NCS TS Việt tại Úc đi làm bếp trưởng: Tôi không trông mong gì có thể thay đổi thói quen ăn uống của người Việt

Vân Hồng - Design: Riverside | 13-07-2020 - 09:48 AM

(Tổ Quốc) - Thú thật khi còn trẻ, tôi hoài nghi về câu nói "Tài sản lớn nhất của đời người là sức khoẻ". Ở cái tuổi sung sức ấy, tôi nghĩ câu này không đúng.

Chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần giáo dục quốc tế Australia, - Anh Nguyễn Sóng Hiền – bước vào tuổi 40 nhưng vẫn nói không với ốm đau và rất chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe.

một người nghiên cứu về giáo dục nhưng lại có đam mê về ẩm thực, khi đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Úc, anh Hiền đã tranh thủ cơ hội để học hỏi, phụ bếp làm thêm và dần dần trở thành bếp trưởng ở nhiều nhà hàng tại Úc. Anh cũng được mời tham gia nhiều chương trình Vua đầu bếp. Hãy cùng anh khám phá những bí quyết để có một cuộc sống khỏe mạnh.

NCS TS Việt tại Úc đi làm bếp trưởng: Tôi không trông mong gì có thể thay đổi thói quen ăn uống của người Việt - Ảnh 1.

BTV Vân Hồng: Là một người khá nổi tiếng trong mảng giáo dục, đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Úc, anh thấy sức khỏe quan trọng thế nào?

Ông Nguyễn Sóng Hiền: Có thể nói sức khoẻ luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhân loại, và tôi cũng không ngoại lệ.

Danh y Hoa Đà - ông tổ Đông y nổi tiếng ở cuối đời Đông Hán và đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa đã chỉ ra tầm quan trọng của việc ăn uống đối với sức khoẻ, ông từng khuyên: "Mỗi bữa nhịn ăn đi một miếng, thì có thể sống đến 99 tuổi". Hàm ý là nếu biết ăn uống cẩn thận, ăn vừa đủ, không quá no, không ăn quá tùy tiện thì có thể sống thọ.

NCS TS Việt tại Úc đi làm bếp trưởng: Tôi không trông mong gì có thể thay đổi thói quen ăn uống của người Việt - Ảnh 2.

Hay một lời khuyên giá trị khác như "Phải ăn sáng cho tốt, ăn trưa cho no, ăn tối cho khéo" - nhấn mạnh đến tầm quan trọng của 3 bữa ăn trong ngày, và mỗi bữa ăn cần có một định mức hợp lý. Như vậy có thể thấy cách đây đến hàng ngàn năm con người đã nhận ra được vai trò quan trọng của việc ăn uống đối với tuổi thọ và sức khỏe.

Thú thật khi còn trẻ, tôi hoài nghi về câu nói "Tài sản lớn nhất của đời người là sức khoẻ". Ở cái tuổi sung sức ấy, tôi nghĩ câu này không đúng vì chỉ khi nhiều tiền chúng ta mới có thể trở thành người giàu có nhất và có thể mua được tất cả, sức khỏe luôn là yếu tố đứng sau, thậm chí không được để ý tới.

Nhưng khi "có tuổi" hơn một chút, được bôn ba, trải nghiệm ở nhiều nơi trong và ngoài nước, thậm chí là những quốc gia có nền y tế hiện đại, chất lượng cuộc sống cao, đời sống vật chất dư dả, tôi mới thật sự thấm câu triết lý đó.

Ngay như ông chủ nhà hàng tôi từng làm việc ở Úc là một ví dụ. Ông rất giàu có. Chế độ y tế bên này rất tốt, nhiều hạng mục được miễn phí điều trị, trang thiết bị y tế rất tiên tiến, hiện đại nhưng khi ông phát hiện mình bị ung thư phổi, dù được đội ngũ y bác sĩ giỏi, dùng các loại thuốc đặc trị đắt tiền nhưng cũng không thể cứu được và ông đành phải ra đi ở tuổi 63.

Đấy, các bạn có thể thấy rõ ràng rằng không phải cứ sống ở những quốc gia văn minh, y tế hiện đại là sức khoẻ được đảm bảo. Quan trọng nhất là thái độ và cách sống của cá nhân có hợp lý, có lành mạnh và khoa học không.

Sức khoẻ đúng là tài sản vô giá. William Londen từng phát biểu: "Muốn có sức khoẻ tốt, nên ăn nhẹ, thở sâu, sống chừng mực, nuôi dưỡng niềm vui, và tận hưởng cuộc sống".

Chính trị gia Benjamin Franklin, một trong những nhà sáng lập nền chủng quốc Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sức khoẻ khi ông tuyên bố: Chỉ khi người giàu bị ốm đau họ mới hiểu được tầm quan trọng của sức khoẻ.

Còn cựu thủ tướng Anh Winston Churchill nói rằng: "Những người dân khoẻ mạnh là tài sản lớn nhất của bất kỳ quốc gia nào".

Còn cá nhân tôi tâm đắc nhất câu nói của Aristotle, nhà khoa học và triết gia Hy Lạp: "Sức khoẻ là một sự lựa chọn của cá nhân chứ không phải là điều bí ẩn ngẫu nhiên nào cả".

Tất cả những câu danh ngôn đó của những danh nhân trên dù diễn đạt bằng những ý từ khác nhau nhưng họ đều có một quan điểm thống nhất muốn nhấn mạnh đến vai trò hết sức quan trọng của sức khoẻ đối với đời sống mỗi cá nhân và suy rộng ra nó liên quan và quyết định đến sức khoẻ nguồn nhân lực của một dân tộc.

Nếu mỗi người chúng ta tự áp dụng tốt những kiến thức chăm sóc sức khỏe một cách khoa học và toàn diện thì tình trạng thể chất chung sẽ được cải thiện lên rất nhiều.

NCS TS Việt tại Úc đi làm bếp trưởng: Tôi không trông mong gì có thể thay đổi thói quen ăn uống của người Việt - Ảnh 3.

BTV Vân Hồng: Cá nhân anh tự chăm sóc sức khỏe cho mình ra sao?

Ông Nguyễn Sóng Hiền: Cha ông ta thường có câu "Sức khoẻ là trời cho" nhiều người không ăn uống kiêng khem, không tập luyện vẫn sống khỏe như thường. Nhưng thực tế thì đó là quan điểm chủ quan, phi khoa học, khiến chúng ta đánh giá sai bản chất của sức khỏe.

NCS TS Việt tại Úc đi làm bếp trưởng: Tôi không trông mong gì có thể thay đổi thói quen ăn uống của người Việt - Ảnh 4.

Một khảo sát cho thấy tuổi thọ trung bình của người Việt trước những năm 1945 rất thấp khoảng 38 tuổi, trong khi đó năm 2010 đã lên đến 71,3 tuổi, tăng gần gấp đôi, tất nhiên cái này chỉ là con số tương đối và có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng điều này cho thấy rằng cùng với sự phát triển của khoa học, xã hội, kinh tế, văn hóa, y tế giáo dục chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao, ngoài chế độ ăn uống tốt hơn thì họ đã ý thức được nhiều hơn về cách tập luyện và giữ gìn sức khỏe của mình.

Với cá nhân tôi, may mắn là được sống trong một môi trường trong sạch thoáng đãng, tỷ lệ ô nhiễm cực thấp (Theo báo cáo Chỉ số hiệu suất môi trường năm 2018 (EPI) của nước Úc được xếp thứ nhất trong các quốc gia có chất lượng không khí tốt nhất thế giới, được khảo sát trên 180 quốc gia).

Thứ hai, các thực phẩm ở bên này được kiểm soát chặt rõ nguồn gốc và hạn sử dụng cho nên không phải bận tâm về vấn đề an toàn thực phẩm.

Thứ ba, tôi luôn sắp xếp thời gian làm việc hợp lý. Bên này cuộc sống công nghiệp thời gian là vàng, vì vậy hầu như tôi không có thời gian bù khú, nhậu nhẹt nhẹt, vì thế mà cũng hạn chế được bia rượu.

Thú thực với cường độ và áp lực làm việc và học tập như bên này, nếu tôi không có sức khoẻ tốt sẽ không thể trụ vững được lâu. Cho nên phải biết chăm lo bản thân mình, sắp xếp thời gian làm việc, học tập hợp lý. Có chế độ ăn uống và đảm bảo đủ dinh dưỡng là những yếu tốt quyết định để gìn giữ sức khoẻ của mình.

Cho đến hiện tại, ơn trời may mắn tôi chưa có ốm đau ngày nào. Ngoài công việc học tập nghiên cứu, viết sách, dịch sách, làm chef cook cho nhà hàng, tôi còn làm thêm đến 2,3 đầu việc và điều hành công ty mà vẫn ổn.

NCS TS Việt tại Úc đi làm bếp trưởng: Tôi không trông mong gì có thể thay đổi thói quen ăn uống của người Việt - Ảnh 5.

BTV Vân Hồng: Ở Úc, chuyện ăn uống của người dân có gì khác ta?

Ông Nguyễn Sóng Hiền: Câu nói "Bệnh từ miệng mà vào" có thể được ý thức rất sâu sắc bởi người dân phương Tây. Vì làm trong nhà hàng nên tôi gặp gỡ đủ các kiểu du khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới nhưng đa số họ lại chọn cách ăn uống Vegetarian (thiên về chay).

Tuy nhiên, điều thú vị là ăn chay của người phương Tây khá khác với chúng ta. Họ ăn chay không đồng nghĩa với kiêng thịt cá, mà khái niệm này hàm chỉ việc ăn nghiêng về rau củ quả nhiều hơn và ít chất béo. Tuy nhiên, rau lại có thể chấm bằng nước mắm hoặc nấu trong nước hầm xương. Miễn là không có chất béo, đường, ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Về ăn uống, người phương Tây khá tiết kiệm và hợp lý chứ không phung phí thừa thãi như mình. Mỗi người dùng một khẩu phần riêng, không chung đụng và đặc biệt không gắp cho nhau. Thứ nhất, mỗi người có thói quen và sở thích ăn uống khác nhau, thứ hai là không được vệ sinh và thậm chí có thể gây ra các bệnh truyền nhiễm từ người này qua người khác. Nếu món dùng chung họ sẽ dùng riêng một vật dụng khác chứ không lấy đũa hay thìa của mình múc vào chén đĩa chung, rất không vệ sinh.

Ngay cả nước chấm hay canh thì mỗi người đều dùng chén riêng, không dùng chung như văn hoá Việt. Vì vậy có thể thấy trong ăn uống, người phương Tây rất kỹ lưỡng và đề cao tính vệ sinh lên hàng đầu.

Nói về ăn thì cũng cần nhắc tới văn hóa uống cuả họ một chút. Bên này do đặc điểm cuộc sống công nghiệp họ không phải ngày nào cũng bù khú, rủ nhau nhậu nhẹt như ở Việt Nam. Thường thì có party (tiệc), hay sự kiện vui mừng nào đó họ mới tổ chức. Thêm vào đó, nhậu nhẹt ở đây chỉ thường diễn ra vào cuối tuần.

Nói đến rượu thì đề cập thêm về thuốc lá. Bên này thuốc lá bị đánh thuế rất cao lên đến 200%. Ví dụ một bao thuốc lá Việt nam bán 10 ngàn qua đây lên đến cả 200 ngàn. Những gì có tác dụng xấu cho sức khoẻ và môi trường sống thì chính phủ ban bố các luật để xử phạt rất nghiêm khắc.

BTV Vân Hồng: Làm bếp trưởng phục vụ hàng triệu thực khách đến từ khắp nơi trên thế giới, cá nhân anh có nguyên tắc riêng trong ăn uống không?

Ông Nguyễn Sóng Hiền: Người Việt ta có một quan niệm sai lầm rằng bữa ăn có đủ sơn hào, hải vị là bữa ăn đủ dinh dưỡng. Chúng ta thường bày biện cho mâm cao cỗ đầy nhưng thực chất đó là quan niệm phi khoa học trong ăn uống và hết sức lãng phí. Theo khoa học dinh dưỡng, một bữa ăn đảm bảo sức khoẻ là bữa ăn phải đảm bảo về chất chứ không phải lượng.

Chất ở đây có nghĩa là gì thì cần hiểu là phải đảm bảo hàm lượng calorie cho cơ thể. Hàm lượng calorie tức là hàm lượng năng lượng trong các loại thức ăn được đưa vào cơ thể.

Theo tính toán của các nhà dinh dưỡng học thì mỗi cá nhân cần ít nhất là 2500 calorie mỗi ngày, tăng giảm tùy từng trường hợp cụ thể. Cho nên các đồ ăn phương Tây và một số nước phát triển họ ghi rất rõ ngoài bao bì hàm lượng Calorie cụ thể của từng loại để người dùng tiện tính toán.

Trước đây chúng ta còn nghèo khó, chỉ ăn no là được, nhưng khi đời sống lên cao, dần chúng ta cần phải đảm bảo về dinh dưỡng, bữa ăn và phải đủ về chất. Để đảm bảo hàm lượng calorie không nhất thiết phải ăn nhiều.

Bữa sáng hết sức quan trọng nhưng nhiều người coi thường. Chính bữa sáng lại ảnh hưởng nhiều đến năng lực làm việc của ta trong ngày. Nó cung cấp năng lượng tiêu hao trong một đêm ngủ dài và tăng cường hệ thống miễn dịch cho cả ngày làm việc.

Lưu ý là nên ăn sáng khoảng 20 phút sau khi ngủ dậy vì lúc này hệ tiêu hoá mới có sự chuẩn bị để tiếp nhận thức ăn. Hệ tiêu hoá cần một khoảng thời gian nhất định để trở lại làm việc bình thường.

NCS TS Việt tại Úc đi làm bếp trưởng: Tôi không trông mong gì có thể thay đổi thói quen ăn uống của người Việt - Ảnh 6.

Nên tránh các món có dầu mỡ, chiên rán vào bữa sáng đặc biệt đối với những người đang giảm cân và cũng không nên ăn sáng quá muộn vì sẽ tác động xấu đến hệ tiêu hoá và bỏ mất bữa trưa.

Điều đặc biệt quan trọng là nên uống một ly nước vào buổi sáng. Theo các nhà khoa học dinh dưỡng, nên uống khoảng 500 -800 ml nước vào buổi sáng sẽ giúp thanh lọc cơ thể và nạp thêm năng lượng, giúp tăng cường sức khỏe tổng thể.

NCS TS Việt tại Úc đi làm bếp trưởng: Tôi không trông mong gì có thể thay đổi thói quen ăn uống của người Việt - Ảnh 7.

BTV Vân Hồng: Nếu anh là người có ảnh hưởng, anh có kêu gọi người Việt bỏ ăn món gì không?

Ông Nguyễn Sóng Hiền: Tôi không trông mong gì thay đổi thói quen ăn uống của người Việt thậm chí cả khi Bộ trưởng Bộ y tế có kêu gọi. Bởi nó đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta rồi. Có một số không nhỏ người Việt tôi có cảm tưởng là họ ít khi nghe ai về việc ăn uống. Họ thường ăn vì thích dù biết nó không tốt.

Ví dụ đơn giản nhất, nội tạng của động vật thì người Úc họ không ăn hoặc rất ít dùng, trong khi nó lại là món ăn khoái khẩu của người Việt. Người dân ở nhiều quốc gia cũng không có thói quen ăn nội tạng động vật vì được cho là thứ chứa nhiều Cholesterol làm tăng mỡ máu và rất có hại cho tim mạch.

Hay món thịt chó chẳng hạn. Ở phương Tây chó có luật riêng và được pháp luật bảo vệ. Thậm chí bỏ tù nếu giết thịt nó, nhưng một số người Việt vẫn tìm cách để bắt trộm và giết thịt.

NCS TS Việt tại Úc đi làm bếp trưởng: Tôi không trông mong gì có thể thay đổi thói quen ăn uống của người Việt - Ảnh 8.

BTV Vân Hồng: Anh vừa đi học lại vừa nấu ăn giỏi, liệu về VN có sợ bị coi là "khủng long tuyệt chủng" không khi đàn ông Việt nhiều người vẫn mặc nhiên coi việc nội trợ là của phụ nữ?

Ông Nguyễn Sóng Hiền: Người Việt có một quan niệm lạc hậu rằng việc bếp núc là của đàn bà. Thực tế ở phương Tây thì đàn ông làm bếp núc nhiều hơn phụ nữ. Hầu hết các cuộc thi master chef - đầu bếp chuyên nghiệp Úc chủ yếu là nam giới.

Phương Tây có một sự sắp xếp về thứ bậc trong xã hội như sau. Trẻ em là số một, sau trẻ em là phụ nữ, sau phụ nữ là người già, sau người già là chó và sau chó mới tới đàn ông. Cho nên, ở phương Tây đàn ông bị đối xử tệ lắm (cười).

Cái tư tưởng hủ lậu "Xuất giá tòng phu" dù hiện tại đã bị xóa bỏ nhưng di chứng của nó vẫn còn hằn sâu trong nhiều nếp nghĩ của đàn ông Việt, lối nghĩ bếp núc là trách nhiệm của phụ nữ là quá cổ hủ. Đàn ông Việt hiện nay do ảnh hưởng nền văn minh phương Tây nên tôi nghĩ họ cũng đã có những tư tưởng tiến bộ hơn thế hệ trước rất nhiều.

Ở đây tôi không có ý là cái gì của phương Tây cũng là tốt hết, họ cũng có nhiều cái không bằng chúng ta.

Tuy nhiên, để đánh giá một quốc gia phát triển và văn minh hay không, chúng ta phải nhìn vào mặt bằng chung tổng thể về đời sống vật chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống cuả họ.

Chứ chúng ta chỉ dựa vào một vài kỳ tích nhỏ bé của mình rồi dương dương tự đắc đã hơn người thì với tư tưởng đấy chỉ càng làm kìm hãm sự phát triển của chúng ta thôi. Chúng ta cần gạn đục khơi trong, cái gì tiến bộ văn minh và phù hợp thì học hỏi, còn không thì loại bỏ. Không nên có tư tưởng cực đoan là "bài ngoại hay quá sính ngoại". Dù sao nền văn minh họ cũng đã đi trước chúng ta hàng thế kỷ rồi.

Việt Nam đang hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh vì vậy mỗi bản thân chúng ta nên tự ý thức được tránh nhiệm và bổn phận công dân của mình để không ngừng học tập, rèn luyện và trau dồi bản thân. Phải hướng mình đến các giá trị của công dân toàn cầu, bắt kịp những thay đổi của thế giới.

Và điều thay đổi đầu tiên và đơn giản nhất là phải thay đổi lại nhận thức vai trò của phụ nữ và nam giới trong chuyện bếp núc và việc nhà. Đã đến lúc đàn ông Việt vào bếp và giải phóng cho chị em!

Trân trọng cảm ơn anh đã trả lời phỏng vấn!

Anh Nguyễn Sóng Hiền: Hiện là Chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần giáo dục quốc tế Australia.

Thành viên của liên đoàn giáo dục độc lập của Úc (IEU)

Thành viên hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế NAFSA.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM