Nam thanh niên 18 tuổi có khối u đại tràng lớn chưa từng thấy vì không thể từ bỏ thứ đồ uống giới trẻ mê mẩn

(Tổ Quốc) - Hỏi thăm thói quen sinh hoạt của bệnh nhân, bác sĩ được biết anh Vương có thói quen không tốt là uống 3 ly trà sữa mỗi ngày.

Trong chương trình "Doctor is hot", bác sĩ Trương Chấn Dung, khoa Tiêu hóa - Gan mật, bệnh viện Taipei Medical University Hospital, Đài Loan, chia sẻ về trường hợp một thanh niên họ Vương (18 tuổi) được bố mẹ đưa đến phòng khám.

Thanh niên xuất hiện khối u trong đại tràng do thói quen uống 3 ly trà sữa mỗi ngày - Ảnh 1.

Bác sĩ Trương Chấn Dung, khoa Tiêu hóa - Gan mật, bệnh viện Taipei Medical University Hospital.

Bố mẹ của anh Vương đều mắc 3 căn bệnh mãn tính là tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đái tháo đường. Anh Vương là sinh viên mới vào trường nên được khám sức khỏe tại trường và phát hiện chỉ số gan nhiễm mỡ rất cao.

Bác sĩ Trương Chấn Dung cho biết: "Anh Vương có thể trạng mập mạp, chỉ số mỡ máu triglycerides là 700mg/dl, trong khi người bình thường có chỉ số mỡ máu là 150mg/dl, chỉ cần vượt quá chỉ số mỡ máu triglycerides là 500mg/dl là bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh viêm tụy cấp".

Hỏi thăm thói quen sinh hoạt của bệnh nhân, bác sĩ được biết anh Vương có thói quen không tốt là uống 3 ly trà sữa mỗi ngày. Bác sĩ Trương Chấn Dung đã chất vấn bệnh nhân rằng: "Bố mẹ đều mắc 3 căn bệnh mãn tính là tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đái tháo đường. Anh có gen di truyền nên có khả năng mắc bệnh, tại sao anh uống trà sữa nhiều thế?".

Thanh niên xuất hiện khối u trong đại tràng do thói quen uống 3 ly trà sữa mỗi ngày - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Mặc dù khuyên nhủ anh Vương bỏ thói quen uống trà sữa, nhưng bác sĩ hiểu rõ người trẻ thường không để tâm lời khuyên của bác sĩ, do đó anh Vương được kê đơn thuốc điều trị chỉ số mỡ máu triglycerides từ 700mg/dl giảm xuống 300mg/dl, nhưng không thể điều chỉnh về chỉ số mỡ máu của người bình thường nên cho thấy hiệu quả của thuốc có giới hạn.

Không lâu sau, bố của anh Vương đến phòng khám cho hay, ông được chẩn đoán Polyp đại tràng, ông lo lắng anh Vương cũng mắc bệnh như mình. Bởi dạo gần đây, anh Vương có biểu hiện là thường xuyên đau bụng và tình trạng đã kéo dài hơn 1 tháng. Ông muốn bác sĩ tiến hành nội soi đại tràng cho con trai. Bác sĩ Trương Chấn Dung cho rằng, một chàng trai 18 tuổi làm sao có nguy cơ mắc bệnh Polyp đại tràng, nhưng thấy ông bố nhất quyết nên bác sĩ đã đồng ý tiến hành nội soi đại tràng cho anh Vương.

Kết quả nội soi đại tràng khiến bác sĩ Trương Chấn Dung kinh ngạc. Bác sĩ cho biết: "Trong đại tràng của bệnh nhân có một khối u có kích thước 1,2cm. Trong suốt 18 năm làm việc, tôi chưa từng thấy một thanh niên 18 tuổi có khối u đại tràng lớn như thế. Bệnh nhân đã được điều trị bằng cách loại bỏ khối u đại tràng và tiến hành hóa trị".

Bác sĩ Trương Chấn Dung khuyên mọi người nên hạn chế uống trà sữa, bởi trà sữa chứa nhiều đường nên sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Đường sau khi hấp thu vào gan, enzyme KHK sẽ phân giải và chuyển hóa đường thành mỡ máu trong cơ thể. Khi chúng ta tiêu thụ nhiều đường sẽ dẫn đến tình trạng gan đẩy nhanh tốc độ hấp thu và ảnh hưởng đến chức năng gan. Không những thế, ăn quá nhiều đường sẽ tổn thương niêm mạc đại tràng.

Từng có một nghiên cứu cho thấy, có hai nhóm chuột có tế bào ung thư trong cơ thể, một nhóm chuột được ăn thức ăn tốt cho sức khỏe, nhóm chuột khác được ăn thức ăn chứa nhiều fructose (đường hoa quả hay đường trái cây). Kết quả sau 8 tuần, nhóm chuột hấp thu nhiều fructose có khối u phát triển nhanh chóng.

Bác sĩ Trương Chấn Dung cảnh báo: "Đường có thể nuôi dưỡng tế bào ung thư, tiêu thụ nhiều thực phẩm, đồ uống chứa đường sẽ gia tăng nguy cơ ung thư, nguyên nhân là bởi đường kích thích tế bào ung thư phát triển và sản sinh nhiều hormone ảnh hưởng đến cơ thể".

Polyp đại tràng là gì?

Polyp đại tràng là một khối nhỏ các tế bào hình thành trên niêm mạc đại tràng (ruột già). Hầu hết các polyp đại tràng là vô hại nhưng qua thời gian, một số polyp đại tràng có thể phát triển thành ung thư đại tràng, gây tử vong khi được tìm thấy ở giai đoạn muộn của nó. Có thể có 1 hoặc nhiều polyp ở đại tràng. Bất cứ ai cũng có thể bị polyp đại tràng.

Polyp đại tràng thường không gây ra triệu chứng. Điều quan trọng là phải tầm soát thường xuyên, chẳng hạn như nội soi đại tràng bởi vì polyp đại tràng phát hiện ở giai đoạn sớm thường có thể được cắt bỏ hoàn toàn và an toàn. Việc phòng ngừa tốt nhất cho ung thư đại tràng là tầm soát polyp thường xuyên.

Các triệu chứng của polyp đại tràng là gì?

Hầu hết các polyp đại tràng không có triệu chứng. Bác sĩ có thể phát hiện nó khi đang kiểm tra định kỳ hoặc cố gắng để chẩn đoán một bệnh khác. Tuy nhiên, khi các triệu chứng xuất hiện có thể bao gồm:

- Chảy máu từ trực tràng: Máu có thể dính trên đồ lót hoặc giấy vệ sinh sau khi đi cầu. Đây có thể là một dấu hiệu của polyp đại tràng hoặc ung thư hoặc các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh trĩ hay nứt hậu môn.

- Thay đổi thói quen đại tiện: Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài hơn một tuần có thể chỉ ra sự hiện diện của một polyp to ở đại tràng. Tuy nhiên, một số bệnh lý khác cũng có thể gây ra những thay đổi trong thói quen đi cầu.

- Thay đổi màu phân: Máu có thể biểu hiện thành những vệt đỏ trong phân hoặc làm cho phân có màu đen. Một sự thay đổi về màu sắc cũng có thể gây ra bởi các loại thực phẩm, thuốc men.

- Đau, buồn nôn hoặc nôn (hiếm): Một polyp đại tràng lớn có thể gây cản trở đường ruột của bạn, dẫn đến quặn đau bụng, buồn nôn và ói mửa (tắc ruột).

- Thiếu máu: Chảy máu từ polyp có thể xảy ra từ từ theo thời gian mà không thể nhìn thấy máu trong phân của bạn. Chảy máu mạn tính gây thiếu sắt để sản xuất các chất cho phép hồng cầu mang oxy đến cơ thể của bạn (hemoglobin). Kết quả là thiếu máu do thiếu sắt, có thể làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi và khó thở.

Theo Ettoday

TÚ UYÊN

Tin mới