến mất. Ở Singapore, sau các thập niên 1970, 1980 phát triển phá bỏ nhiều phố, đã có trào lưu giữ gìn một số di sản văn hóa còn lại như khu Clark Quay, Boat Quay và các nơi này trở thành địa điểm thu hút nhiều du khách qua những nhà cổ và các kiến trúc đặc thù dọc sông của thời cuối thế kỷ 19, dầu thế kỷ 20. Tôi thì chưa thấy có một trào lưu tìm về những giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam. Hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh, những di sản kiến trúc lịch sử có một số đang bị đe dọa và một số đã bị phá hoặc biến dạng. Những tác phẩm hay công trình nghiên cứu về văn hóa, di sản lịch sử có hy vọng sẽ mang đến thông điệp về sự cần thiết của sự phát triển hài hòa và bền vững, giữ nét văn hóa đặc thù có tiềm năng trong tương lai hơn là nhắm đến lợi ích ngắn hạn.

* Ông có thể chia sẻ dự định của mình trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm mới Mậu Tuất này?

- Trong năm Mậu Tuất 2018, dự định là sẽ xuất bản quyển Lịch sử doanh nghiệp và công nghiệp ở Sài Gòn - Chợ Lớn từ cuối thế kỷ 19 đến 1945 và tôi cũng đang sửa soạn bản thảo cho các quyển: Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay qua hình ảnh, Lịch sử xã hội và chính trị Sài Gòn và Nam Kỳ 1925-1945 và cuối cùng là cuốn Sài Gòn - Chợ Lớn Lịch sử sân khấu kịch, điện ảnh và âm nhạc. Hy vọng sẽ xuất bản vào cuối năm nay hay năm tới.

* Nhân dịp năm mới đang đên trên đất nước Việt Nam, một lời chúc của ông dành cho những độc giả yêu văn hóa Việt?

- Với mọi độc giả yêu văn hóa Việt, tôi xin chúc một năm mới vui mạnh trong thể lực, an khang trong tinh thần và thịnh vượng trong đời sống. Và cùng vững một niềm tin về một tương lai chúng ta có thể tạo được trong đó những người Việt mọi nơi đều sống trong trong một môi trường bền vững hài hòa với thiên nhiên và với di sản cảnh quan kiến trúc lịch sử tạo nên nét đặc thù của văn hóa địa phương.

* Xin cảm ơn và xin chúc nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Hiệp một năm mới tràn đầy niềm tin và vững bước trên con đường ông đã chọn!

Quỳnh Vân (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ