• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nâng ngạch công chức: Nên thi hay xét?

Thời sự 18/01/2018 17:23

(Tổ Quốc) - Phó Thủ tưởng Thường trực Trương Hòa Bình đã đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu vấn đề này khi triển khai nhiệm vụ trong năm 2018.

Có nên tiếp tục tổ chức thi nâng ngạch công chức hay không?

Tại Hội nghị triển khai công tác ngành năm 2018 của Bộ Nội vụ diễn ra sáng 18/1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đặt vấn đề, “có nên tiếp tục tổ chức thi nâng ngạch công chức hay không? Hay là xét nâng ngạch công chức, viên chức theo những tiêu chí rõ ràng, minh bạch, công khai, chính xác về trình độ, nâng lực, đạo đức, kinh nghiệm, năm công tác?”.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ


Theo Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay vẫn còn thực trạng, công chức các địa phương kéo về Hà Nội để thi trong khi công việc tại các địa phương rất nhiều. Hơn nữa, nhiều người có kinh nghiệm thực tiễn rất giỏi nhưng khi đi thi lại rớt khiến dư luận nghi ngờ có tiêu cực này kia.

Đề cập đến vấn đề cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ cần nghiên cứu, đánh giá rất kỹ các quy định về tính đặc thù của từng ngành nghề để được hưởng trợ cấp, thâm niên. Bởi ngành nghề nào cũng nêu tính đặc thù thì không có đặc thù gì cả.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng lưu ý, công tác thi đua khen thưởng phải tránh tình trạng cào bằng, luân phiên, tránh bệnh hình thức, không thực chất mà phải đúng người, đúng thành tích. “Anh hùng là phải có thành tích anh hùng, chứ anh hùng không phải là do tổng kết bao nhiêu công việc của anh em khác trong cơ quan làm rồi dồn cho một người để được phong anh hùng thì không được” – Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Đề bạt, bổ nhiệm chưa đúng quy định gây bức xúc trong dư luận

Nói về tồn tại, vướng mắc của ngành trong năm 2017, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thẳng thắn chỉ rõ, công tác đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận. Kỷ luật, kỷ cương ở một số đơn vị còn lỏng lẻo; việc giải quyết tinh giản biên chế chủ yếu theo nguyện vọng cá nhân, chưa thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu và căn cứ vào kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức...

Cùng với đó là chất lượng và tiến độ xây dựng và ban hành một số văn bản chưa cao, còn chậm, một số văn bản phải xin lùi, rút khỏi chương trình; việc sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan hành chính nhà nước còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước.

Nói về công tác bộ máy và biên chế trong năm qua, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, tính đến ngày 31/12/2017, cả nước đã thực hiện tinh giản biên chế với tổng số 33.459 người.

Cùng với đó, Bộ Nội vụ cũng đã thẩm định số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2017 đối với 42 địa phương và trong năm 2018 sẽ là 21 địa phương. Đồng thời, tiến hành kiểm tra việc quản lý, sử dụng biên chế, tuyển dụng công chức, viên chức và hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ tại 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


Thế Công

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ