• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nâng điểm thi giá 1 tỷ: "Cái ghế" vô tội nhưng người ngồi trên đó không xứng đáng thì phải biết từ bỏ

Thời sự 28/05/2019 14:59

(Tổ Quốc) - Thật đáng buồn, với những gian lận của kỳ thi năm 2018 xảy ra tại 3 tỉnh, đến giờ đã ít nhiều lộ diện con em lãnh đạo được nâng điểm nhưng để nghe một lời xin lỗi, để thấy lãnh đạo từ bỏ "chiếc ghế" của mình dường như vẫn là điều… xa vời vợi.

Thông tin Phó giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Sơn La Trần Xuân Yến khai lãnh đạo cấp trên của mình – tức Giám đốc sở GD và ĐT cùng một số lãnh đạo trong tỉnh "nhờ vả" nâng điểm thi với chi phí trung bình 1 tỷ đồng trường hợp (dù chưa biết mức độ đúng - sai đến đâu) đã khiến dư luận thêm một lần sốc và phẫn nộ trước câu chuyện gian lận điểm thi kéo dài nhiều tháng nay.

Dù trước đó dư luận đã tự đặt câu hỏi vì sao những trường hợp học sinh được nâng điểm thi đều nằm trong số gia đình khá giả, quan chức mà không có con nhà nghèo?. Thì đây, với câu trả lời của ông PGĐ Sở GD –ĐT Sơn La cho thấy khó có thể có chuyện nâng điểm vì những mục đích… ngoài tiền!. Và khi nghe con số 1 tỷ từ lời khai một lãnh đạo vẫn khiến nhiều người không khỏi giật mình và thêm một lần khẳng định chỉ những người có tiền mới có khả năng nâng điểm thi cho con, chỉ những người có tiền thì con em của họ không cần học cũng có thể thi được 27 điểm.

Nâng điểm thi giá 1 tỷ: Cái ghế vô tội nhưng người ngồi trên đó không xứng đáng thì phải biết từ bỏ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/ Ngọc Diệp - Dân trí

Một tờ báo đã quy với số tiền 1 tỷ đó bằng lương giáo viên làm 30 năm không ăn không tiêu.Đấy là quy ra lương giáo viên, nếu quy ra mớ rau của những người nông dân hàng ngày còng lưng vì chăm bón và mang ra chợ bán thì bao nhiêu mới đủ?. Có lẽ không nên làm một phép tính chi tiết, chi li bởi rất có thể sẽ khiến những người nông dân một nắng hai sương thêm khó tin vào tai mình và không kỳ vọng, khó có niềm tin vào con em mình đi thi đạt 9 điểm một môn.

Có lẽ không cần phải nói lại những tác hại, tổn thất và các nguy cơ xảy ra từ việc gian lận điểm ở một kỳ thi quan trọng "hai trong một", lấy kết quả để xét vào trường đại học. Bởi từ khi vụ việc bị phát hiện ra đến nay đã có quá nhiều phân tích, lên án, chỉ trích xung quanh bê bối điểm thi này. Tuy nhiên, điều mà dư luận ngạc nhiên là hết lần này đến lần khác, đã không ít lãnh đạo có con em được nâng điểm thi vẫn im lặng, thậm chí "phủi trách nhiệm", chối bay chối biến việc mình bỏ tiền ra để có được sự nâng điểm này.

Ngay như ông giám đốc Sở GD- ĐT Sơn La từng khẳng định việc coi thi, chấm thi sở thực hiện theo đúng duy định của Bộ GD – ĐT. Điểm cao là nhờ cố gắng, nỗ lực của học sinh. Thế nhưng chỉ một thời gian sau khi cơ quan chức năng vào cuộc thì phát hiện tại đây có hàng loạt sai phạm, nhiều bài thi chấm lại bị giảm điểm. Chưa hết, cấp dưới còn khai vị giám đốc này còn nhờ vả, gửi gắm nâng điểm đến 8 thí sinh. Điều này cho thấy việc nhờ vả không phải quá khó khăn, e dè, hạn chế số lượng.

Và thật đáng buồn, với những gian lận của kỳ thi năm 2018 xảy ra tại 3 tỉnh, đến giờ đã ít nhiều lộ diện con em lãnh đạo được nâng điểm nhưng để nghe một lời xin lỗi, để thấy lãnh đạo từ bỏ "chiếc ghế" của mình dường như vẫn là điều… xa vời vợi.

Nâng điểm thi giá 1 tỷ: Cái ghế vô tội nhưng người ngồi trên đó không xứng đáng thì phải biết từ bỏ - Ảnh 3.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La Trần Xuân Yến (áo trắng) bị cáo buộc nâng điểm cho 13 thí sinh. Ảnh: zing.vn

Phải chăng, những chiếc ghế lãnh đạo như một miếng mồi béo bở mà người ngồi trên đó không muốn, không thể rời xa bằng bất cứ giá nào. Để ngồi lên chiếc ghế đó, ai cũng hiểu một bên là quyền lợi, một bên là trách nhiệm. Đôi khi trách nhiệm còn nặng nề hơn gấp nhiều lần quyền lợi. Bởi vậy nếu trách nhiệm của người ngồi trên đó bị xem nhẹ, bị quyền lợi lấn át thì phải tự thấy mình còn xứng đáng không?

Vậy thì các lãnh đạo sẵn sàng chi 1 tỷ để chạy điểm cho con em mình dù với bất kỳ lý do nào, nếu như đúng như lời khai của ông PGĐ Sở GD- ĐT thì đang ngồi ở vị trí nào tự hỏi xem "cái ghế" ấy còn xứng đáng?

Có những sự im lặng là cần thiết, đáng được trân trọng nhưng cũng có những sự im lặng khiến người ta thêm nghi ngờ, khinh bỉ, phẫn nộ.

Từ chức luôn được xem là một phạm trù về đạo đức công vụ. Người biết trọng danh dự, xấu hổ với lương tâm, muốn cứu vớt phần nào danh dự bản thân, và không làm cho "cái ghế" mình ngồi bị hoen ố thì phải biết cúi đầu nhận lỗi và từ chức. Đây là điều được cho là bình thường, cần phải có của người lãnh đạo ở bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào.

Từ khi nào trong hàng ngũ lãnh đạo của chúng ta chỉ biết nhận chức với những bó hoa tươi, lời hứa hẹn, hoan hỉ chúc mừng mà không ý thức về sự từ bỏ khi mình "nhúng chàm", hoặc đơn giản không muốn làm như một điều tối thiểu đầu tiên cần phải có của người được gọi là lãnh đạo?. Bởi thế, có người đề xuất rằng, trong lễ bổ nhiệm, nhận chức nên bổ sung và coi như một phần bắt buộc sau lời hứa đảm nhận nhiệm vụ mới hoàn thành thì nên thêm vế sau: nếu không hoàn thành, gây mất danh dự, uy tín của ngành thì sẽ tự nguyện từ chức.

Trong vụ việc liên quan đến lời khai này, chắc chắn có người sai. Nếu ông Phó giám đốc sở khai sai thì chính ông phải chịu trách nhiệm trước lời khai vu khống, bôi nhọ danh dự của nhiều lãnh đạo tỉnh vì "gắp lửa bỏ tay người". Còn nếu không khai sai thì những người bị tố liên quan nên "tự vấn" bản thân trên chính "chiếc ghế" mình đang ngồi, liệu có lợi dụng quyền chức, tiền bạc để tham nhũng tương lai?.

Nâng điểm thi giá 1 tỷ: Cái ghế vô tội nhưng người ngồi trên đó không xứng đáng thì phải biết từ bỏ - Ảnh 4.

Ảnh minh họa/ Ngọc Diệp - Dân trí

Được biết, trong số những người bị tố nhờ nâng điểm thi ở Sơn La thì Giám đốc sở GD- ĐT vẫn đi làm bình thường và từ 1/7/2019 sẽ nghỉ hưu theo chế độ.

Thiết nghĩ nếu ông bị tố oan thì cũng cần lên tiếng đến cùng để không bị dư luận cho rằng 8 trường hợp nhờ nâng điểm là sự "đánh quả", là chuyến tàu vét cuối nhiệm kỳ. Vì như thế những ngày nghỉ hưu phía trước của ông cũng khó mà thanh thản. Còn nếu đúng sự thật trong lời tố thì việc im lặng hay chỉ trả lời hai câu ngắn ngủi qua điện thoại với phóng viên có lẽ chưa thể khiến dư luận yên lòng.

Thiết nghĩ văn hóa từ chức cần phải có và được hình thành trong mỗi công bộc của dân như một lời hứa danh dự mà những người làm lãnh đạo không thể không có.

Minh Sáng

NỔI BẬT TRANG CHỦ